28/12/2024

Thêm bằng chứng cho thấy vắc xin MMR không gây tự kỷ

Thêm bằng chứng cho thấy vắc xin MMR không gây tự kỷ

Báo cáo đánh giá được công bố trên Thư viện y học Cochrane mới đây cho thấy không có mối liên hệ giữa vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR) với bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Nhiều người từ chối cho con tiêm MMR vì tin rằng loại vắc xin này có thể gây bệnh tự kỷ
 /// Ảnh: AFP
Nhiều người từ chối cho con tiêm MMR vì tin rằng loại vắc xin này có thể gây bệnh tự kỷ  ẢNH: AFP
Báo cáo tổng hợp dữ liệu từ 138 nghiên cứu trên toàn cầu đối với 23 triệu trẻ em từ năm 2012 đến nay. Trong đó, khoảng 63% các nghiên cứu đánh giá tác hại tiềm tàng của vắc xin này, 37% còn lại xem xét về hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa các bệnh tương ứng.
Theo dữ liệu từ 2 nghiên cứu với 1,2 triệu trẻ em tham gia, tỷ lệ chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ có tiêm vắc xin MMR và trẻ không sử dụng là tương tự nhau. Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy loại vắc xin này không kích hoạt bệnh tự kỷ ở những trẻ có nguy cơ.
“Chúng tôi cho rằng đây là bằng chứng về sự an toàn và hiệu quả của vắc xin MMR trong việc tiêm chủng hàng loạt”, tiến sĩ Carlo Di Pietrantonj, công tác tại Đơn vị dịch tễ học khu vực về bệnh truyền nhiễm SeREMI (Ý), chia sẻ.
Vắc xin MMR được cấp phép sử dụng vào năm 1971. Nghiên cứu năm 1998 của bác sĩ Andrew Wakefield (Anh) được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho rằng vắc xin này gây ra tự kỷ ở trẻ em.
Hàng chục nghiên cứu sau đó đều không tìm thấy sự liên quan giữa căn bệnh tự kỷ với vắc xin MMR. Tuy nhiên, quan điểm của bác sĩ Wakefield đã lan rộng ở nhiều quốc gia trong thời gian dài và được những người “anti-vaccine” (chống tiêm chủng) sử dụng như một trong những lý lẽ thuyết phục nhất.
Với thống kê hơn 140.000 người đã chết vì bệnh sởi chỉ trong năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem việc từ chối tiêm vắc xin hoặc miễn cưỡng sử dụng vắc xin là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu trong tương lai.
XUÂN THU THUỶ
TNO