Mặt trời bị ‘khủng hoảng tuổi trung niên’?
Mặt trời bị ‘khủng hoảng tuổi trung niên’?
Mặt trời của chúng ta hành xử khá bất thường nếu so với đồng bạn ở những hệ sao khác, làm dấy lên nghi ngờ rằng ngôi sao mang lại nguồn sống cho Trái đất đang đối mặt với sự chuyển biến nào đó của đời sống.
Trong quá trình so sánh mặt trời và 369 ngôi sao khác cùng loại, các nhà thiên văn học của Viện Max Planck (Đức) ngạc nhiên khi phát hiện mặt trời của chúng ta hoạt động uể oải hơn hẳn.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Science, suốt 4 năm qua mặt trời của chúng ta duy trì trạng thái khá ổn định và trầm lặng hơn hẳn, trong khi những ngôi sao khác liên tục xuất hiện các vết đen và bùng nổ các vết lóa với tần suất hơn hẳn.
Trong đó, số lượng vết đen và vết lóa đại diện cho mức độ hoạt động của mặt trời tái lập theo chu kỳ 11 năm.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của chu kỳ, thông thường một ngôi sao như mặt trời của chúng ta phải xuất hiện hàng trăm vết đen và vết lóa, phóng thích các chùm bức xạ khổng lồ vào không gian xung quanh.
Khi một ngôi sao già đi, mọi thứ bắt đầu chậm lại.
Trong quá trình tính toán các thay đổi về độ sáng và độ biến thiên của mặt trời với 369 ngôi sao khác ở cùng độ tuổi, kết cấu, và mức nhiệt độ, các nhà nghiên cứu phát hiện tần suất vết đen và vết lóa của mặt trời chỉ bằng 1/5 so với các ngôi sao còn lại.
Theo ước tính, mặt trời hiện khoảng 4,5 tỉ năm tuổi, tức đã đi được phân nửa đoạn đường của đời sống, và giới nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết để giải thích cho tình trạng của nó hiện nay: mặt trời có lẽ đang trải qua khủng hoảng tuổi trung niên.
HẠO NHIÊN
TNO