20/11/2024

Thử nghiệm thuốc Remdesivir: Hiệu quả trên khỉ và bệnh nhân COVID-19

Thử nghiệm thuốc Remdesivir: Hiệu quả trên khỉ và bệnh nhân COVID-19

Thử nghiệm nhỏ, của các nhà khoa học Mỹ, liên quan đến thuốc Remdesivir trong điều trị chống COVID-19 trên khỉ đã cho thấy sự hiệu quả. Thuốc cũng cho kết quả khả quan trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Chicago (Mỹ).

Thử nghiệm thuốc Remdesivir: Hiệu quả trên khỉ và bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1.

Giới thiệu thuốc Remdesivir trong cuộc họp báo ngày 8-4-2020 khi bệnh viện ĐH Eppendorf của Đức bắt đầu nghiên cứu thuốc này trên các bệnh nhân COVID-19 nặng – Ảnh: AFP

Hãng tin AFP ngày 18-4 cho biết nghiên cứu dùng thuốc kháng virus Remdesivir trên khỉ của nhóm nhà khoa học thuộc chính phủ Mỹ, còn sơ bộ và chưa được phản biện, đã được thực hiện theo cách đang dùng điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại một số bệnh viện.

Thử nghiệm liên quan đến 2 nhóm khỉ (mỗi nhóm 6 con) được cho nhiễm virus corona chủng mới. Một nhóm được điều trị bằng Remdesivir, tiêm thuốc vào tĩnh mạch 12 giờ sau khi nhiễm virus và liên tục trong 6 ngày. Nhóm còn lại không được cho dùng thuốc này.

Các nhà khoa học đã tính toán để thời gian điều trị đạt hiệu quả nhanh chóng trước khi virus đạt đến mức cao nhất trong phổi của những con khỉ được thí nghiệm. Tình hình sức khỏe của nhóm khỉ dùng thuốc đã cải thiện chỉ 12 giờ sau khi tiêm liều Remdesivir đầu tiên và tiếp tục tốt lên trong một tuần nghiên cứu.

Chỉ một trong 6 con khỉ dùng thuốc Remdesivir có triệu chứng khó thở nhẹ trong khi 6 con trong nhóm không dùng thuốc đều có triệu chứng khó thở nặng. Lượng virus trong phổi của nhóm điều trị bằng thuốc Remdesivir cũng thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng và cũng ít hư tổn phổi hơn.

Trong một diễn biến liên quan, trang tin y tế STAT cho biết các bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 nặng tham gia thử nghiệm lâm sàng tại ĐH Chicago, Mỹ đã đáp ứng tốt với thuốc Remdesivir và đa số đều hồi phục trong vòng một tuần.

Bác sĩ Kathleen Mullane – chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH Chicago, đang dẫn dắt việc thử nghiệm lâm sàng này, thông báo các bệnh nhân bị sốt và có các triệu chứng về hô hấp đã nhanh chóng hồi phục sau khi được điều trị bằng thuốc Remdesivir .

Theo trang STAT, 125 bệnh nhân COVID-19 tham gia thử nghiệm này đã được điều trị bằng thuốc Remdesivir, khi đó 113 người trong số họ có các triệu chứng nặng.

Kết quả cho thấy chỉ có 2 người không qua khỏi trong khi hầu hết các bệnh nhân được cho xuất viện trong chưa đầy một tuần.

Điều này đáng chú ý vì nghiên cứu đang xem xét cả hai phác đồ điều trị 5 ngày và 10 ngày đối với loại thuốc kháng virus này.

“Hầu hết các bệnh nhân của chúng tôi đều bị nặng và hầu hết đều xuất viện trong vòng 6 ngày, điều đó cho chúng tôi thấy rằng phác đồ điều trị không phải là 10 ngày. Chúng tôi có rất ít ca xuất viện trong vòng 10 ngày, có lẽ là 3 ca”, bác sĩ Mullane thông tin chi tiết.

Tuy nhiên, các kết quả phân tích trong nghiên cứu trên có thể phức tạp hơn bởi thực tế là nghiên cứu này không có nhóm đối chứng và không ai trong số các bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng này được dùng giả dược để có kết quả so sánh.

Tuy nhiên, bác sĩ Mullane vẫn cảnh báo là không nên rút ra kết luận quá sớm về Remdesivir.

Cả ĐH Northwestern và ĐH Loyola của Chicago, bang Illinois, đều đã tiến hành các thử nghiệm về thuốc Remdesivir, do công ty dược Gilead phát triển với mục đích ban đầu là dùng trong điều trị bệnh Ebola. Những thử nghiệm này đều do Viện y tế Quốc gia (NIH) Mỹ tài trợ.

“Mọi người đều đang trông đợi vào các kết quả thử nghiệm của NIH bởi vì đây là các thử nghiệm có kiểm soát, thực sự sẽ cho chúng ta câu trả lời về việc liệu đây có phải là một loại thuốc hiệu quả hay không”, bác sĩ Richard Novak, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại ĐH Illinois ở Chicago (UIC), nói.

Bác sĩ Novak cho biết nghiên cứu cho NIH mà UIC và các bệnh viện khác đang tiến hành kết thúc vào cuối tuần và kết quả sẽ được công bố vào giữa tháng 5.

Mặt khác, Gilead cũng đang tài trợ cho các thử nghiệm về thuốc Remdesivir trên 2.400 bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 nặng tại 152 trung tâm thử nghiệm trên khắp thế giới, theo đài CNN.

Cùng với đó là thử nghiệm trên 1.600 bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 không quá nặng cũng không quá nhẹ tại 169 bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn thế giới.

Hãng Gilead dự kiến sẽ thu được các kết quả từ thử nghiệm thuốc Remdesivir vào cuối tháng 4. “Phải phân tích tất cả các dữ liệu để có thể rút ra bất kỳ kết luận nào từ thử nghiệm trên”, Gilead công bố.

Công ty dược này khẳng định rằng các dữ liệu hiện nay chưa đủ vững để có thể xác định tính an toàn và độ hiệu quả của Remdesivir trong điều trị COVID-19.

ANH THƯ
TTO