Đức cha Camillo Ballin, vị mục tử giữa thế giới Hồi giáo
“Đức Giám mục Camillo Ballin kính yêu của Bahrain đã qua đời tại Roma.” Đó là tin tức mà các phương tiện truyền thông của Vương quốc Bahrain đưa báo về sự qua đời của nhà truyền giáo Dòng Comboni – Đức cha Camillo Ballin.
Đức cha Ballin là Đại diện Tông toà đầu tiên của Bắc Ảrập. Ngài qua đời vì ung thư khi gần 76 tuổi vào đúng ngày Chúa Nhật Phục Sinh 12/04, tại một bệnh viện ở Roma. Ngài là vị thừa sai đã chọn những nơi khó khăn nhất, được yêu quý tại nơi ngài phục vụ và đã để lại một dự án lớn là xây dựng Nhà thờ Chính toà mới ở Bahrein, nơi thờ phượng cho đoàn tín hữu đông đúc của ngài.
“Vị Giám mục yêu quý của Bahrein”
Truyền thông Bahrein gọi ngài là “vị Giám mục yêu quý của Bahrein” và ngài đã được chọn làm thành viên của Trung tâm vì sự chung sống hoà bình mà Quốc vương Ahmad đã thành lập và giao cho các con của ông phụ trách. Chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 03/02 vừa qua của Thái tử Bahrein cũng có sự đóng góp, hoạt động kiến tạo của Đức cha Ballin. Đức cha ao ước rằng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm quốc gia Hồi giáo Bahrein.
Đức cha Camillo Ballin đã cống hiến cuộc đời của mình như một nhà truyền giáo và sau đó là một giám mục để phục vụ các cộng đồng Kitô giáo có mặt ở các nước Ả Rập với đa số dân theo Hồi giáo. Khi được yêu cầu đưa ra 3 địa điểm truyền giáo theo ưu tiên cá nhân, Đức cha 3 lần đều viết “các nước Ảrập”.
Tiểu sử Đức cha Camillo Ballin
Đức cha Ballin sinh tại Fontaniva (Tỉnh Padua, Giáo phận Vicenza) vào ngày 24/06/1944. Trước tiên, ngài gia nhập chủng viện ở Vicenza, và sau đó, vào năm 1963, ngài vào nhà tập của Dòng các nhà truyền giáo Comboni của Thánh Tâm Chúa Giêsu (MCCJ) do Thánh Daniele Comboni thành lập. Ngài khấn trọn đời vào 09/09/1968. Vào ngày 30/03/1969, ngài lãnh nhận chức linh mục. Năm 1970, ngài được sai đến Liban và Syria để học tiếng Ảrập, và từ năm 1971 đến 1977, ngài đã thi hành công việc mục vụ ở Ai Cập, với tư cách là cha phụ tá và sau đó là cha sở tại Giáo xứ Thánh Giuse theo nghi lễ Latinh, ở quận Lauota của Zamalek.
Từ năm 1977 đến năm 1980, ngài chuyển đến Liban và sau đó đến Roma để học tập. Ngài hoàn tất chương trình cử nhân phụng vụ đông phương tại Học viện Giáo hoàng Đông phương. Từ năm 1981 đến năm 1990, ngài trở lại Ai Cập và là giáo sư tại Học viện Thần học ở Cairo và giữ chức vụ bề trên giám tỉnh của các nhà truyền giáo Comboni ở Ai Cập. Từ năm 1990 đến 1997, ngài đã sống ở Sudan, và đã thành lập một học viện đào tạo giáo viên tôn giáo trong trường học. Từ năm 1997 đến năm 2000, ngài trở lại Roma để làm luận văn tiến sĩ về lịch sử của Giáo hội tại Sudan, chuyên về thời kỳ “Mahdiyyah” (1881-1898), giai đoạn mà việc thực hành đạo của bất kỳ tôn giáo nào khác, ngoại trừ Hồi giáo “Mahdist” (phong trào Hồi giáo đương thời chống thực dân mạnh mẽ), đều bị nghiêm cấm. Nghiên cứu của ngài tập trung vào việc các Kitô hữu và người Do Thái đã bảo vệ đức tin của họ như thế nào và sự liên tục của các cộng đồng của họ trong giai đoạn lịch sử của Sudan.
Từ năm 2000, trở lại Ai Cập, ngài điều hành “Học viện Comboni nghiên cứu về Ảrập” tại Cairo, một học viện chuyên đào tạo các nhân viên mục vụ sống ở các nước Ảrập. Vào ngày 14/07/2005, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông toà của Kuwait. Vào ngày 02/09/2005, tại Nhà thờ Chính toà ở thành phố Kuwait dâng kính Thánh Gia, Đức cha Ballin đã được Đức Hồng y Crescenzio Sepe, khi đó là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, tấn phong giám mục. Sau đó, vào ngày 31/05/2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông toà đầu tiên của miền bắc Ảrập, phụ trách các cộng đồng Công giáo có mặt ở Bahrain, Kuwait, Qatar và Ảrập Saudi.
Hiệu quả bất ngờ: Bán đảo Ảrập chưa bao giờ có nhiều Kitô hữu như bây giờ
Trong 15 năm vừa qua, với sự thực tế và khôn ngoan tông đồ, Đức cha Ballin đã phục vụ nhiều cộng đồng Công giáo theo các làn sóng nhập cư lao động và từ hàng chục quốc gia khác nhau, bắt đầu với Ấn Độ và Philippines, đến giáo phận tông toà của ngài. Một cộng đoàn Kitô giáo đa ngôn ngữ và đa sắc tộc, phát triển cách tự do, không “được tổ chức”, không có sự đóng góp của bất kỳ chiến lược truyền giáo nào, phát sinh từ những lợi ích sống còn và cụ thể, những thứ đã thúc đẩy và đang thúc đẩy hàng triệu người rời bỏ quê hương của họ tìm kiếm một mức lương xứng đáng. Hiệu quả bất ngờ và không được chờ đợi đó là ở Bán đảo Ảrập chưa bao giờ có nhiều Kitô hữu như bây giờ, sau nhiều thế kỷ ẩn mình sau thời kỳ truyền giáo tốt đẹp đầu tiên của Giáo hội phương Đông cổ Nestorio.
Việc truyền giáo bao gồm việc “bắt chước Chúa Giêsu”
Đức cha Ballin đã có quốc tịch Bahrain để có thể đi lại tự do trong toàn giáo phận tông toà của ngài. Trong các lần diễn thuyết công khai, ngay cả khi trả lời các câu hỏi nhắm nhấn mạnh sự đối lập giữa Kitô giáo và Hồi giáo, Đức cha Ballin nhìn nhận rằng trong các quốc gia thuộc giáo phận tông toà được uỷ thác cho ngài “không có cuộc đàn áp nào đang diễn ra”; ngài nói rằng ngài chưa bao giờ cố gắng chiêu dụ các tín hữu Hồi giáo theo Kitô giáo, và nhắc rằng ngay cả ở những vùng đất đó, việc truyền giáo bao gồm việc “bắt chước Chúa Giêsu”.
Đức cha Ballin đã chia sẻ với hãng tin ACI về những thách đố trong việc điều hành một cộng đoàn đa dạng: “Tại Bahrein có khoảng 80.000 tín hữu Công giáo, tại Kuwait có khoảng 200.000 và cũng có khoảng 200.000 tại Qatar, nơi rất cởi mở và họ muốn cho những khu đất khác để xây dựng các nhà thờ. Cộng đoàn Kuwait rất mạnh mẽ nhưng tình cảnh thì hơi khó khăn: họ không cho đất để xây dựng nhà thờ mới; các cơ sở của chúng tôi đã có từ cách đây 60 năm, khi mà số tín hữu chỉ mới có 400.”
Đức cha Ballin là một người thẳng thắn và thận trọng, rất chú ý đến cách tiếp cận quân bình với các tinh thần khác nhau của đạo Hồi và hoạt động rất nhiều trong việc làm chứng hơn là chiêu dụ tín đồ. Ngài đã để lại một khoảng trống lớn và một di sản để phát triển.
Chứng từ của Cha Andrzej Halemba
Cha Andrzej Halemba, điều phối viên các dự án ở Trung Đông của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, nhận định về Đức cha Ballin: “Ngài là một tông đồ rất can đảm và năng động ở trung tâm của thế giới Hồi giáo. Đức cha chưa bao giờ chối bỏ Kitô giáo của mình nhưng đồng thời ngài được người khác kính trọng bởi sự hiểu biết của ngài về Ảrập và sự tôn trọng văn hoá Ảrập.”
Cha Halemba cho biết Đức cha Ballin mặc áo dòng và đi qua cả những khu vực ở vùng Vịnh, nơi mà các biểu tượng của Kitô giáo không được chào đón, hoặc bị cấm đoán. Ưu tiên của Đức cha là đáp ứng nhu cầu của một cộng đoàn đang gia tăng về con số khi so sáng với toàn vùng Trung Đông, nơi số tín hữu suy giảm đáng kể. Đức cha cho thấy sự quyết tâm cao độ của ngài trong việc vượt qua nhiều thách thức để hỗ trợ cho nhu cầu mục vụ của một cộng đồng bao gồm nhiều công nhân nước ngoài từ Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Hàn Quốc.
Việc thực hành Kitô giáo ở Bán đảo Ảrập rất bị hạn chế, đặc biệt là ở một số quốc gia, và hầu hết chỉ giới hạn trong các cơ sở của các đại sứ quán nước ngoài và nhà riêng. Các linh mục thường không được phép mặc y phục giáo sĩ tại nơi công cộng và người Hồi giáo bị cấm theo Kitô giáo.
Cha Halemba cũng cho biết tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ là một nhà tài trợ chính của sáng kiến lớn nhất của Đức cha Ballin, xây dựng Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Ảrập, một cấu trúc khổng lồ có 2.500 chỗ ngồi, hoàn chỉnh với 16 phòng đa năng. Như là kết quả của cuộc đàm phán với Đức cha Ballin, Quốc vương Isa Al Khalifah của Bahrain đã trao cho Giáo hội Công giáo hai mẫu đất để xây dựng thánh đường, khi hoàn thành, sẽ phục vụ 2,5 triệu tín hữu từ các quốc gia thuộc giáo phận đại diện tông toà.
Cha Halemba kết luận: “Di sản của Đức cha Ballin chính là gương can đảm của ngài khi giúp cho người dân có thể sống thực hành đức tin của họ ở một nơi thường khó thực hành Kitô giáo, và công việc tuyệt vời của ngài bảo đảm rằng Kitô giáo được hoàn toàn tôn trọng ở trung tâm của Hồi giáo. Tôi nhớ rằng Đức cha luôn nói rằng điều quan trọng đối với các Kitô hữu là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dù họ ở bất cứ nơi đâu.”