25/12/2024

ĐTC Phanxicô (24/03) cám ơn nghĩa cử anh hùng của các nhân viên y tế và các linh mục

ĐTC Phanxicô (24/03) cám ơn nghĩa cử anh hùng của các nhân viên y tế và các linh mục

Sáng thứ Ba 24/03, tại Nhà nguyện Thánh Marta, trước khi bắt đầu dâng Thánh lễ, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đến các nhân viên y tế và các linh mục dấn thân cho các bệnh nhân Covid-19.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bác sĩ, các nhân viên y tế và các linh mục đã qua đời do bị nhiễm bệnh trong khi dấn thân trợ giúp các bệnh nhân Covid-19. Tôi tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh hùng của họ dành cho chúng ta. Mẫu gương trong việc chăm sóc các bệnh nhân.”

Suy niệm bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói: “Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng suy gẫm về nước. Nước như là biểu tượng của ơn cứu độ, bởi vì nước là một phương tiện cứu rỗi, nhưng nước cũng là một phương tiện huỷ diệt, như trong trường hợp Lụt Hồng thuỷ… Nhưng trong các bài đọc hôm nay, nước mang lại ơn cứu độ. Trong Bài đọc I, nước trao ban sự sống, chữa lành. Và trong Tin Mừng, nói về một hồ nước, nơi người bệnh đến để được chữa lành. Trong số những người bệnh đến đây có một người bị bệnh đã 38 năm.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đứng trước người bệnh, Chúa Giêsu hỏi ông có muốn được chữa lành không. Câu trả lời của người bệnh thật thú vị: ông ta không nói vâng, tôi muốn; nhưng lại than van. Ông luôn đến hồ nước Bếtdatha trễ, thực tế, ông bị bệnh nơi tâm hồn, là người bi quan, một thứ bệnh buồn rầu, lười biếng: ông than vãn về người khác và không làm gì để được chữa lành.”

“Nếu chúng ta so sánh người bệnh này với người mù từ thuở mới sinh trong Tin Mừng Chúa Nhật vừa qua, chúng ta sẽ thấy hai thái độ khác nhau. Sau khi được chữa lành, người mù đã bày tỏ niềm vui sướng, quyết định sẵn sàng đi tranh luận với các luật sĩ và khẳng định rõ ràng về ơn chữa lành mà mình đã nhận được.”

Đức Thánh Cha áp dụng câu chuyện của người bị bệnh đã 38 năm vào cuộc sống thực tế của người Kitô hữu: “Bài Tin Mừng hôm này làm cho tôi suy nghĩ đến nhiều người trong chúng ta, rất nhiều Kitô hữu sống trong tình trạng lười biếng này, họ không có khả năng làm điều gì nhưng lại hay phàn nàn, than phiền về mọi thứ. Làm biếng là một chất độc, một đám mây mù bao phủ linh hồn và không làm cho chúng ta sống tích cực. Lười biếng như một loại thuốc phiện, nếu anh chị em nếm nó thường xuyên, anh chị em thích nó và rồi anh chị em sẽ kết thúc như một người nghiện buồn bã.”

Tới đây, Đức Thánh Cha cảnh báo: “Chúng ta hãy tự suy nghĩ, có thể trong chúng ta, có người đang có nguy cơ trượt trên sự lười biếng này. Đây là một loại tội không trắng cũng chẳng đen, nó mờ mờ.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Đây là tội mà ma quỷ có thể sử dụng để huỷ diệt đời sống thiêng liêng và cuộc sống của tất cả mọi người.”

Ngọc Yến