01/11/2024

Nghiên cứu mới: Nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự báo

Nghiên cứu mới: Nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự báo

Chỉ cần đại dương tăng thêm vài centimet, mưa bão đã trở nên khốc liệt, khó đoán và để lại thiệt hại nặng nề…

 

Nghiên cứu mới: Nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự báo - Ảnh 1.

Nước biển dâng cao sẽ khiến nhiều nơi trên Trái đất bị “xóa sổ” – Ảnh: GETTY IMAGES
Viện Nghiên cứu khí hậu Postdam (PIK) kết hợp với ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cảnh báo đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể tăng nhanh và nghiêm trọng hơn so với những dự báo đã có.

Theo Science Alert, trong trường hợp toàn cầu hoàn thành cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris, giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước các đại dương sẽ dâng trung bình 0,5m vào năm 2100 và 2m vào năm 2300.

Tuy nhiên nếu các nước không hoàn thành được nhiệm vụ kiểm soát nhiệt độ toàn cầu, Trái đất có thể tăng 3,5oC đến năm 2100. Khi đó nước biển sẽ dâng 1,3m.

Cũng theo kịch bản này, đến năm 2300 khi hàng tỉ tấn băng tại Tây Nam Cực và Greenland tan chảy, mực nước biển có thể dâng cao đến hơn 5m. Khi đó, hình dạng bờ biển trên Trái đất sẽ thay đổi hoàn toàn.

Theo nhóm nghiên cứu, viễn cảnh này hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu các nước không đồng lòng giữ nhiệt độ Trái đất không tăng. Hiện nay, nhiệt độ mặt đất đã hơn 1oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu mới: Nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự báo - Ảnh 2.

Băng tại Tây Nam Cực tan trong nhiều năm qua là một trong những nguyên nhân chính làm nước biển dâng – Ảnh: AFP

Theo TS Stefan Rahmstorf, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khí hậu Postdam, nghiên cứu mới đây là công trình chung của hơn 100 nhà khoa học uy tín.

Mức độ nước biển dâng cao nghiêm trọng hơn nhiều so với một số báo cáo trước đây, trong đó có cả ước tính của Ủy ban liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (khoảng 0,91m).

“Rõ ràng chúng tôi thấy những dự đoán trước đây về mức tăng nước biển toàn cầu khá thấp”, TS Stefan Rahmstorf phát biểu trên AFP.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, tác động của mực nước biển dâng khó nhận thấy trực tiếp như những hiện tượng cực đoan khác như hạn hán, lũ lụt… Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ cần đại dương tăng thêm vài centimet đã góp phần làm mưa, bão khốc liệt, khó đoán và để lại thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều.

Nghiên cứu mới: Nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự báo - Ảnh 3.

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khốc liệt hơn vì nước biển dâng – Ảnh: REUTERS

TS Benjamin Horton, chuyên khoa môi trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết trong 2 thập kỷ qua nguyên nhân chính làm mực nước toàn cầu tăng cao là do những mảng băng khổng lồ ở Greenland và Tây Nam Cực tan chảy.

Theo thống kê, lượng băng ở 2 khu vực “cấm địa” này hiện tan nhanh gấp 6 lần so với những năm 1990. Từ năm 1992 đến năm 2017, Greenland và Tây Nam Cực mất 6,4 tỉ tấn băng, làm mực nước biển trung bình trên thế giới tăng 4mm mỗi năm.

TS Benjamin Horton cho biết thêm, băng ở Greenland và Tây Nam Cực nắm giữ trữ lượng nước ngọt lớn cho Trái đất. Nếu chúng tan hết, các đại dương ước tính sẽ dâng cao 13m.

HOÀNG THI
TTO