25/12/2024

Cha Eugene Murray và 62 năm truyền giáo tại Đài Loan

Cha Eugene Murray và 62 năm truyền giáo tại Đài Loan

Từ khi đặt chân đến Đài Loan vào năm 1958, nơi này đã trở thành trọn cuộc đời của Cha Eugene Murray. Cha tóm tắt 62 năm trong sứ vụ linh mục truyền giáo ở Đài Loan của mình bằng 2 câu đơn giản: tốt với người dân và cậy dựa vào ơn Chúa.

Cha Eugene Murray là nhà truyền giáo Dòng Maryknoll, sinh trưởng tại thành phố Bronx, bang New York. Khi đang học trung học, được nghe một linh mục Dòng Maryknoll nói về việc truyền giáo, về việc có rất nhiều người chưa từng nghe tên Chúa Giêsu, đặc biệt là ở những nơi như Trung Quốc, chàng trai Murray thực sự xúc động và mong muốn trở thành linh mục. Năm 15 tuổi, Murray gia nhập Tiểu Chủng viện Dòng Maryknoll ở Clarks Summit, bang Pennsylvania. 11 năm sau, thầy được chịu chức linh mục và được sai đến Đài Loan vào năm 1958. Và nơi đó đã trở thành trọn cuộc đời của Cha Murray.

Tốt với người dân và cậy dựa vào ơn Chúa

Cha Murray đã tóm tắt 62 năm trong sứ vụ linh mục truyền giáo của mình bằng 2 câu đơn giản: tốt với người dân và cậy dựa vào ơn Chúa. Cha nói: “Tôi yêu thích đời sống truyền giáo của tôi. Tôi yêu thích cử hành Thánh lễ, trao Mình Thánh, giúp đỡ mọi người trong mối quan hệ của họ với Chúa Giêsu. Khi bạn làm công việc truyền giáo, bạn cố gắng theo sát Chúa và cầu xin Người giúp đỡ và ban ơn.”

Người giảng đạo bằng gương mẫu

Ở Đài Loan, cha Murray, 88 tuổi, được gọi là cha Tăng Hiện Đạo, nghĩa là “người thực hiện các lời giảng dạy”, người dạy bằng gương mẫu. Cha tìm được rất nhiều con chiên lạc. Cha chăm sóc cộng đoàn, đi đến các bệnh viện và nhà tù. Cha làm việc tại một số giáo xứ, là giám đốc trung tâm sinh ngữ của dòng Maryknoll ở Đài Trung và dạy tiếng Anh ở một trường trung học và một đại học Công giáo. Cha cũng là tuyên úy nhà tù trong hơn 20 năm và đến thăm tù nhân hàng tuần. Gia đình của một trong số những tù nhân này đã lãnh nhận bí tích rửa tội và gia nhập hội Đạo binh Đức Mẹ.

Xã hội công nghiệp hoá

Cha nhớ lại xã hội Đài Loan mà cha lần đầu gặp gỡ. Đó là một xã hội nông nghiệp, nơi người dân lao động trên các cánh đồng lúa, nhưng họ có thời gian rảnh rỗi giữa mùa gieo và mùa gặt để nghe các linh mục dạy giáo lý. Cha kể: “Có 40 đến 50 người học giáo lý và được rửa tội mỗi lần và họ tạo thành một cộng đoàn.” Nhưng đến những năm 1960, công nghiệp hoá đã biến đổi Đài Loan; những người trẻ di chuyển về các thành phố để làm việc trong các công xưởng. Ngay cả khi Giáo phận Đài Trung và các thừa sai Maryknoll đi đến các thành phố để gặp gỡ các tín hữu Công giáo, thì những nhu cầu của đời sống hiện đại cũng khiến những người mới gặp khó khăn hơn khi gia nhập Giáo hội. Họ luôn bận rộn, quanh năm.

Chăm sóc cho giáo dân

Sau khi trở về Hoa Kỳ 3 năm để giúp Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ lo việc định cư cho người tị nạn Việt Nam, năm 1976, Cha Murray trở lại Đài Loan và phụ trách giáo xứ Shalu, nơi không có nhiều người Công giáo thực hành đạo. Cha và giáo lý viên của giáo xứ đã thăm viếng các tín hữu Công giáo có đăng ký và mời họ trở về với Giáo hội.Từ năm 1985, cha phụ trách Giáo xứ Đức Mẹ Trung Quốc ở Đài Trung. Phần lớn giáo dân là những người Trung Quốc đại lục, đã theo Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan vào năm 1949. Những người đến Đài Loan ở tuổi đôi mươi giờ đây đã cao niên. Cha Murray cùng với các thành viên hội Đạo binh Đức Mẹ thăm viếng họ, cho họ rước lễ và xức dầu cho họ nếu cần thiết.

“Trừ ngoại hình, cha hoàn toàn là một người Đài Loan”

Năm 2017, Cha Murray trở thành công dân Đài Loan sau khi chính quyền cho phép những người ngoại quốc có hai quốc tịch.  Nhiều giáo dân khen ngợi cha nói thông thạo cả hai thứ tiếng Phổ thông và Phúc Kiến. Một giáo dân nói: “Cha hoàn toàn hoà nhập vào các giá trị văn hoá, truyền thống, gia đình và xã hội Đài Loan của chúng tôi. Trừ ngoại hình, cha hoàn toàn là một người Đài Loan.”

Cha giống như một người cha

Các giáo dân ở Giáo xứ Đức Mẹ của Trung Quốc hăng hái nói về lòng tốt của cha đã ảnh hưởng trên cộng đoàn của họ như thế nào. Cha sống vô vị lợi và có nụ cười tươi ấm áp. Cha chia sẻ tình yêu của Chúa trong cuộc sống hằng ngày của cha. Bà Lý Á hậu, một giáo dân đồng hành với Cha Murray trong các cuộc viếng thăm nói về cha: “Ngài giống như một người cha. Khi một giáo dân cần bất cứ điều gì, ngài cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng cha không bao giờ yêu cầu giáo dân làm điều gì cho ngài.” Một giáo dân khác thì ấn tưởng bởi sự kiên nhẫn của cha. Cha không bao giờ nói về sai lỗi của người khác. Cha là một mục tử tốt. (Ucanews 08/05/2020)

Hồng Thuỷ