24/11/2024

Bác sĩ ở ‘tâm dịch’ Vũ Hán nói gì về những ca bệnh chết trẻ, tái nhiễm?

Bác sĩ ở ‘tâm dịch’ Vũ Hán nói gì về những ca bệnh chết trẻ, tái nhiễm?

Trong lúc dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ở nhiều nước, giới chuyên gia quốc tế đang hướng về những phát hiện liên quan tới dịch bệnh này tại nơi phát sinh dịch đầu tiên là Trung Quốc.

 

Bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán nói gì về những ca bệnh chết trẻ, tái nhiễm? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế và một bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Hãng tin Bloomberg chia sẻ những thông tin này rút ra từ việc trao đổi với các bác sĩ đã tham gia điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, thành phố tâm dịch, cũng là nơi bùng phát dịch đầu tiên.

Thời gian ủ bệnh và cách lây nhiễm

Thời gian qua đã lan truyền những thông tin nói virus corona chủng mới có thời gian ủ bệnh rất dài ngày. Chuyện này khiến nhiều người lo lắng việc sẽ có những người mang bệnh mà không được phát hiện và có thể tiếp tục lây bệnh cho người khác.

Ngay chính tại một thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc, chính quyền địa phương ngày 22-2 cũng đưa tin về trường hợp một người bệnh 70 tuổi nhiễm virus corona chủng mới nhưng chỉ có biểu hiện bệnh 27 ngày sau đó.

Về vấn đề này, ông Du Bin, thành viên của nhóm chuyên gia giám sát công tác điều trị bệnh COVID-19 của Trung Quốc, cho biết: “Từ hầu hết các báo cáo công bố hiện nay, thời gian ủ bệnh trung bình là từ 5-7 ngày, với giai đoạn ủ bệnh dài nhất là 14 ngày. Chưa có dữ liệu nào cho thấy tồn tại trường hợp ủ bệnh dài hơn 14 ngày”.

Theo ông Li Haichao, phó trưởng khoa hô hấp tại bệnh viện đại học Bắc Kinh, ở một số người bệnh, giai đoạn virus bắt đầu tấn công người bệnh có thể xảy ra rất chậm, chỉ với triệu chứng sốt nhẹ trước khi các vấn đề sức khỏe xấu đi nhanh hơn trong 10 ngày sau.

Cũng theo ông Du Bin, tới nay chưa có chứng cứ nào cho thấy những người đã bình phục và sau đó dương tính trở lại với virus corona chủng mới có thể truyền bệnh cho người khác.

Ngày 5-3 trang thepaper.cn đăng tin nói một người đàn ông ở Vũ Hán đã khỏi bệnh COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đã qua đời sau một tuần nhiễm bệnh. Thông tin này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Những ca bệnh chết trẻ

Cho tới nay, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 vẫn tương đối thấp và phần lớn xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn hoặc những người đã có sẵn bệnh lý trong người.

Việc xuất hiện một số ca bệnh mà người chết ở độ tuổi còn trẻ khiến giới y khoa khó giải thích nguyên nhân.

Khi đề cập tới những bệnh nhân COVID-19 trẻ hơn đã chết nhưng không nói cụ thể độ tuổi trẻ hơn này nằm trong khoảng nào, ông Du Bin cho rằng các nhân tố chính gây ra các ca tử vong đó là những bệnh lý đã có như cao huyết áp, tiểu đường, sử dụng kéo dài thủ thuật thông khí cơ học không xâm lấn và dùng thuốc corticosteroid liều cao kéo dài.

Những bài học 

Bác sĩ Du Bin nói nếu được làm lại từ đầu ông sẽ hối thúc các cơ quan y tế mạnh mẽ hơn nữa trong việc đưa tất cả các nhân viên thuộc phòng hồi sức tích cực (ICU) về làm việc cùng nhau tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 để có thể xây dựng các quy trình tốt nhất cho việc chăm sóc ca bệnh nguy kịch.

Ông cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc sử dụng các biện pháp thở máy xâm lấn với tất cả những người bệnh đã có biểu hiện “xấu đi về lâm sàng” do suy hô hấp hoặc do lượng oxy trong máu xuống thấp.

Việc lên kế hoạch, theo ông Du là phương diện quan trọng nhất trong khi phản ứng với dịch bệnh do virus gây ra. Các nước cần biết trước việc họ sẽ xử lý như thế nào với mỗi người bệnh khi họ sốt, phát hiện các ca nghi nhiễm, xác định họ có bệnh hay không và cách ly các trường hợp cần thiết.

“Quý vị phải có kế hoạch cung cấp không chỉ không gian chữa trị mà còn cả các trang thiết bị như đồ bảo hộ y tế cá nhân cho mọi nhân viên y tế liên quan”, ông Du Bin nói.

D. KIM THOA
TTO