24/12/2024

Chúa Nhật Phục Sinh, A – 2020: Vượt qua cõi chết vào cõi sống

Chỉ có cái chết của Đức Giêsu mới đủ tư cách và năng lực để hoà giải Thiên Chúa với con người, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Chỉ có cái chết của Đức Giêsu có thể đưa con người và vũ trụ vượt từ cõi chết qua cõi sống nhờ cuộc sống lại của Người.

Chúa Nhật Phục Sinh, A – 2020

Canh thức Vượt Qua

Vượt qua cõi chết vào cõi sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Trong thời gian này, từ 8 đến 16/4/2020, 14 triệu người Do Thái mừng lễ Vượt Qua, kỷ niệm Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Hơn 2 tỉ người Kitô giáo cũng mừng mầu nhiệm Vượt Qua, kỷ niệm Đức Giêsu Nazareth sống lại để đưa nhân loại và vũ trụ vượt từ cõi chết qua cõi sống. Trong dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia cũng đang mong mỏi từng ngày vượt qua cơn đại nạn khủng khiếp này. Nhưng vượt qua là gì? Phải vượt qua điều gì và vượt qua như thế nào để tìm được niềm vui và hạnh phúc?

1. Những thứ đã vượt qua

Vượt, theo nghĩa thông thường là di chuyển qua nơi có khó khăn, trở ngại để đến được một nơi khác an toàn, dễ dàng hơn như: “vượt núi băng rừng, vượt khó khăn gian khổ” hay ra khỏi những giới hạn như: “vượt chỉ tiêu”, “vượt quyền cấp trên”…

Trong lịch sử của dân tộc Do Thái cũng như của từng con người, kinh nghiệm vượt qua những trở ngại, khó khăn, nguy hiểm tạo nên kỷ niệm khó quên. Trước tiên, vào khoảng thế kỷ 15-14 TCN, lễ Vượt Qua này bắt nguồn từ việc Đức Chúa Giavê đã lướt qua nhà của người Do Thái với dấu hiệu máu chiên bôi trên mi cửa, nhưng lại trừng phạt người Ai Cập ở trong những căn nhà không có dấu hiệu này (x. Xh 12,13.23.27; Is 31,5). Qua việc trừng phạt đó, vua Ai Cập đã phải xua đuổi người Do Thái ra khỏi đất nước. Thế là họ thoát khỏi ách nô lệ, trở thành một dân tộc tự do để tiến vào hoang mạc. Tiếp theo là cuộc vượt qua những cơn đói khát, rắn rết ở hoang mạc để vào được miền Đất Hứa là vùng đất Palestin và Do Thái bây giờ.

Sau đó người Do Thái nhiều lần phải vượt qua những cảnh lưu đày dưới ách thống trị của đế quốc Assyria, khoảng năm 710 TNC (x. Is 30,29; Gr 31,2-21), của đế quốc Babylon vào năm 597 TCN (Is 40,3-5) để chờ một cuộc giải phóng quyết định vĩnh viễn do Đấng Mêsia thực hiện (x. Is 65,17.22; Is 11,1-9). Cho đến hôm nay, họ vẫn chờ đợi cuộc vượt qua cuối cùng này.

Thật sự Đấng Mêsia, hay Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa xức dầu, đã đến và thực hiện cuộc vượt qua đó, nhưng người Do Thái không đón nhận vì họ chỉ tin vào một Chúa Giavê duy nhất. Trong khi Đức Giêsu Nazareth muốn chứng minh cho họ Thiên Chúa đó có Ba Ngôi và chính mình là Con Thiên Chúa. Rất nhiều người Do Thái vào thời đó đã tin Đức Giêsu và cuộc vượt qua Người thực hiện, vì những hành động Người làm phù hợp với những gì Thánh Kinh của họ đã báo trước. Nhất là cái chết trên thập giá vào ngày 7/4/30 và cuộc sống lại của Người thực hiện đúng vào dịp lễ Vượt Qua.

Tuy nhiên, đế quốc Rôma với đoàn quân hùng hậu đã tàn phá bình địa nước Do Thái và thủ đô Giêrusalem vào năm 70, đúng như lời báo trước của Đức Giêsu (x. Mt 23,37-39; Lc 13,34-35). Chỉ mãi đến năm 1948, người Do Thái mới được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận có một đất nước thật sự, cắt ra từ vùng lãnh thổ của người Palestine, sau bao gian khổ, bách hại trong suốt 19 thế kỷ, nhất là dưới chế độ Đức quốc xã (1940-1945). Họ đã vượt qua các thử thách nhờ lòng tin vào sự trường tồn của dân tộc. Nhưng chính lòng tin này có thể dẫn họ đến lòng ái quốc hẹp hòi khiến các dân tộc khác thù hận họ. Đây cũng là thử thách điển hình về lòng ái quốc hẹp hòi mà nhân loại cần phải vượt qua trong đại dịch Covid-19.

Khi dịch bệnh khởi phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc với vài trăm người nhiễm và vài chục người chết vào đầu tháng 1/2020, chính quyền Trung Quốc đã có ý che giấu và không lường được sự lây lan khốc hại của virus Sars Cov 2. Nhưng sau khi phong toả Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc, số người bị nhiễm đến nay có khoảng hơn 80.000 và hơn 3.000 người chết, dịch bệnh đã được ngăn chặn. Nhưng virus đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, với hơn 1,8 triệu người nhiễm và 110.000 người chết, tính đến chiều ngày 12/4/2020 (Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 12/4/2020).

Nhiều dân tộc trên thế giới bất bình và có ác cảm với người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, vì đã gây thiệt hại lớn lao. Dù dịch bệnh có thể là vô tình xảy ra và chẳng ai muốn, nhưng thái độ đổ tội cho nhau và đem những bằng chứng giả tạo của khoa học để rũ bỏ trách nhiệm, cũng như mưu đồ chính trị trong việc gửi tặng những khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đã khiến các dân tộc chia rẽ, nghi ngờ nhau (x. Siêu máy tính Trung Quốc và bác sĩ Mỹ tranh cãi vì viêm phổi lạ, báo Tuổi Trẻ, 10/4/2020, tr.14). Rất nhiều thử thách, khó khăn mà mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia cần phải vượt qua trong cơn đại dịch này. Và người ta chỉ thành công nếu biết tìm được nguồn sức mạnh và động lực trong cuộc vượt qua của Đức Giêsu.

2. Vượt qua cõi chết vào cõi sống

Đức Giêsu đối mặt với tội lỗi như một thứ virus nguy hiểm nhất vì nó đã gây nên cái chết cho loài người và làm băng hoại cả vũ trụ. Người có thể bảo vệ sự sống cho mình, cho gia đình và bạn bè bằng quyền năng của mình vì đã từng làm cho nhiều người chết sống lại, như con gái ông Giaia, con trai bà goá thành Nain hay người bạn Lazarô. Người có thể lánh đến một nơi an toàn, tránh xa các thượng tế, luật sĩ, bọn Pharisêu và cả thành Giêrusalem nguy hiểm. Nhưng “Người đã nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51), tự nguyện đón nhận cái chết do tội lỗi gây nên, dù Người vô tội, để có thể xoá bỏ tội lỗi của trần gian và cứu độ loài người.

Việc Đức Giêsu chết trên thập giá đúng vào buổi chiều bắt đầu lễ Vượt Qua của người Do Thái xác định Người thật sự là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” như ông Gioan Tẩy Giả đã báo trước và giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người (x. Ga 1,29-34). Máu chiên đó, thay vì bôi trên mi cửa, nay được ghi dấu trong tâm hồn mỗi tín hữu để Thiên Chúa vượt qua, cho họ được tha thứ tội lỗi và được sống dồi dào.

Tuy nhiên, Thiên Chúa lại “không dung tha cho  Con Một của Ngài” (Rm 8,32) “khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta để đền tội chúng ta. Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3). Đức Giêsu đã tự nguyện vâng theo ý Chúa Cha cho đến chết nhục nhã trên thập giá để đền tội cho toàn thể loài người và phục hồi cả vũ trụ (x. Rm 8,20,-21).

Chỉ có cái chết của Đức Giêsu, với tư cách là Con Thiên Chúa vô biên, tuyệt đối và hằng hữu, mới có thể xoá bỏ mọi tội lỗi và hậu quả tội lỗi cho muôn loài ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời đại nào. Chỉ có cái chết của Đức Giêsu mới đủ tư cách và năng lực để hoà giải Thiên Chúa với con người, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Chỉ có cái chết của Đức Giêsu có thể đưa con người và vũ trụ vượt từ cõi chết qua cõi sống nhờ cuộc sống lại của Người. Người đã chứng minh cuộc vượt qua đó bằng việc sống lại của mình vào ngày thứ ba, tức là Chúa Nhật Phục Sinh, và đã hiện ra với nhiều người, đúng như Thánh Kinh đã báo trước (x. 1Cr 15,3-8; Hs 6,1; 1Sm 2,6…).

Muốn vượt qua thử thách, tội lỗi và cái chết, chúng ta phải nhìn thẳng vào chúng, nhận rõ được những đòi hỏi phải làm, những mất mát phải bỏ và can đảm đón nhận thay vì chạy trốn, thì mới đạt đến an lành, thánh thiện và sự sống như Đức Giêsu.

Chúng ta không thể tìm cách đổ lỗi cho nhau trong cơn dịch bệnh, nhưng cần phải cộng tác với nhau để tìm ra những phương cách chiến thắng con virus này và phục hồi sự sống cho toàn thể gia đình nhân loại. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào cái chết để vượt qua nỗi sợ hãi vì đã hiểu rằng tinh thần mình sống mãi và cái chết là một cuộc thăng hoa, trở về với nguồn hiện hữu. Những gì thuộc vật chất và thân xác sẽ tồn tại mãi mãi nếu ta cùng chết với Đức Giêsu để được sống lại với Người. Lúc đó ta sẽ thấy những túi gạo, gói mì chia sẻ cho người nghèo, những hy sinh của các bác sĩ và nhân viên y tế trong cơn dịch bệnh, những cố gắng hy sinh để học hành, làm việc thay vì buông thả cho những đam mê, lười biếng trong thời gian cách ly xã hội đều được tồn tại mãi mãi trong cõi sống vĩnh hằng.

Lời kết

Đó là mầu nhiệm vượt qua của tín hữu được thể hiện hằng ngày để ta có thể hát lời Alleluia ngay trong những giờ phút căng thẳng, vì ta đã biết và tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

 

Nguồn: HKK