Hành trình 30 năm tái sinh của Giáo hội Công giáo Campuchia
Cách đây 30 năm, Thánh lễ Vọng Phục Sinh tối 14/04/1990, là Thánh lễ đầu tiên Giáo hội Campuchia được cử hành lại sau 15 năm. Ngày hôm đó được ghi nhớ như dấu chỉ sự tái sinh của Giáo hội Campuchia.
30 năm trôi qua, Giáo hội bị tiêu diệt ở Campuchia đã trải qua sự tái sinh ở một đất nước mà phần lớn dân số theo Phật giáo. Ngày nay, cộng đồng Công giáo Campuchia vẫn là một thiểu số nhỏ bé nhưng đã hoà nhập vào quốc gia này. Giáo hội tại nước này là một nhóm rất nhỏ, chỉ chiếm 0,15% dân số tại một quốc gia có 90% dân số theo Phật giáo.
Giáo hội bị bách hại từ năm 1975-1990
Giáo hội Công giáo Campuchia đã đi qua một hành trình rất dài. Dưới chế độ độc tài Pol Pot , từ năm 1975-1979, tất cả các phong tục văn hoá tôn giáo và truyền thống đã bị đàn áp, bao gồm cả các sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo. Gần như tất cả các nhà thờ đã bị phá hủy trong thời gian này, và một số lớn các linh mục và tu sĩ đã qua đời. Cộng đồng Công giáo là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất: 50% thành viên của Giáo hội đã qua đời.
Năm 1979, một cuộc nội chiến tiếp theo sau cuộc chiến giữa Campuchia (được gọi là Dân chủ Campuchia vào thời điểm đó) và Việt Nam, kéo dài đến cuối những năm 1990. Từ năm 1979 đến 1989, dưới chế độ Heng Samrim được Việt Nam ủng hộ, tất cả các hình thức thực hành tôn giáo vẫn bị cấm trong thời kỳ này.
Lễ Vọng Phục Sinh năm 1990: đánh dấu sự tái sinh của Giáo Hội
Ngày 07/04/1990, Uỷ ban Trung ương của Đảng Cách mạng Campuchia chính thức công nhận sự hiện diện của các Kitô hữu tại quốc gia này. Bảy ngày sau đó, các hoạt động tôn giáo đã được cử hành công khai. Thánh lễ được cử hành lại lần đầu tiên ở đất nước này sau hơn 15 năm, từ năm 1975. Đó là lễ Vọng Phục Sinh năm 1990, đánh dấu sự tái sinh của Giáo hội tại Campuchia. Vào thời điểm đó, tại nước này chỉ có 3.000 người Công giáo.
Tin Mừng được truyền giảng trong làng nhờ một tín hữu duy nhất – một phụ nữ Công giáo lớn tuổi
Một trong số họ là một phụ nữ lớn tuổi, là người Công giáo duy nhất ở làng Prek-Toal trong 15 năm. Ngôi làng được tạo thành từ những ngôi nhà được xây dựng trên những chiếc bè tre neo đậu ở cửa sông chảy từ Battambang đến hồ Tonlé Sap. Không có linh mục, không có cộng đồng Kitô giáo hỗ trợ bà. Tuy nhiên, vào Lễ Giáng Sinh, bà đã tập hợp những người hàng xóm của mình lại với nhau để cùng bà mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh. Kể từ đó, một nhà thờ nổi di động đã được xây dựng. 50 người được rửa tội sống trong làng và mỗi năm, ngày càng nhiều trẻ em và người lớn đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Rước Lễ.
Truyền giáo bằng nghệ thuật
Trong 30 năm, Giáo hội Công giáo, với hơn 20.000 thành viên trong quốc gia có đa số dân theo Phật giáo, đã hoạt động để thăng tiến đức tin, trung thành với giáo lý của Giáo hội, đồng thời làm cho các dụ ngôn của Chúa Kitô trở nên dễ hiểu đối với người dân làng địa phương. Điều này đã được Đức cha Schmitthaeusler, Đại diện Tông Toà ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, xác nhận. Đức cha nói: “Khi tôi đến đây, đó là dịp Giáng Sinh, và tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu bắt đầu câu chuyện Giáng Sinh. Mọi người rất ấn tượng bởi kỹ năng diễn xuất của chúng tôi. Sau đó tôi nhận ra rằng đây là thời điểm thích hợp cho các tác phẩm sân khấu lớn và bắt đầu với những gì tôi sẽ gọi là truyền giáo thông qua nghệ thuật.” Đức cha tin rằng phương pháp này sẽ phù hợp nhất. Nghệ thuật chảy trong máu của người Campuchia. Đối với tất cả người dân ở đây, cả trẻ em và người lớn, việc múa hát hoàn toàn là điều tự nhiên. Đức cha giải thích làm thế nào để có thể sử dụng di sản văn hoá nghệ thuật phong phú của Campuchia cho mục đích loan báo Tin Mừng.
Tôn trọng lẫn nhau
Đức cha Đại diện Tông toà Phnom Penh tiếp tục nêu lên tầm quan trọng của việc duy trì sự tôn trọng lẫn nhau giữa các hệ phái khác nhau. Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Khmer, cũng có lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Đức cha giải thích: “Người dân đến đây và thấy rằng chúng tôi tôn trọng văn hoá của họ. Nhiều người trong số họ là Phật tử. Tuy nhiên, dần dần, từng chút một, họ đang đến để hiểu ý nghĩa của Phúc Âm.” Đức cha nói thêm: “Chúng tôi đang dần cảm nhận được nghệ thuật, truyền giáo và tôn trọng văn hoá có thể phối hợp với nhau như thế nào để giúp chúng tôi hiểu nhau.”
Những vết sẹo khó phai mờ
Bất chấp tất cả, những vết sẹo để lại sau nhiều năm khiếp sợ và kinh hoàng vẫn còn thấy rõ trong cộng đồng Công giáo Campuchia. Nhiều nhà thờ bị phá huỷ, một số khác bị mạo phạm. Cha Totet Banaynaz đã nói về một nhà thờ được xây dựng vào năm 1881 bởi các nhà truyền giáo người Pháp. Dù nhà thờ có thể chưa bị phá huỷ; tuy nhiên, dưới chế độ Pol Pot, nó đã bị biến thành một nơi hoàn toàn ô uế, không còn gợi lên một chút tôn trọng nào, và được sử dụng làm chuồng bò và sau đó là một nhà máy xay lúa. Hoàn toàn không còn gì thánh thiêng ở trong nhà thờ này nữa.”
Không ai nghèo đến mức không thể cho đi và không ai giàu đến mức không thể đón nhận
Ngày nay, sẽ không thể trùng tu nhà thờ nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Do đó, Cha Banaynaz mời gọi tất cả những người muốn tham gia hoạt động với tư cách là những người truyền giáo tham gia vào dự án. Cha nói thêm: “Chúng tôi có điều gì đó mà chúng tôi có thể cung cấp cho họ: gương mẫu về cuộc sống của chúng tôi, sự đơn giản và đau khổ của chúng tôi. Tôi luôn nói với các tín hữu ở đây: không ai nghèo đến mức không thể cho đi. Và không ai giàu đến mức không thể đón nhận”.
Sau khi Kitô giáo được chính thức công nhận tại Campuchia vào năm 1990, quyền tự do tôn giáo đã được thông qua trong hiến pháp mới, được phê chuẩn vào năm 1993. Về mặt ngoại giao, Campuchia và Toà Thánh đã chính thức công nhận nhau vào ngày 25/03/1994. Trong quá trình phát triển này, các nhà truyền giáo nước ngoài một lần nữa được phép đến Campuchia. Một linh mục người Campuchia đã được chịu chức vào tháng 07/1995, lần đầu tiên sau 22 năm. Trong toàn bộ thời gian này, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã liên tục viện trợ cho việc mục vụ để hỗ trợ sự tái sinh của Giáo hội Công giáo ở Campuchia. (Zenit 05/05/2020)