01/01/2025

Vì sao virus corona chủng mới ‘làm khó’ giới y khoa?

Vì sao virus corona chủng mới ‘làm khó’ giới y khoa?

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho rằng mức độ nguy hiểm chết người của virus corona chủng mới cao gấp 10 lần so với virus gây bệnh cúm mùa.

 

Vì sao virus corona chủng mới ‘làm khó’ giới y khoa? - Ảnh 1.

Bất kể nhiều thập kỷ nghiên cứu, các virus giống SARS-CoV2 vẫn đang là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe loài người – Ảnh: AFP

Theo tạp chí Vox (Mỹ), sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 bắt nguồn từ chính những điểm đặc thù của các virus gây bệnh nói chung và của virus SARS-CoV-2 nói riêng.

Chủng virus corona mới này là một trong những nguy cơ lớn nhất nhân loại phải đối mặt. Ngay cả với sự phát triển của y học hiện đại, cho tới nay chúng ta chỉ mới loại bỏ được một loại virus, đó là virus gây bệnh đậu mùa. Nhưng để đạt được thành tựu đó, nhân loại cũng đã phải trải qua nỗ lực tiêm phòng vắcxin trên quy mô lớn toàn cầu kéo dài nhiều thập kỷ.

Tấn công vào tận tế bào

Ngay lúc này, các bác sĩ vẫn đang sử dụng những biện pháp điều trị chung để kiểm soát các triệu chứng do SARS-CoV-2 gây ra, vẫn chưa có vắcxin hay thuốc điều trị nào để “trị” COVID-19.

Có nhiều nhân tố khiến các loại virus kiểu như SARS-CoV-2 là mối đe dọa nguy hiểm với con người. Điều tích cực là tới nay giới khoa học đã hiểu nhiều hơn về cách thức tấn công người bệnh của chủng virus này.

Các virus là những vi trùng gây bệnh quái đản nhất. Chỉ với một vài phân tử, chúng có thể tập hợp thành đủ loại hình dạng nhỏ bé khác nhau.

Chúng cũng có thể di chuyển giữa các vật chủ thông qua môi trường không khí, nước, đất và các giọt dịch bắn. Chúng biến đổi gen cũng rất nhanh chóng và thực sự thì chúng có ở khắp mọi nơi, từ đại dương cho tới bầu trời.

So với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khác như vi khuẩn và nấm, virus nhỏ hơn và có cấu trúc đơn giản hơn. Trên thực tế, các virus thậm chí còn có thể làm các vi trùng khác… sinh bệnh.

Và cũng vì có cấu trúc quá đơn giản nên hầu hết các nhà khoa học thậm chí còn không coi chúng là các sinh vật sống.

Chẳng hạn, virus gây bệnh viêm tủy xám chỉ rộng 30nm (nm là nanomet, đơn vị đo chiều dài, 1nm bằng một phần tỉ mét).

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có kích thước khoảng 120nm. Trong khi đó vi khuẩn E. coli lớn gấp 16 lần so với SARS-CoV-2, còn tế bào hồng cầu trong máu người cũng lớn gấp 64 lần so với SARS-CoV-2.

Một tế bào người dùng 20.000 kiểu protein khác nhau. HIV chỉ dùng 15 kiểu protein khác nhau, SARS-CoV-2 dùng 33 kiểu.

Các mầm bệnh có kích thước lớn hơn như vi khuẩn chứa những công cụ phân tử chúng cần để tự nhân bản. Tuy nhiên, những công cụ này cũng khiến vi khuẩn dễ bị các loại thuốc kháng sinh tấn công vì thuốc kháng sinh sẽ xen vào cơ chế phân tử của vi khuẩn mà không phải cơ chế phân tử của tế bào người.

Đó là lý do vì sao thuốc kháng sinh có thể “tìm diệt” vi khuẩn hiệu quả hơn nhưng lại không diệt được các loại virus vì các virus không thể tự nhân bản. Virus phải xâm nhập vào các tế bào, giành cơ chế hoạt động của tế bào vật chủ để tự nhân bản.

“Vi khuẩn rất khác chúng ta nên các loại thuốc (kháng sinh) có nhiều mục tiêu để tấn công, tìm diệt. Các virus nhân bản bên trong các tế bào nên chúng sử dụng rất nhiều cơ chế tương tự như các tế bào của chúng ta đang hoạt động, do đó việc tìm ra các loại thuốc tìm diệt được virus mà không gây tổn hại cho tế bào người sẽ khó khăn hơn”, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học Diane Griffin thuộc Trường Y khoa cộng đồng Bloomberg tại ĐH Johns Hopkins giải thích.

Cùng với đó, lại có rất nhiều loại virus khác nhau, chúng cũng nhanh chóng biến đổi gen nên theo thời gian, những vắcxin cũng như thuốc điều trị một bệnh do virus gây ra có thể sẽ bị giảm hiệu quả là vì vậy.

Còn một vấn đề nữa khiến việc điều trị các bệnh do virus gây ra khó khăn hơn là cách cơ thể chúng ta phản ứng với chúng. Thông thường khi hệ miễn dịch phát hiện virus xâm nhập, nó sẽ sản sinh kháng thể chống lại.

Tuy nhiên vấn đề ở chỗ có những lúc trước khi hệ miễn dịch kịp thời có phản ứng phòng vệ thì virus đó đã kịp gây hại cho sức khỏe người bệnh và thậm chí còn lây bệnh cho người khác rồi.

Khi hệ miễn dịch kích hoạt cơ chế phòng vệ của cơ thể, chúng có thể gây ra những vấn đề như sốt hay viêm. Trên thực tế, có những khi, lúc các những triệu chứng này xuất hiện thì virus cũng đã bắt đầu giảm hoạt động hoặc đã quá muộn, không thể can thiệp gì nữa.

Vì sao virus corona chủng mới ‘làm khó’ giới y khoa? - Ảnh 2.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ – Ảnh: AFP

Chống bệnh do virus gây ra thế nào?

Các nhà nghiên cứu y khoa đang sử dụng hai chiến lược bao quát để chống dịch bệnh COVID-19: làm chậm lại tốc độ lây lan và gây hại của virus corona chủng mới và nâng cao khả năng tự chống chọi bệnh tật của con người.

Các thuốc kháng virus là một giải pháp tiếp cận theo hướng làm chậm lại tác hại của virus. Cũng giống như thuốc kháng sinh, đây là những thuốc giúp ngăn cản virus hoành hành trong cơ thể mà không gây tác dụng phụ có hại đồng thời cho người bệnh.

“Phần lớn các loại thuốc kháng virus hiện nay đều nhắm vào đích xác các virus, tức là những thành phần cấu tạo nên virus như các enzyme của virus, các protein ở bề mặt”, ông Pei-Yong Shi, giáo sư ngành hóa sinh và sinh học phân tử thuộc Chi nhánh Y khoa ĐH Texas, nhận định.

Bằng cách tấn công các phần khác nhau của virus, các thuốc kháng virus có thể ngăn cản virus xâm nhập tế bào hoặc can thiệp vào quá trình tự nhân bản của virus.

Chẳng hạn, thuốc remdesivir do hãng dược Gilead Sciences phát triển đang được nghiên cứu như một giải pháp điều trị COVID-19 hoạt động trên nguyên lý ngăn chặn virus SARS-CoV-2 không sao chép vật chất di truyền RNA của nó.

Dù vậy, cách tốt nhất để chống lại một loại virus chính là ngăn chặn ngay từ đầu sự lây lan của nó. Dĩ nhiên điều này phụ thuộc vào các biện pháp y tế cộng đồng được triển khai trong dịch bệnh như cách ly, giảm tụ tập đông người và rửa tay đúng cách trong 20-30 giây.

Vì sao virus corona chủng mới ‘làm khó’ giới y khoa? - Ảnh 3.

Một em nhỏ đang dùng dung dịch rửa tay vệ sinh tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 1-3-2020 – Ảnh: AP

Hãy nhớ nước và xà bông

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu thuốc điều trị và vắcxin phòng các bệnh do virus gây ra, song tới nay chúng ta “vẫn chưa có nhiều thuốc kháng virus cho những bệnh lây nhiễm cấp”, theo bà Diane Griffi. “Thường thì bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc để bệnh tự khỏi”, bà thêm.

Việc bào chế các loại thuốc mới mất rất nhiều năm để thử nghiệm và thường là khi có thuốc, dịch bệnh đã thuyên giảm và một dịch bệnh mới, với mầm bệnh mới, đã lại xuất hiện.

Trong cộng đồng, luôn có những người dễ bị nhiễm bệnh hơn so với người khác, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu. Với họ, các loại vắcxin cũng như thuốc điều trị có thể không có tác dụng, do đó họ phải trông chờ vào những người xung quanh được tiêm chủng và áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Rốt cuộc, phòng bệnh vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các virus gây bệnh trong cộng đồng. Điều này có nghĩa, một phương pháp ứng phó có sự điều phối toàn cầu có thể là một trong những chiến lược tốt nhất để kiểm soát những mầm bệnh siêu nhỏ bé là các virus này.

Theo đó, những công cụ chống lại virus tốt nhất chính là nước và xà bông rửa tay. Đó chính là những giải pháp hiệu quả hơn các loại thuốc tốt nhất (mà chúng ta vẫn đang chờ đợi) trong cuộc chiến chống lại một đại dịch cho virus (như SARS-CoV2) gây ra.

D. KIM THOA
TTO