ĐTC Phanxicô (02/5): Trong khủng hoảng cần kiên vững trong đức tin
“Thời điểm khủng hoảng là lúc để chọn lựa các quyết định. Chúa Giêsu đã yêu cầu các tông đồ phải thực hiện như thế khi các ông đứng trước điều phải chọn lựa: theo những người khác hoặc ở lại với Thầy.”
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như trên trong Thánh lễ sáng thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta. Theo Đức Thánh Cha suy niệm các bài đọc của phụng vụ thứ Bảy tuần III Phục Sinh giúp chúng ta sống ý nghĩa cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải ứng phó.
Với những ý hướng này, Đức Thánh Cha bắt đầu Thánh lễ với việc mời gọi mọi người cầu nguyện cho các vị đứng đầu quốc gia, các chính phủ, những người có trách nhiệm chăm sóc người dân trong giai đoạn khủng hoảng. Trong thời điểm khó khăn này, công việc của họ không dễ dàng, xin Chúa trợ giúp và ban sức mạnh cho họ. Và khi giữa họ có những khác biệt xin cho họ hiểu rằng trong những lúc khủng hoàng họ cần phải hiệp nhất vì ích lợi của mọi người; bởi vì theo Đức Thánh Cha hiệp nhất thì vượt trên xung đột.
Ngoài ý chỉ cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, Đức Thánh Cha còn mời mọi người hiệp thông với 300 nhóm cầu nguyện. Các nhóm này có tên gọi theo tiếng Tây Ban Nha là Madrugadores, có nghĩa là những người dậy sớm cầu nguyện. 300 nhóm này đã hẹn nhau vào ngày thứ Bảy 02/5 cùng nhau dậy sớm cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha suy niệm và giải thích hai bài đọc theo ngày: Bài đọc I nói về cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và Bài Tin Mừng nói về lời tuyên xưng của Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói: “Hồi ấy, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ. Nhưng cũng có những cuộc bách hại và khó khăn và các tín hữu phải sống trong khủng hoảng.”
Trước lời giảng dạy của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” Nghe những lời này nhiều môn đệ nói “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Chúa Giêsu biết các môn đệ đang xầm xì vấn đề ấy. Đức Thánh Cha giải thích: các môn đệ chứ không phải các tông đồ xầm xì. Chúa biết ai tin và ai không tin. Dừng lại ở điểm này, Đức Thánh Cha nhắc lại điều đã nói trong những ngày trước đây: “Đây là lý do tại sao Chúa Cha chính là Đấng lôi kéo chúng ta đến với Chúa Giêsu.”
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Một số môn đệ rút lui, vì họ cảm thấy những điều này xa lạ. Giống như các môn đệ Emmau chạy trốn, hoặc những người lính canh mộ, họ đã thấy sự thật nhưng lại thích bán điều bí mật của mình.”
Liên hệ đến thực tế cuộc khủng hoảng, Đức Thánh Cha giải thích: “Thời điểm khủng hoảng là lúc để chọn lựa các quyết định. Hiện nay, tất cả chúng ta đều nghĩ đến cuộc khủng hoảng: khủng hoảng gia đình, xã hội, công việc; đại dịch là một thời khắc khủng hoảng xã hội.”
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Vào thời Chúa Giêsu, đứng trước khủng hoảng các môn đệ đã làm gì? Nhiều người đã rút lui. Nhưng đối với Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu yêu cầu các ông đưa ra một quyết định và Thánh Phêrô lần thứ hai tuyên xưng đức tin: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.’ Thánh Phêrô tuyên xưng thay cho Nhóm Mười Hai. Điều này giúp chúng ta sống những thời khắc của khủng hoảng.”
Để minh chứng cho điều vừa khẳng định, Đức Thánh Cha sử dụng một câu nói của người Argentina: “Khi bạn đang cưỡi ngựa và bạn phải băng qua một dòng sông, xin đừng đổi ngựa giữa sông.”
“Trong lúc khủng hoảng, hãy kiên vững trong đức tin. Đây không phải lúc để thay đổi. Thay ngựa, đổi thầy thì dễ nhưng không giải quyết được gì. Đây là lúc cần phải trung kiên, thể hiện lòng trung tín với Chúa, với những gì chúng ta đã thực hiện. Và đây cũng là thời gian để hoán cải bởi vì sự trung tín này sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta một số thay đổi cho điều tốt, chứ không phải để thoát ra khỏi điều tốt.”
“Có những lúc bình an và những thời khắc khủng hoảng. Là Kitô hữu, chúng ta phải học cách quản lý cả hai thời điểm này. Một số cha linh hướng nói rằng khoảnh khắc khủng hoảng giống như chúng ta đi qua ngọn lửa để rồi sau đó trở nên mạnh mẽ hơn.”
Như thường lệ, kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện theo tinh thần của Lời Chúa dạy trong hai Bài đọc: “Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta biết chống lại những những cám dỗ trong thời kỳ khủng hoảng, để luôn trung tín với những lời tuyên xưng ban đầu của chúng ta. Và để có niềm hy vọng được sống bình an sau khủng hoảng: Khủng hoảng gia đình, khủng hoảng khu phố, khủng hoảng công việc, khủng hoảng xã hội, và biết bao khủng hoảng khác. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta không bán đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận.”