19/11/2024

Các nhà khoa học cảnh báo: đừng thấy khí carbon giảm nhờ COVID-19 mà mừng

Các nhà khoa học cảnh báo: đừng thấy khí carbon giảm nhờ COVID-19 mà mừng

Việc thế giới ngưng các hoạt động sản xuất, đi lại trong thời COVID-19 đã khiến lượng khí carbon giảm, nhưng con số 8% giảm đi so với 418,12 phần triệu (ppm) lượng CO2 trong khí quyển hiện có thì chỉ như muối bỏ bể.

 

Các nhà khoa học cảnh báo: đừng thấy khí carbon giảm nhờ COVID-19 mà mừng - Ảnh 1.

Các nhà khoa học cảnh báo lượng khí thải CO2 sẽ tiếp tục tăng thêm và đại dịch không giúp ngăn chặn nguy cơ biến đổi khí hậu – Ảnh: NYTimes

Thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu khi lượng carbon dioxide (CO2) gia tăng trong khí quyển vẫn đang đạt mức cao nhất từ trước tới nay, mặc dù các phương tiện cơ giới ít hoạt động và sản xuất công nghiệp được tạm ngưng để ngăn chặn dịch COVID-19.

Vào ngày 3-5, lượng CO2 đạt mức cao chưa từng thấy trong hơn 60 năm trở lại đây, theo báo cáo của Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh và Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) trên tạp chí khoa học Carbon Brief ngày 7-5.

Chỉ vài tuần sau khi thế giới thực hiện phong tỏa biên giới, cách ly xã hội và tạm ngừng nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất, nhiều báo cáo khoa học khí tượng đã cho thấy những thay đổi đáng kinh ngạc về chất lượng không khí tại nhiều quốc gia.

Những thành phố đầy khói bụi trước đó tại Trung Quốc, Ấn Độ trở nên trong lành, quang đãng; những dòng sông trước đây đục ngầu ở Ý đã trong veo tới nỗi từng đàn cá rủ nhau về.

Nhưng theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu giảm trong năm nay do dịch COVID-19 chỉ khoảng 8%. So với mức 415 phần triệu cuối năm 2019 và 418,12 phần triệu (ppm) lượng khí thải CO2 mà Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) đo được trong tháng 5 này thì chẳng khác nào muối bỏ bể.

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy giảm phát thải khí nhà kính tạm thời khi mọi người ở nhà trong đại dịch không đủ để cứu bầu khí quyển vì việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã diễn ra từ rất lâu.

Một điều quan trọng là CO2 có thể tồn tại trong khí quyển hàng trăm đến hàng ngàn năm sau khi nó thoát khỏi các nhà máy và ống xả phương tiện cơ giới. 8% lượng khí mất đi trong vài tháng chẳng thể xóa đi những gì chúng ta tác động vào môi trường và khí quyển trong 100 năm qua. Nó có thể làm chậm sự biến đổi khí hậu nhưng không đáng kể.

Tháng 5 là thời điểm quan trọng vì đó là khi mức độ CO2 trong khí quyển thường đạt mức cao nhất. Mức độ này thường dao động trong suốt cả năm theo các mùa. Vào mùa xuân và hè, lá cây tại các cánh rừng rộng lớn ở Bắc bán cầu giải phóng lượng CO2 rất lớn khi phân hủy sau khi đã rụng xuống từ mùa thu, đông trước đó.

Đó là lý do mà dù có những báo cáo tích cực về chất lượng không khí nhưng thế giới không nên vì thế mà vui mừng sớm. Chúng ta vẫn đang đối diện nguy cơ tổn hại chất lượng cuộc sống rất lớn do biến đổi khí hậu.

Việc ghi chép nồng độ khí thải nhà kính được bắt đầu năm 1958 tại Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) thuộc Viện Hải dương học của Mỹ. Khi đó, nồng độ CO2 trong khí quyển là 318 phần triệu (ppm); tháng 11-2019 là 415,26 phần triệu (ppm); đến tháng 5-2020 là 418,12 phần triệu.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cần phải giảm vĩnh viễn ít nhất 50% lượng khí CO2 trong không khí ngay thời điểm này và đạt gần như bằng 0 vào năm 2050 thì loài người mới tránh được các tình huống xấu nhất xảy ra do biến đổi khí hậu.

Nhưng đó không phải là điều dễ dàng.

KA KA (Theo Theverge)
TTO