04/01/2025

Các nhà khoa học lo tác dụng ngược khi tạo gấp vắcxin corona

Các nhà khoa học lo tác dụng ngược khi tạo gấp vắcxin corona

Giới khoa học lo lắng áp lực tạo ra vắcxin chống virus corona càng sớm càng tốt có thể để lại những hệ quả.

 

Các nhà khoa học lo tác dụng ngược khi tạo gấp vắcxin corona - Ảnh 1.

Nhiều nước đang chạy đua để tìm ra vắcxin chống SARS-CoV-2 sớm nhất – Ảnh: GETTY IMAGES

Reuters ghi nhận nhiều nghiên cứu chỉ ra một số loại vắcxin luôn ẩn chứa tác dụng ngược bởi không hoàn toàn tương thích với cơ thể của tất cả mọi người. Khi đó thay vì giúp hạn chế mắc bệnh, vắcxin lại tạo điều kiện cho cơ thể dễ nhiễm bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Cơ chế đảo ngược này hiện vẫn chưa được hiểu biết cặn kẽ. Nếu tỉ lệ phản tác dụng trong cộng đồng đáng kể, vắcxin vô tình mang theo hiểm họa.

Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất hạn chế rủi ro hiện tại là thử nghiệm ở nhiều quy mô để biết nhược điểm của vắcxin, qua đó có thể điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, khi chế tạo vắcxin, một nhóm nghiên cứu phải mất vài tháng để quan sát hiện tượng đảo ngược ở động vật rồi mới thử nghiệm ở người.

Tuy nhiên vì tính cấp bách, nhiều công ty y khoa sẽ thử nghiệm trực tiếp trên nhóm người quy mô nhỏ mà không chờ kết quả từ thử nghiệm trên động vật.

Chẳng hạn, công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) hợp tác với Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ cho ra lò lô vắcxin đầu tiên cuối tháng 2 vừa qua. Hiện, công ty đang chuẩn kế hoạch thử nghiệm trên người vào tháng 4 tới, song song với việc khảo sát mức độ phản tác dụng trên động vật.

Theo TS Emily Erbelding, trưởng Bộ phận Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm, thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) khẳng định, quy trình này phù hợp với tiêu chuẩn của WHO và Cục Quản lý và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thử nghiệm sẽ kéo dài trong 14 tháng.

Các nhà khoa học lo tác dụng ngược khi tạo gấp vắcxin corona - Ảnh 2.

TS Peter Hotez (trái) đặt ra quan ngại khi phát triển vắcxin quá nhanh – Ảnh: GETTY IMAGES

Từng có kinh nghiệm tham gia chế tạo vắcxin phòng SARS năm 2003, TS Peter Hotez – hiệu trưởng Trường Y khoa Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) – nhấn mạnh hoàn toàn có những động vật thí nghiệm mắc bệnh nặng hơn vì vắcxin.

Ở người cũng có những ví dụ. Đợt thử nghiệm vắcxin phòng virus hợp bào hô hấp ở trẻ được Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) chế tạo gây ra nhiều ca bệnh nặng hơn, trong đó có 2 ca tử vong, vào những năm 1960.

Gần đây hơn, Philippines sau khi triển khai tiêm phòng sốt xuất huyết Dengvaxia cho hơn 800.000 trẻ em (2017) cũng ghi nhận 14 trường hợp tử vong. Theo đó, loại vắcxin này có tác dụng phòng bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virus nhưng nhiều trường hợp chưa nhiễm, vắcxin lại khiến bệnh diễn biến xấu.

“Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tăng tốc tìm ra vắcxin, tuy nhiên xét nhiều mặt tôi không nghĩ có loại vắc-xin theo quy trình như vậy”, TS Peter Hotez nói.

Theo thống kê, hiện có khoảng 20 loại vắcxin phòng SARS-Cov-2 đang được nghiên cứu và thử nghiệm bởi các hãng uy tín trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ cũng đã dành hẳn 3 tỉ USD hỗ trợ tìm vắcxin và phương pháp chữa trị Covid-19.

HOÀNG THI
TTO