11/01/2025

Bác sĩ Donata Galloni và sứ vụ tại Châu Phi

Bác sĩ Donata Galloni và sứ vụ tại Châu Phi

Các bác sĩ với Châu Phi Cuamm
“Đối với tôi, khi nói ra đi có nghĩa là chọn ‘ở lại’ Châu Phi và khởi động lại nhiều lần hơn nữa cho những sứ vụ mới tại Bangui. Nếu được yêu cầu nói điều gì đó về trải nghiệm trong thời gian phục vụ tại đây, tôi luôn khẳng định đó là một ‘đặc quyền’.”

Trên đây là những lời chia sẻ chân tình của nữ Bác sĩ Donata Galloni, chuyên gia và cộng tác viên của Tổ chức Các Bác sĩ với Châu Phi Cuamm, một trong những tổ chức y tế phi chính phủ lớn của Ý, mục đích thúc đẩy và bảo vệ sức khoẻ của người dân Châu Phi hiện thực hóa các dự án dài hạn cho việc phát triển châu lục.

Hiện nay, Bác sĩ Donata đang làm việc tại một bệnh viện nhi ở Bangui. Bác sĩ cho biết, làm việc ở đây gặp nhiều khó khăn do cơ cấu hành chính yếu kém về đào tạo, khả năng, kỹ năng, kinh nghiệm kiểm soát. Ở đây, đã rất nghèo, giờ lại thêm nguy cơ đại dịch đang lan tràn càng làm cho tình hình thêm khốn khổ. Tại đây, chính phủ đã thực hiện các biện pháp hạn chế như các quốc gia khác như đóng cửa các trường học, nhà thờ, quán bar và giới hạn giao thông công cộng.

Sứ vụ là lời đáp “này con đây”

Năm nay, Tổ chức Cuamm tròn 70 tuổi nhưng theo thời gian tinh thần của tổ chức vẫn không thay đổi. Từ khi thành lập cho đến hôm nay, Cuamm đã gửi hơn 2.000 nhân viên đến các quốc gia nghèo ở Châu Phi. Các nhân viên bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên với thời gian phục vụ là 3 năm. Bác sĩ Donata cũng sẽ ở lại Bangui trong 3 năm tới và sẽ lãnh trách nhiệm chính của một nhóm gồm 12 người. Bác sĩ giải thích với Báo Quan sát viên Roma: “Ở đây, tại Châu Phi giữa những người nghèo đối với tôi là một đặc quyền. Tôi cố gắng sống thực hành những cử chỉ bé nhỏ như lời của Đức Tổng Giám mục Milan, Đức cha Mario Enrico Delpini, nói trong buổi canh thức cầu nguyện cho truyền giáo của giáo phận tháng 10/2017: Thực hành cử chỉ bé nhỏ được tóm tắt trong một câu: này con đây. Dâng hiến cả cuộc đời cho một tình yêu trung tín và sống trong một hoàn cảnh không như ý đó là sứ vụ. Trước đây, tôi không bao giờ tưởng tượng Châu Phi sẽ là nơi tôi sống và hoạt động truyền giáo.”

Sau vài năm trải nghiệm tại một bệnh viện ở Ý, năm 2006 bác sĩ đến Châu Phi. Khoảng 12 năm ở Mozambique, hai năm ở Nam Sudan và bây giờ là Cộng hoà Trung Phi.

Luôn bắt đầu lại

Nữ bác sĩ tình nguyện viên rất tin tưởng vào sứ vụ đang thực hiện tại thủ đô Trung Phi và theo bác sĩ, tinh thần hợp tác là rất quan trọng. Và nếu lúc đầu lòng nhiệt thành cùng với sự “ngây thơ” là những điều chiếm ưu thế thì với thời gian nhận thức về tính nghiêm túc của sứ vụ đã vượt qua tất cả. Bác sĩ nói: “Tôi đã trải qua những giây phút chán nản và vỡ mộng về một công việc rất cần sự hợp tác. Điều này buộc tôi phải luôn bắt đầu lại với những kế hoạch mới. Trong điều kiện sống khó khăn và bất công mà người dân phải chịu đựng, với sự cố gắng hết mình và sự giúp đỡ của nhiều người bạn ở Ý tôi luôn giữ cho mình đứng vững và trở nên gần gũi với mọi người. Với sự kiên nhẫn và khiêm tốn, các bước thay đổi và cải thiện chập chạp của nhân viên địa phương và tại các cơ sở y tế nơi tôi làm việc từng bước được thực hiện.”

Bác sĩ Donato nhấn mạnh: “Ở Bangui, tôi cảm thấy tôi có thể tiếp tục trải nghiệm những điều cần thiết và quý giá một sự cộng tác cho sự phát triển đó là chia sẻ và trao đổi; trao và nhận với biết bao người chúng tôi gặp hằng ngày. Không phải dễ dàng để luôn giữ được thái độ như thế. Làm việc ở đây, các tình nguyện viên dễ bị cám dỗ buông xuôi tất cả vì cảm thấy mình bất lực và vô dụng; hoặc cám dỗ muốn nhận được kết quả và thành công một cách dễ dàng.”

Các bài học nhận được từ Châu Phi

Bác sĩ cho biết từ lục địa Châu Phi, bác sĩ đã nhận được những món quà và học được những bài học. Chẳng hạn như nâng cao nhận thức và kinh nghiệm về chính giới hạn, yếu đuối của mình, trong một thế giới mà khoa học và kỹ thuật vẫn chưa thể kiểm soát và chế ngự. Khả năng chịu đựng và nhẫn nại trong đau khổ của dân chúng.

Để tiếng gõ cửa của người nghèo thúc giục

Chính vì thế, đối với bác sĩ, “sự lựa chọn” này phải liên tục được “chọn lại” và phải “có động lực” và sống kiên nhẫn. Bác sĩ chia sẻ: “Tôi cố gắng để cho mình tiếp tục được thúc dục từ ‘tiếng gõ cửa của người nghèo’ trên cánh cửa của chúng tôi, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết, “trong khi người nghèo trên thế giới tiếp tục gõ cửa người giàu, thì thế giới giàu có lại có nguy cơ không còn nghe thấy tiếng gõ cửa đó nữa, do lương tâm không thể nhận ra con người”. (Caritas in Veritate, 75)

Ngọc Yến