Vai trò trung tâm của Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem
Vai trò của Kitô hữu Palestine
Trên đây là những điều được Uỷ ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng các Hội dòng Công giáo khẳng định trong một tài liệu được công bố trên trang web của của Toà Thượng phụ Latinh. Điều khẳng định này nhắm đến tương lai của các Kitô hữu đang sinh sống ở Giêrusalem; một tương lai không được đảm bảo sau tuyên bố của tổng thống Trump về “kế hoạch Hoà bình để Thịnh vượng”, một kế hoạch không mang lại “nhân phẩm và quyền lợi” cho người Palestine.
Đây cũng là một kế hoạch mà các Giáo hội trên thế giới và Tòa Thánh không đồng ý. Tất cả đều cho rằng cần phải có một giải pháp hai Quốc gia và một sự công nhận đặc biệt cho vị thế của Thành Thánh, một sự công nhận được cộng đồng quốc tế bảo đảm. Cụ thể, bảo đảm tự do tôn giáo, tự do tiếp cận các nơi thánh của các tín hữu của cả ba tôn giáo và tất cả mọi người.
Trước những “diễn biến đáng lo ngại” gần đây, các Kitô hữu Palestine, đặc biệt là những người “dễ bị tổn thương” do số lượng nhỏ và bị chèn ép bởi những nhóm cực đoan Do Thái hoặc Hồi giáo, có thể bị cám dỗ rút lui khỏi đời sống công khai.
Uỷ ban Công lý và Hoà bình khẳng định: “Các Kitô hữu Palestine ở Giêrusalem được mời gọi thi hành sứ vụ của mình giữa mọi người và trên mảnh đất của mình, ngay cả trong lúc khó khăn. Điều không thể tách rời đó là “hai chiều kích” của Giêrusalem: Thành Thánh được các tín đồ của ba tôn giáo Do Thái, Hồi giáo và Kitô giáo trên thế giới cùng chia sẻ, và là một thành phố của người Israel và Palestine cùng chia sẻ hằng ngày.”
Tài liệu nhấn mạnh rằng các Kitô hữu Palestine ở Giêrusalem cần kiên vững trong căn tính của mình, trong chiều kích tôn giáo và quốc gia. Như thế họ có thể đáp ứng trọn vẹn ơn gọi địa phương và phổ quát của mình. Cùng nhau làm việc vì “bình đẳng, công lý và hoà bình; và đóng góp với tất cả khả năng để chấm dứt cuộc xung đột ở Giêrusalem, để Giêrusalem có thể trở lại là “một thành của Thiên Chúa cho tất cả cư dân, mở ra cho thế giới”. (CSR_1319_2020)