25/12/2024

ĐTC Phanxicô (03/4) cầu nguyện cho những người giúp giải quyết nghèo đói do đại dịch

ĐTC Phanxicô (03/4) cầu nguyện cho những người giúp giải quyết nghèo đói do đại dịch

Sáng thứ Năm, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ, mời gọi mọi người nghĩ đến nạn nghèo đói, thất nghiệp; những hậu quả do đại dịch gây ra. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho những ai đang giúp giải quyết nghèo đói. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức Mẹ Sầu bi và mời gọi mọi người tạ ơn Đức Mẹ vì Mẹ đã chấp nhận trở thành Mẹ.

Bảy sự thương khó

Bài đọc Tin Mừng hôm nay nói về những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Chúa là một người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa. Nhưng Đức Thánh Cha lại tập trung bài giảng về sự đau khổ của Đức Mẹ, đặc biệt về lòng tôn kính Đức Mẹ sầu bi và Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ, mà do lòng đạo đức các Kitô hữu đã thực hành từ xưa trong truyền thống Kitô giáo. Các sự thương khó gồm các sự kiện: “Khi Mẹ nghe ông Simêon nói tiên tri (x. Lc 2,34-35), khi Mẹ cùng Chúa Giêsu và Thánh Giuse trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21), khi Mẹ lạc mất Chúa ở Giêrusalem trong ba ngày (Lc 2,41-50). Và Bốn sự thương khó khác liên hệ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: khi Mẹ gặp Chúa Giêsu trên đường đến núi Sọ, khi Chúa bị đóng đinh, khi xác Chúa được tháo xuống khỏi Thánh Giá và khi chôn xác Chúa trong mồ.”

Tiếp theo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thật là một điều tốt lành khi chúng ta cầu nguyện với Bảy sự thương khó này, đồng thời suy tưởng đến Mẹ Giáo hội và cách Mẹ Giáo hội đã sinh ra tất cả chúng ta. Đức Mẹ không xin điều gì cho cá nhân Mẹ, nhưng luôn xin vì người khác, như trong tiệc cưới ở Cana. Đức Maria chấp nhận trở thành một người mẹ, và đồng hành với Chúa Giêsu như một người môn đệ.”

Theo Đức Thánh Cha, chính vì sự khiêm nhường của Đức Maria mà trên núi Sọ có những người tỏ thái độ thương hại Đức Mẹ vì nỗi đau Mẹ phải chịu. Nhưng cũng có những người “xấu” nghĩ rằng Mẹ cũng có lỗi trong cuộc khổ nạn này, bởi vì họ lý luận rằng nếu Mẹ đã giáo dục Chúa tốt thì điều này đã không kết thúc như vậy.

Đức Maria là Mẹ

Từ điểm suy tư này, Đức Thánh Cha xin mọi người tôn kính Đức Mẹ như một người mẹ. Bởi vì Đức Maria đã nhận tước hiệu này từ nơi Chúa Giêsu. Đức Maria đã nhận hồng ân trở thành mẹ của Chúa và bổn phận đồng hành với Chúa như một người mẹ của Chúa và mẹ chúng ta.

Nhân dịp nói về vai trò làm mẹ của Đức Maria, Đức Thánh Cha trở lại chủ đề Đức Maria Đấng Đồng công Cứu chuộc, một cuộc tranh luận rộng lớn lâu dài trong lĩnh vực Thánh Mẫu học. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đức Maria không yêu cầu trở thành một Đấng cứu chuộc hay Đấng Đồng công Cứu chuộc. Không. Đấng Cứu Chuộc chỉ là một. Đức Maria chỉ là một môn đệ và một người mẹ. Và như thế, vì là một người mẹ, chúng ta phải nghĩ đến Mẹ, chúng ta phải tìm kiếm Mẹ và cầu nguyện với Mẹ.”

Đức Thánh Cha lưu ý: “Trong Giáo hội là mẹ, trong tư cách làm mẹ của Đức Maria, chúng ta thấy tình mẫu tử của Giáo hội. Giáo hội đón nhận tất cả, người tốt và người xấu. Tất cả.”

Và Đức Thánh Cha kết luận: “Hôm nay, chúng ta thưa với Đức Mẹ: ‘Con xin cám ơn Mẹ vì Mẹ đã chấp nhận làm mẹ khi thiên thần nói với Mẹ, con cám ơn Mẹ vì Mẹ đã chấp nhận trở thành mẹ khi Chúa Giêsu nói điều đó với Mẹ.’”

Ngọc Yến