20/11/2024

WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao?

WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao?

Con người có thể phải thích nghi và sống chung với virus corona vì không có gì đảm bảo sớm có được loại văcxin hiệu quả, theo một chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO.

 

WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin COVID-19, vì sao? - Ảnh 1.

Không phải loại virus nào cũng có văcxin – Ảnh: AFP

Thông điệp mang tính cảnh báo trên do ông David Nabarro, giáo sư Trường Imperial College (London, Anh), kiêm đặc phái viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo The Observer của Anh.

Giáo sư Nabarro khuyên công chúng không nên đặt tất cả hi vọng vào một loại văcxin ngừa COVID-19 vì rất khó để phát triển nó, “thích nghi” là điều duy nhất con người có thể làm trong tương lai sắp tới.

“Không phải loại virus nào cũng có văcxin hiệu quả và an toàn. Một số virus rất khó phát triển văcxin. Vậy nên trong tương lai có thể thấy được chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với mối đe dọa thường trực này.

Điều đó có nghĩa là cách ly người có triệu chứng bệnh, người tiếp xúc gần; bảo vệ người lớn tuổi; tăng cường năng lực điều trị… Đây sẽ là điều bình thường mới đối với tất cả chúng ta”, GS Nabarro giải thích.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư Ian Frazer, nhà miễn dịch học nổi tiếng người Úc từng góp phần bào chế văcxin HPV ngừa ung thư cổ tử cung, nhận định có một số lý do khiến khả năng tìm ra văcxin ngừa COVID-19 là không chắc chắn.

Ông Frazer giải thích mặc dù hiện có hơn 100 nhóm nghiên cứu khắp thế giới đang thử nghiệm văcxin phòng COVID-19, nhưng chưa nhóm nào có được mô hình tấn công virus hiệu quả; “miễn dịch chống lại virus corona cũng giống như miễn dịch với bệnh cảm lạnh vậy”, ông cho biết.

“Văcxin ngừa các bệnh đường hô hấp trên rất khó phát triển, bởi vì virus xâm nhập phần ngoài của cơ thể. Hãy tưởng tượng chúng ta là quả bóng đá, với da và đường hô hấp nằm bên ngoài quả bóng, còn phổi là nơi giao tiếp giữa bên ngoài và bên trong.

Nơi con virus xâm nhập thuộc phạm vi bên ngoài và nó cố tấn công các tế bào trong cơ thể. Chỉ khi virus xâm nhập thành công, hệ miễn dịch mới bắt đầu kích hoạt để chống lại, đó là tại sao người ta đổ bệnh.

Nếu hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh, nó sẽ làm tổn thương phổi. Tương tự, văcxin cũng có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn, do đó chúng ta phải rất thận trọng khi chọn vị trí tấn công virus”.

PHÚC LONG
TTO