Tài liệu tĩnh tâm – Hướng tới sự trưởng thành toàn diện – Bài 19: Nói lời cứu độ
Gắn bó với Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu, chúng ta cố gắng chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng.
Hướng tới
sự trưởng thành toàn diện
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020
PHẦN III
NẾP SỐNG VĂN HOÁ VIỆT NAM (tt)
Bài 19
Nói lời cứu độ
Lời mở
Chúng ta sắp mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhiều nơi trên khắp thế giới người ta tổ chức Lễ hội Giáng Sinh, trưng bày những cây thông Noel với đèn sao rực rỡ, trao gửi thiệp mừng và quà tặng cho nhau để biểu lộ niềm vui. Nhiều tín hữu Công giáo cũng hoà theo niềm vui đó. Nhưng ít người hiểu biết và cảm nhận được “niềm vui trọn vẹn” (x. 1Ga 1,4) của người tín hữu vì “Ngôi Lời sự sống” (x. 1Ga 1,1) mặc lấy thân xác con người, hoà nhập vào vũ trụ để biến đổi tất cả và cho tất cả được tham dự vào sự sống Thiên Chúa của Người. Kể từ đó lời nói của Kitô hữu không chỉ là những âm thanh, tiếng nói của con người mà có thể biến thành lời cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa.
1. Tiếng nói trong lịch sử con người
Xét theo lĩnh vực thông tin, người ta chia lịch sử văn minh của loài người thành 4 thời kỳ: tiếng nói (40.000 TCN – 4.000 TCN), chữ viết (4.000 TCN– 1000), ấn loát (1000-1900), tin học (thế kỷ XX – nay). Thời kỳ sau bổ túc cho thời kỳ trước và mỗi thời kỳ tiếp tục tồn tại và phát triển, như chúng ta đang ở trong thời kỳ tin học nhưng vẫn dùng tiếng nói, chữ viết, sách báo in để truyền thông tin cho nhau[1].
Con người, ngay từ khi xuất hiện trên mặt đất, đã biết kêu hú, la hét như nhiều sinh vật khác, nhưng càng ngày tiếng kêu càng phát triển, cải tiến để trở thành phương tiện diễn tả tình cảm, ý nghĩ của mình.. Tiếng kêu chỉ trở thành lời nói nhờ những con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 195.000 năm trước Công nguyên. Ngày nay nhiều sắc dân trong các vùng rừng rậm ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc vẫn còn sống trong giai đoạn tiếng nói sơ khai như đồng bào Rục ở Việt Nam. Ngôn ngữ của họ, với khoảng 500 – 1000 từ, chỉ đủ diễn tả những sinh hoạt bình thường chứ không thể bày tỏ những cảm tình sâu xa và tư tưởng cao đẹp như tiếng nói của một số dân tộc văn minh khác[2].
2. Tiếng Việt trong lịch sử dân tộc
Dân tộc Việt gồm các bộ tộc sống trong những hang động ở miền núi phía Bắc cách đây hơn 4000 năm, từ thời Hồng Bàng cho đến 18 đời Vua Hùng, đã có tiếng nói và chữ viết riêng[3]. Trước bạo lực và thủ đoạn đồng hoá của người Trung Quốc, dân tộc Việt vẫn giữ nguyên được tiếng nói của mình trong suốt hơn 1000 năm bị đô hộ và đã phát triển thành một ngôn ngữ phong phú với trên 41.000 từ như hiện nay[4].
Người Việt luôn nhắc nhở nhau bảo tồn quốc ngữ vì “tiếng Việt còn là nước ta còn”, dạy bảo con cháu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”…[5]. Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) trong bản tình ca Tiếng Nước tôi đã diễn tả tiếng Việt thấm nhập vào lòng người qua tiếng ru của mẹ, tiếng hò, tiếng hát của bao người trong cộng đồng xã hội và qua chính những lời nói tốt đẹp, trong sáng trong ngôn ngữ thường ngày của mỗi con người, thay vì những lời thô lỗ, tục tằn, nói dối, nói xấu như đang xảy ra trong đời sống hiện nay:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoát nghìn năm thành tiếng lòng tôi,
Nước ơi…[6]
Nhiều người Việt chưa ý thức tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc gìn giữ và bảo vệ đất nước, trong việc hun đúc tinh thần dân tộc, trong việc phát triển tiếng Việt và chữ Việt giữa cộng đồng nhân loại. Có những đứa trẻ Việt sống trên đất nước mà phải dùng tiếng Anh, tiếng Pháp để nói với cha mẹ. Có những người Việt ở nước ngoài không nói được tiếng Việt vì cha mẹ chúng không còn biết đến quê hương. Rất nhiều người trẻ Việt Nam đang dùng những kiểu nói lai căng, lố lăng, sống sượng để thông tin cho nhau qua những dòng tin nhắn, mà không ngờ đang phá huỷ, hạ thấp tiếng nước mình.
3. Để nói nên lời
Có lẽ ta nên tìm hiểu sơ qua con người làm gì để nói nên lời. Từ nhiều thế kỷ qua, khoa học đã tìm hiểu tại sao con người biết nói và có ngôn ngữ riêng. Nhiều lý thuyết đã được nêu ra nhưng chưa làm sáng tỏ vấn đề. Năm 2009, một số nhà khoa học Hoa Kỳ đã nói đến sự đột biến gen FOXP2 khiến con người có thể nói chuyện, tạo ra ngôn ngữ, trong khi loài khỉ, chỉ biết kêu la[7].
Ngày nay, số trẻ tự kỷ không biết nói hoặc nói những từ vô nghĩa ngày càng tăng. Cách đây hơn 30 năm, cứ 3.500 trẻ sinh ra mới có 1 trẻ tự kỷ, 20 năm có 1/1.500 trẻ, hơn 10 năm trước có 1/500 trẻ. Hiện nay ở Hoa Kỳ cứ 58 trẻ sinh ra có 1 trẻ tự kỷ, ở Việt Nam là 68 trẻ có 1 trẻ tự kỷ. Chúng tôi đang nghiên cứu để chữa cho nhiều em chậm nói và thấy rằng để nói ra được một lời, con người phải thực hiện rất nhiều công việc, nhất là bộ não với các vùng vỏ não khác nhau.
Sự phát triển lời nói và ngôn ngữ là yếu tố sống còn cho khả năng tương tác với những người xung quanh của đứa trẻ. Một đứa trẻ sơ sinh bắt đầu hiểu các từ và các mệnh lệnh căn bản từ rất lâu trước khi đứa trẻ đó biết nói và học các kỹ năng về suy nghĩ và ngôn ngữ bằng cách bắt chước. Cha mẹ và những người chăm sóc cho trẻ càng nói chuyện với trẻ nhiều thì đứa trẻ càng phát triển về âm thanh và ngôn ngữ. Cùng với việc phát triển sự hiểu biết về thế giới, ngôn ngữ giúp đứa trẻ phát triển các kỹ năng khác như suy nghĩ, lý luận, hành động, giải quyết vấn đề[8].
Nhiều phụ huynh không dành thời giờ nói chuyện với trẻ. Nhiều người muốn tránh cho chúng phá phách, quấy khóc nên bật máy Ipad hay điện thoại cho chúng xem hình, trò chơi. Vì thế, nhiều trẻ không biết nói, nghe và hiểu được như các trẻ bình thường.
Để nói nên lời, trước hết con người thu nhận tất cả những âm thanh và lưu trữ chúng ở vùng vỏ não thính giác. Để phân biệt được tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu khác với từ “chó”, “mèo”, cần có sự trợ giúp của vùng vỏ não ngôn ngữ Broca. Vùng ngôn ngữ Wernicke giúp hiểu ý nghĩa của từ “chó”, “mèo” là các con vật. Vùng ngôn ngữ Geschwind nối kết 2 vùng Broca và Wernicke để từ “chó” được phát âm gắn liền với nghĩa “một sinh vật” chứ không phải là khẩu súng (chó lửa). Vùng vỏ não thị giác ở phía gáy lưu trữ tất cả các hình ảnh về chó, về mèo. Thể Tam giác ở phần não trắng lưu giữ các hoàn cảnh và từ ngữ “chó” dùng như thế nào. Vùng vỏ não vận động trên đỉnh đầu khởi động quá trình nhận thức hoặc cử động tay, chân, môi, lưỡi, răng để nói được từ muốn nói. Vùng điều hành trung tâm ở trán sẽ tổng hợp tất cả hoạt động của các vùng, kể cả cảm xúc về con chó, con mèo. Rồi lệnh từ trung tâm điều khiển đến thanh quản, khiến con người nói lên câu: “Con chó của tôi”[9].
Như thế, lời nói là một sản phẩm trí tuệ kỳ diệu, chỉ con người mới có thể thực hiện được trong muôn loài đang sống trên mặt đất này.
4. Lời của Thiên Chúa
Trong lịch sử các tôn giáo, người ta kể nhiều chuyện về việc thần linh giao tiếp với con người, soi sáng và dạy dỗ họ nhiều điều. Những lời dạy của thần linh, của Thiên Chúa có một giá trị siêu việt, cao cả mà con người phải tuyệt đối vâng theo. Thiên Chúa còn chọn ra một số người xứng đáng, soi sáng cho họ biết những ý định của mình và nhờ họ chuyển lời của mình đến cho dân tộc hay cho những con người khác. Vào thời điểm cuối cùng, Thiên Chúa sai Con Một của mình đến nói trực tiếp với con người để ai tin vào Người Con đó sẽ được cứu độ, được trở thành con cái Thiên Chúa và được sống mãi mãi như Thiên Chúa (x. Dt 1,1-2).
Người Con Một đó là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người, mặc lấy thân xác người phàm để đưa bản tính Thiên Chúa vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, quyền năng vô biên, sự sống phi thường vào trong con người hữu hạn, vô thường, đau khổ và chết chóc này. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu mừng lễ Chúa Giáng Sinh: vì lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth và ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Sự kiện này đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm và người Kitô hữu vẫn cử hành kỷ niệm này.
Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, người Kitô hữu quá tập trung vào ý nghĩa của Lời Chúa, như những tiếng nói, được ghi lại trong các cuốn Thánh Kinh Cựu-Tân Ước, quá tập trung vào các nghi lễ, bí tích, rồi trong những năm gần đây họ cũng hăng hái học hỏi, suy niệm để “Sống Lời Chúa”. Đường hướng sống này càng làm họ xa rời Đức Giêsu vì không gặp được Người như một Thiên Chúa sống động cụ thể đang hiện diện giữa con người và vạn vật, mà chỉ tìm thấy những ý nghĩa trừu tượng của chữ viết trong cuốn Thánh Kinh, được giải thích qua một con người hay một thánh nhân.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc đến lầm lẫn này khi trưng dẫn câu nói của Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp những lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa, nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức… mà là một con người. Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người…”[10].
Khi người tín hữu tin vào Đức Giêsu và kết hợp mật thiết với Người, họ được trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm, trở thành chính Lời Thiên Chúa cho mọi người. Họ nhận được sức mạnh, quyền năng, tình yêu, ân sủng vô tận của Chúa Giêsu chuyển thông cho họ, để từng lời nói của họ có sức sáng tạo của Chúa Cha, sức cứu độ của Chúa Con và sức thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Giống như Chúa Giêsu, lời của họ không còn là lời tự nhiên của con người, nhưng trở thành Lời sự sống, Lời sự thật, Lời cứu độ, Lời Tin Mừng như Chúa Giêsu. Lời đó phán ra có thể làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho cả kẻ chết sống lại như đã chứng minh trong đời sống của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu.
5. Nói lời sự sống
Muốn nói được những lời như thế, người tín hữu phải chuẩn bị những gì? Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời nhất có thể dạy cho ta biết phải làm gì.
Trước hết, ta phải mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, phải thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi trên các môn đệ. Khi đón nhận được Thần Khí là Chúa Thánh Thần, ta biến đổi mình từ con người tầm thường, tội lỗi, ngu dốt trở thành người phi thường, thánh thiện như các môn đệ thời xưa để đi đến đâu, các ngài làm phép lạ đến đó (x. Mc 16,15-20).
Trong cuộc sống thường ngày, ta thở khí tự nhiên. Nhiều người chỉ chú ý đến ăn, nhưng chúng ta có thể nhịn ăn 30-40 ngày mới chết. Nước cần hơn mà chúng ta lại không chú ý đến, chúng ta có thể nhịn tối đa 3-4 không uống nước. Khí thở quan trọng nhất, chúng ta chỉ có thể nhịn tối đa 4 phút mà thôi và mỗi ngày chúng ta cần tối thiểu 10 ngàn lít không khí, trong khi chúng ta chỉ cần 1,5kg lương thực và 3-4 lít nước.
Từng giây phút ta cần oxy để biến dòng máu đen thành dòng máu đỏ nuôi sống từng tế bào. Khí tự nhiên rất cần trong đời sống, nhưng khí siêu nhiên là Chúa Thánh Thần còn cần hơn nữa vì biến đổi dòng máu đen tội lỗi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Muốn nói lời nào đó, ta phải hít khí vào trong buồng phổi, khi thở ra khí sẽ qua thanh quản để phát ra lời. Lời Chúa cũng vậy, ta phải hít linh khí vào trong người thì mới có thể phát ra lời sự sống như Chúa Giêsu. Vậy ta đã thở được Thần Khí đó chưa?
Như Mẹ Maria đã mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời hình thành trong lòng Mẹ, từ đó Mẹ sinh Chúa Giêsu cho thế giới. Ta cũng mở lòng ra như Mẹ: dâng hồn xác, mọi phương tiện vật chất cũng như tinh thần để hình thành nên Chúa Giêsu trong lòng ta. Khi nói Lời Chúa là ta sinh Chúa Giêsu cho người khác và thế giới. Vì thế ta phải tránh lời nói tục, nói dối, nói xấu, lời bất hoà, gây chia rẽ, làm thương tổn con người. Trong cơn nóng giận, ta đừng vội nói ngay. Hãy bình tâm vài giây để hít thở dài hơi và nói thầm: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”. Nhờ thở như thế, nhiều khí oxy trong máu đưa lên não làm cho ta bình tĩnh lại, ta sẽ không nói theo cơn giận và làm chủ được lời nói của mình.
Đi xa hơn nữa, khi bắt đầu thở được Thần Khí của Chúa, lời của ta có thể làm cho người khác được chữa lành, được giải thoát khỏi ma quỷ. Đó là ơn mà Chúa Giêsu ban cho khi Người sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (x. Mc, 16,15-18), bởi vì ta là hiện thân của Ngôi Lời Sự sống cho thế giới này.
Lời kết
Vì thế, gắn bó với Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu, chúng ta cố gắng chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng.
Câu hỏi gợi ý
1. Trong giao tiếp hằng ngày, bạn đang nói lời gì: nói dối, nói điêu, nói khoác, nói kháy, nói láo, nói ngang, nói quanh, nói suông, nói thách, nói tục, nói xấu, …hay nói ngon, nói ngọt, nói thật, nói tốt, nói thẳng, nói thầm, nói xa, nói gần…?
2. Bạn làm gì để sửa đổi lời nói của mình thành lời sự thật và sự sống, lời tạo nên niềm vui, hy vọng và cứu độ cho người khác?
Chú thích:
- X. Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật Chữ, NXB Giáo Dục, 1996, tr.11. ↑
- X. Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật Chữ, NXB Giáo Dục, 1996, tr.11-12. ↑
- X. Uỷ ban Giáo dân, Bài 6: Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tháng 10/2018, mục 2.2. ↑
- X. Trung tâm Từ điển Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Hà Nội, 2013, tr.5. ↑
- X. Mã Giang Lân, Tục ngữ Ca dao Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1999. ↑
- X. Phạm Duy, Tình ca Tiếng nước tôi. ↑
- X. Tại sao con người biết nói và có ngôn ngữ riêng, Internet, ngày 15/7/2017. ↑
- X. Bs Alice Robert, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2016, tr.407. ↑
- X. Bs Alice Robert, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2016, tr.305-306. ↑
- X. Bản Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012: Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin, số 11. ↑