Chúa Nhật IV PS A 2020: Người Mục tử tốt lành
Chúa Nhật IV Phục Sinh luôn được Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu sống lại: như là người mục tử tốt lành và cầu nguyện cho có nhiều người bước theo Chúa Giêsu.
Chúa Nhật IV PS – A 2020
Người mục tử tốt lành
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Nhật IV Phục Sinh luôn được Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu sống lại: như là người mục tử tốt lành và cầu nguyện cho có nhiều người bước theo Chúa Giêsu.
Thế giới ngày nay rất cần những người mục tử giống như Chúa Giêsu để chữa lành người bệnh, tái sinh người chết và mang lại bình an, hy vọng cho những ai đang gặp thử thách, nhất là trong đại dịch Covid 19 này.
1. Người mục tử Giêsu
Thánh Phêrô, trong Bài đọc II (x. 1Pr 2,20-25), đề nghị “chúng ta là những con chiên lạc, hãy quay về với Vị Mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn chúng ta”, vì chúng ta được kêu gọi để sống như Đức Giêsu. Người đã chịu đau khổ để làm gương cho ta. “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta được tha thứ và được sống công chính. Vì thế mà chúng ta phải kiên tâm chịu đựng đau khổ và làm các việc lành” để xứng đáng đón nhận ơn sống lại của Người.
Thánh Phêrô trong Bài đọc I (x. Cv 2,14.36-41) đã nhắc lại lời kêu gọi: chúng ta hãy ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh Vị Mục tử để được ơn tha tội và nhận được ân huệ là Thánh Thần để sống đời mới mẻ, phi thường. Ngài đã chứng minh đời sống kỳ diệu ấy qua những phép lạ: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại. Đặc biệt vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Phêrô, dù nói bằng tiếng Do Thái, trong khi các người nghe đến từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, họ vẫn hiểu được bài giảng của ngài. Kết quả là sau bài giảng, có khoảng ba ngàn người theo đạo. Đấy là bằng chứng cụ thể để mọi người cảm nhận được sự sống mới mẻ, dồi dào mà Vị Mục tử tốt lành đem đến cho họ.
Trong bài Tin Mừng (x Ga 10,1-10), Đức Giêsu xác định Người là cửa cho chiên ra vào, để đàn chiên gặp được đồng cỏ đem lại sự sống dồi dào của Thiên Chúa.
Trong dòng lịch sử nhân loại, không thiếu những nhà lãnh đạo chính trị, nhà cách mạng, thậm chí các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã tự xưng mình là những người đem lại sự sống dồi dào hạnh phúc cho con người. Nhưng tất cả đều đã chết, đế quốc họ tan rã, vì họ chỉ đến để “ăn trộm, giết hại và phá huỷ” như Chúa Giêsu cảnh báo cho chúng ta. Chỉ có Đức Giêsu mới dám tự nguyện chết cho đàn chiên và sống lại cho đàn chiên được sống dồi dào (x. Ga 10,11-18).
Vì thế, Người mời gọi tất cả tín hữu hãy tiếp tục công trình cứu độ bằng cách chia sẻ trách nhiệm làm mục tử với Người, như đã kêu gọi thánh Phêrô, các tông đồ và môn đệ xưa kia. Nếu ta lắng nghe và tiếp nhận ơn gọi đó, Người sẽ chia sẻ cho ta sự sống mới mẻ và ân huệ Thánh Thần để ta đi khắp cùng thế giới quy tụ đàn chiên về cho Người.
Tuy nhiên, lời kêu gọi đó ít được các bạn trẻ ngày nay đáp lại. Tại sao?
2. Những nguyên nhân cản trở ơn gọi làm linh mục, tu sĩ theo chân Chúa Giêsu
Nếu so sánh các số liệu linh mục, tu sĩ trong khoảng 50, 60 năm gần đây, ta sẽ thấy tình trạng sa sút và thiếu hụt. Vào năm 1970, Giáo hội Công giáo có 653,6 triệu tín hữu với 419,728 linh mục, hơn 800.000 tu sĩ nữ và 200.000 tu sĩ nam (x. Catholic Almanac năm 1970). Năm 2020, Giáo Hội có 1,329 tỷ người tín hữu, chiếm 18% dân số thế giới, nhưng số linh mục chỉ có khoảng 415.000 người, 642.000 nữ tu và 55.000 nam tu sĩ. Như thế, số ơn gọi đã giảm hơn 100% (theo Vatican News, ngày 25/3/2020; trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, mục Tin Giáo hội Hoàn vũ, ngày 5/5/2020).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này. Các bạn trẻ ngày nay trước hết không thích đời sống gò bó với những kỷ luật của đời tu. Họ muốn sống buông thả, thoải mái, độc lập, tự do. Để làm linh mục, người ta phải học thêm các môn triết học và thần học. Đây là những môn có vẻ xa lạ, không gần gũi với đời sống thực tế của con người.
Rồi khi học xong, người ta thấy thu nhập rất thấp so với những nghề nghiệp khác. Ở Hoa Kỳ, hay một số nước Âu châu có chế độ thù lao cho các hoạt động tôn giáo, tiền lương mỗi tháng của linh mục, tu sĩ chỉ bằng lương tối thiểu của người lao động hạng thấp trong xã hội. Do đó nhiều người Công giáo không tha thiết đi tu.
Ở Việt Nam, không có chế độ trả thù lao, nên linh mục chỉ dựa vào tiền bổng lễ mỗi ngày mà giáo dân xin lễ; trung bình chỉ khoảng 7,5 triệu/tháng. Nhiều xứ đạo nghèo, giáo dân ít, nên số người xin lễ cũng không đủ cho một tháng. Tuy nhiên, người tín hữu Việt Nam lại rất quảng đại chia sẻ và giúp đỡ linh mục, tu sĩ. Nhiều gia đình, tuy không có tiền xin lễ, nhưng vẫn mang đến cho các cha, các thầy, các sơ: con gà, con cá mới đánh bắt được, hay mớ rau, trái cây mới trồng được. Do đó, cuộc sống của những người tận hiến cho Chúa ở Việt Nam đầy ắp tình người.
Nhiều bạn trẻ Công giáo thấy đời sống linh mục có vẻ không sôi nổi và năng động vì chỉ thấy làm những thánh lễ, cử hành các bí tích, đọc những lời kinh quen thuộc đến độ nhàm chán; không phải vất vả, sáng tạo gì cả và có vẻ như không thể phát huy những tài năng của con người.
Hơn nữa, đời sống linh mục, tu sĩ cũng không được dễ dãi để tiếp xúc với mọi hạng người, nhất là người khác phái, không được chiều theo các bản năng và đam mê nên có vẻ khắc khổ, buồn chán, nghèo nàn. Vì là đối tượng của một cộng đồng, nên linh mục dễ bị phê phán, xét đoán và chịu nhiều áp lực xã hội khiến cho cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi.
Trong vài năm gần đây, một số vụ kiện cáo liên quan đến việc lạm dụng tình dục cũng khiến các bạn trẻ ngại đến với ơn gọi linh mục, tu sĩ. Sự việc trước hết bắt nguồn từ hệ thống quản lý tài chính, kinh tế của Giáo Hội và người ta đã khai thác được điểm yếu đó. Trong hệ thống này, giám mục được coi như giám đốc trả lương cho các linh mục, tu sĩ làm việc dưới quyền mình. Nên nếu linh mục bị kết án và phải bồi thường, thì giám mục phải chi trả. Có vài giáo phận phải bán cả toà giám mục để bồi thường cho người bị hại. Nhưng khi thay đổi cơ chế quản lý, linh mục ở xứ nào bị kết án, thì lấy quỹ của giáo xứ đó để chi trả. Ta không còn thấy các vụ kiện cáo nữa, vì quỹ giáo xứ không có bao nhiêu, nên những kẻ tham lam cũng không muốn kiện cáo. Một điểm lưu ý là các vụ án về lạm dụng tình dục đều xảy ra từ vài chục năm trước, khi quan niệm về những hành vi lạm dụng khác xa thời nay.
Đại dịch Covid 19 đã cho nhiều người cảm nghiệm được sự dấn thân hy sinh của các linh mục, tu sĩ. Trong khi nhiều người bỏ mặc bệnh nhân, bác sĩ chọn lựa bệnh nhân, thì vị linh mục, tu sĩ lại là người tiếp xúc, an ủi, giúp đỡ bệnh nhân cho đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, dù biết rằng mình có thể bị lây bệnh và nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta thấy số thống kê cách đây 1 tháng có khoảng 40 linh mục ở Pháp, hơn 100 linh mục ở Ý trong đó có cả giám mục (x. Vietcatholic.net ngày 12/4/2020) và hàng trăm linh mục ở Tây Ban Nha đã chết vì dịch Covid 19 này. Linh mục Giuseppe Berardelli, 72 tuổi ở Ý, đã nhường máy thở người ta mua cho mình để cứu các bệnh nhân trẻ tuổi hơn và đã chết vì dịch bệnh (Theo tin BBC, ngày 24/3).
Lời kết
Thật ra, đời tận hiến của linh mục, tu sĩ cần phải có những hy sinh, thử thách, nhưng đó là giá phải trả để đem lại cho mọi người niềm vui, hy vọng và sự sống mới mẻ của Chúa Kitô Phục Sinh. Ta sẽ cảm nhận được điều đó khi mở tâm hồn ra cho Đấng Siêu Việt, chia sẻ với Người trách nhiệm làm mục tử tốt lành.
Nguồn: HKK