29/12/2024

Lời nguyện của các tu sĩ Biển Đức xin “giải thoát” khỏi virus

Lời nguyện của các tu sĩ Biển Đức xin “giải thoát” khỏi virus

Viện phụ đan viện, Cha Benedetto Nivakoff, đã chia sẻ trên blog cá nhân rằng, thông qua việc cầu nguyện họ thấy được kề vai sát cánh bên các bác sĩ và y tá đang chiến đấu trong chiến dịch chống virus corona này.

Kể từ cuối tháng 3, các đan sĩ Biển Đức ở Norcia đã bắt đầu dâng những giờ cầu nguyện đặc biệt của họ để xin ơn cho thế giới được giải thoát khỏi virus corona, và đặc biệt là giải thoát khỏi nạn đói và chiến tranh. Đây là một lời khẩn cầu đặc biệt từ những đan sĩ đã gắn bó và quyết không rời bỏ đan viện ở Norcia, nơi sinh Thánh sáng lập của họ, khi mà trận động đất khủng khiếp diễn ra vào năm 2016 đã gần như phá hủy thành phố và đan viện. Người ta kể rằng, toàn bộ khu phức hợp của đan viện cổ đã bị phá huỷ bởi trận động đất đó, và kỳ diệu thay, chỉ có nhà thờ với những hành lang và mặt tiền là nơi duy nhất ở Norcia đã đứng vững. Đó cũng chính là nơi sinh của Thánh Biển Đức và người em gái song sinh Thánh nữ Scolastica vào năm 480.

Sự hiện diện của những người con cái hậu bối của Thánh Biển Đức nơi góc nhỏ khiêm tốn vùng Umbria vào thời Covid-19 này thật sự có một ý nghĩa đặc biệt. Khoảng 20 năm trước, vào năm 2000, các đan sĩ đã trở lại đây, chính sự thức thời của họ đã làm sống dậy và triển nở đời sống đan tu của Thánh Biển Đức dường đã biến mất và bị lãng quên ở Norcia kể từ thế kỷ thứ XIX do sự đàn áp tôn giáo bởi vua Napoleon. Từ năm 2016, trên thực tế, có khoảng mười lăm đan sĩ – những  người trẻ có độ tuổi trung bình là 29 tuổi và chủ yếu là người Mỹ (trong đó có vài người là người Anh, người Canada, người Indonesia và người Brazil) – họ đã tích cực xây dựng lại một tu viện mới đối diện với những ngọn núi Sibillini hùng vĩ và cách một vài cây số từ trung tâm của Norcia.

Nói về ý nghĩa của “lời cầu nguyện xin giải thoát” đặc biệt này, Đan viện phụ, Cha Benedetto Nivakoff (người Mỹ), thông qua mạng lưới Internet của tu viện và qua blog trên trang web của đan viện, cha chia sẻ về cuộc sống thường nhật ở đan viện vào thời Covid-19 cho cộng đoàn của mình, cộng đoàn Thánh Benedetto ở Monte: “Cuộc sống của các đan sĩ ở Norcia vẫn tiếp tục như thường lệ, mọi người đều khoẻ mạnh, mỗi buổi sáng khi cử hành Thánh lễ trong đan viện chúng tôi đều thêm những lời cầu nguyện để chống lại bệnh dịch. Vào buổi chiều, trong những lời kinh chúng tôi nhớ đến các bác sĩ và y tá đang hy sinh chính mình để chiến đấu chống lại dịch bệnh.”

Cuộc sống mà những đan sĩ vẫn tiếp tục trong thời kỳ khó khăn của Covid-19,  chính là tín thành với lối sống của Cha Thánh Biển Đức, “cầu nguyện và lao động” (ora et labora) , song song với việc cầu nguyện, hát kinh phụng vụ bằng tiếng Latinh, vốn là trung tâm điểm của đời sống các đan sĩ cũng gắn liền với việc sản xuất một loại bia khá uy tín (được bán trên toàn thế giới). Tuy nhiên, có một sự thay đổi đáng chú ý đối với các đan sĩ đó là sự vắng mặt hoàn toàn của du khách đến thăm viếng nhà nguyện. “Mặc dù Norcia nằm ngoài xa lộ, chúng tôi may mắn có thể chia sẻ cuộc sống của chúng tôi với du khách qua các Thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ”, Cha Benedetto đã chia sẻ trên blog của mình. “Khi các biện pháp được chính phủ áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh, giãn cách xã hội dẫn đến việc mọi người phải ở trong nhà riêng của mình. Vì thế mà việc ẩn náu khỏi thế giới mang một biểu tượng gần như bí tích trong cuộc khủng hoảng ngoại thường này.”

Cũng theo Cha Nivakoff, đây là một đòn roi để tôi luyện “đời sống đan tu của chúng ta” như trong thời kỳ của trận động đất năm 2016. “Mỗi ngày, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta đã cùng nhau chịu đựng một số hậu quả về thể chất, kinh tế, tâm lý và tinh thần từ đại dịch coronavirus. Chúng ta nên sẵn sàng học những bài học mà Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Mong đợi Chúa trả lại những gì chúng ta đã mất là một cám dỗ lớn. Trong cơn bi kịch Thiên Chúa gieo vào đó những hạt giống của sự sống mới. Chúng ta phải chăm bón và tưới nước cho những hạt giống ấy bằng những lời cầu nguyện của chúng ta (cả hữu hình và vô hình), bằng những hy sinh của chúng ta và thậm chí là bằng cả mạng sống của chúng ta. Tuy vậy, cái chết không có tiếng cuối cùng.”

Hoài Thương