24/11/2024

Giáo triều tĩnh tâm: Sa mạc “hình ảnh cuộc sống”, đấu tranh, cầu nguyện

Giáo triều tĩnh tâm: Sa mạc “hình ảnh cuộc sống”, đấu tranh, cầu nguyện

Vào chiều thứ Tư và sáng thứ Năm, tại Nhà Thánh Marta ở Ariccia, Cha Pietro Bovati tiếp tục hướng dẫn Giáo triều tĩnh tâm qua 2 bài suy niệm. Trọng tâm của bài suy niệm đầu tiên là hành trình của Israel trong sa mạc và bài kế tiếp liên quan đến ý niệm đấu tranh và cầu nguyện.

Ở bài suy niệm đầu tiên, Cha Pietro Bovati nói: “Kinh Thánh chỉ cho chúng ta: nếu một mặt Thiên Chúa “là Đấng thực hiện lịch sử cứu độ”, thì mặt khác “nhấn mạnh đến tự do của con người”. Nếu không có phần hoạt động của con người thì hình ảnh lịch sử sẽ biến dạng, “trong đó Thiên Chúa hoạt động rất tuyệt vời”, nhưng con người có nguy cơ trở thành “đối tượng thụ động thuần tuý”.

Tiếp theo, vị giảng thuyết chuyển tư tưởng sang hình ảnh sa mạc: “40 năm hành trình sa mạc biểu thị toàn bộ sự hiện hữu, đó là trái đất của chúng ta, nơi con người đau khổ, nhưng đó lại là nơi Thiên Chúa tỏ mình. Thời gian vượt qua sa mạc là thời gian của chúng ta, thời gian của con người, thời gian con người có thể bị cám dỗ.”

Tiếp đến, vào sáng thứ Năm cha Bovati đã tập trung vào chủ đề “Chiến đấu và cầu nguyện”. Theo cha, Giáo hội đang bị tấn công dữ dội, công khai và nham hiểm. Đứng trước hiện trạng này, sự đáp trả của Giáo hội nằm ở chỗ sống chứng tá kết hợp đời sống cầu nguyện đích thực.

Cha Bovati nói: “Chúng ta dành riêng ngày hôm nay để suy niệm về sự dấn thân cá nhân mà Chúa đòi hỏi nơi mỗi người, theo ơn gọi, ân sủng đã nhận lãnh, cùng với những bổn phận liên quan đến ân ban. Trong một xã hội bị thương tích, bị bỏ rơi, phải đối diện với những nhu cầu cấp bách và đau khổ, các vị mục tử được khuyến khích thi hành nhiều hoạt động mục vụ. Tuy nhiên, điều này không thể làm chúng ta mất đi cái nhìn thiết yếu của việc cầu nguyện.”

Cha Bovati đơn cử một ví dụ để khẳng định điều trên: khuôn mặt của Môsê. Trong lúc trận chiến đang diễn ra, ông Môsê đi cầu nguyện. Ông hướng cái nhìn về Thiên Chúa; ông nhìn lên Chúa không phải vì ông không quan tâm đến trận chiến, nhưng vì ông muốn hướng nó đến chiến thắng trọn vẹn nhất. Môsê trên núi đại diện cho sức mạnh kín đáo dẫn dắt đội quân chiến thắng. Cha Bovati kết luận: “Chìm đắm trong Chúa là điều kiện không thể thiếu để thành công trong trận chiến trên mặt đất này.”

Ngọc Yến