23/12/2024

Để không phải đi học rồi lại nghỉ học

Để không phải đi học rồi lại nghỉ học

Theo chuyên gia, các trường cần nghiêm túc yêu cầu người học kê khai thông tin y tế trước khi đi học trở lại. Nếu không làm kỹ, việc đi học trở lại sẽ “phá sản” và vô cùng nguy hiểm.

 

 

 

Để không phải đi học rồi lại nghỉ học - Ảnh 1.

Tối 2-3, học viên cao học và sinh viên hệ vừa làm vừa học của Trường ĐH Luật TP.HCM đã đi học trở lại, sau khi kê khai thông tin y tế – Ảnh: THÀNH AN

Một học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Vị Thanh (Hậu Giang) bất ngờ bị sốt ngay trong sáng 2-3, buổi đầu tiên đi học lại sau thời gian tránh dịch COVID-19, khiến nhà trường phải cho cả lớp nghỉ học buổi chiều.

Qua tìm hiểu, nhà trường nắm được thông tin gia đình em này có người thân từ Hàn Quốc về. Nhà trường nhanh chóng báo với ngành chức năng, đưa học sinh này đến trung tâm y tế để kiểm tra và nhận định ban đầu em này chỉ bị… viêm họng. Theo nhà trường, hôm qua 3-3, các học sinh lớp này đã đi học bình thường. Riêng học sinh bị sốt, phụ huynh xin cho nghỉ vài ngày để ở nhà chữa trị.

Tối 2-3, UBND tỉnh Sơn La cũng ra quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ thêm hai tuần sau khi học sinh THPT và sinh viên của tỉnh đi học trở lại ngày đầu tiên, do có lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường CĐ Y tế Sơn La có biểu hiện viêm đường hô hấp (ho, không sốt). Theo các chuyên gia, những vụ việc trên như “hồi chuông” cảnh báo các trường cần phải tăng cường kiểm soát dịch tễ học sinh, sinh viên.

Sinh viên nói riêng và người dân nên nâng cao ý thức, trách nhiệm, có bệnh cần phải tự giác trung thực và đặc biệt phải hiểu rằng cách ly trước hết là vì quyền lợi của chính bản thân mình, sau đó là quyền lợi của gia đình và cộng đồng xã hội.

PGS.TS Trần Hoàng Hải

Yêu cầu khai báo trước

Thực tế phần lớn phụ huynh học sinh, sinh viên vẫn chưa thực sự yên tâm khi cho con trở lại trường trong thời điểm này. Bà Nguyễn Thị Hoa (phụ huynh ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Hôm qua đọc báo biết trường hợp học sinh bị sốt ở Hậu Giang trong ngày đi học trở lại, nay tôi quyết định xin phép cho con nghỉ học thêm vài ngày nữa. Để con đi học lúc này hồi hộp lắm”.

Ngay trong ngày đầu tiên cho con đi học trở lại, rất nhiều phụ huynh như ông Hồ Hữu Khánh (ở TP Quảng Ngãi) cũng băn khoăn: “Trường mở cửa lại lúc này rồi phát hiện có học sinh bị sốt thì phải làm sao? Chắc nhốt hết cách ly tại trường luôn? Mong nhà trường phải nhắc nhở thường xuyên để các em bị bệnh nên ở nhà”.

PGS.TS Trần Hoàng Hải – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM – cho biết hiện khá nhiều trường đại học, cao đẳng và trường quốc tế đã yêu cầu khảo sát trong toàn bộ giảng viên, chuyên viên, người lao động, người học về tình trạng sức khỏe và việc có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay di chuyển đến vùng có dịch trong đợt nghỉ tết hay không?

“Các trường yêu cầu sinh viên, học sinh kê khai thông tin y tế khi trở lại trường bằng nhiều hình thức khác nhau, có trường làm việc này ngay trong buổi đầu sinh viên đi học lại. Trường chúng tôi yêu cầu sinh viên phải khai đầy đủ thông tin y tế (tình trạng sức khỏe, dịch tễ) trên mạng trước khi đi học trở lại để khoanh vùng.

Từ đó, có thể biết được những ai có khả năng và nguy cơ bị nhiễm bệnh để giám sát kỹ từng trường hợp. Những người đến từ vùng dịch và có vấn đề về sức khỏe nhà trường yêu cầu cách ly tại nhà” – ông Hải cho hay.

Khai báo sai sự thật có thể bị xử lý về hình sự

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh và người mang mầm bệnh truyền nhiễm gồm: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự.

dich0303 2(read-only)

Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 của Trường ĐH Luật TP.HCM tuyên truyền về phòng chống dịch trực tiếp tại các lớp học – Ảnh: THÀNH AN

Theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điều 240 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người: người nào có một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (nêu trong luật) sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo ThS.BS Nguyễn Trần Nam – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng. Trường cần thông báo đến từng phụ huynh, học sinh để thực hiện khai báo thông tin y tế.

Trong đó, yêu cầu khai rõ các thông tin: Học sinh và các thành viên trong gia đình có đến các vùng đang có dịch COVID-19 trong 14 ngày vừa qua? Học sinh và gia đình có tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm COVID-19? Tình trạng sức khỏe hiện tại của học sinh và những người trong gia đình (có các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, đau họng…).

“Việc khai báo này nhà trường có thể gửi đến phụ huynh bằng văn bản, đồng thời khảo sát online trước khi sinh viên, học sinh đi học trở lại, chứ để học sinh đến trường rồi mới làm thì không có ý nghĩa. Nếu trường hợp học sinh chưa khai báo thông tin y tế, khi đi học trở lại có em bị sốt mà chính em này từng tiếp xúc với những người có nguy cơ rồi mới xử lý thì sẽ nhiều rủi ro, khó kiểm soát tốt được. Vì vậy phụ huynh và giáo viên phải liên hệ chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc việc khai báo dịch tễ” – BS Nam nhấn mạnh.

Để không phải đi học rồi lại nghỉ học - Ảnh 5.

Nguồn: Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) – Đồ họa: T.ĐẠT

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền

Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng đã gửi email đến tất cả cán bộ, nhân viên, giảng viên, sinh viên… nhà trường để yêu cầu khai báo dịch tễ. Nhà trường còn trưng các bảng thông báo ngay cổng nếu có triệu chứng ho, sốt, đau họng… và yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 thì phải đến khám sàng lọc, đồng thời liên tục phát loa thông báo những thông tin yêu cầu này.

TS.BS Nguyễn Nam Hà – trưởng đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho rằng: “Mặc dù các trường đang yêu cầu khai thông tin y tế nhưng vẫn không kiểm soát hết được nên cần phân công giáo viên chủ nhiệm, khối trưởng, lớp trưởng liên tục thăm hỏi sinh viên, học sinh thông tin về triệu chứng và yếu tố dịch tễ. Đối với những em nghỉ học cách ly tại nhà, trường cần lập danh sách và thường xuyên gọi điện liên lạc để nắm bắt thông tin”…

Theo các bác sĩ, thực tế tình trạng khai báo thông tin dịch tễ không trung thực thường xảy ra do nhiều yếu tố. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay cần tăng cường thông tin tuyên truyền, giáo dục ý thức cho sinh viên, học sinh nói riêng và người dân biết rằng việc để lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là chuyện lớn hơn tất cả nhu cầu cá nhân khác.

“Việc đeo khẩu trang, rửa tay không chỉ để bảo vệ riêng người nào mà còn để ngừa phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhưng khẩu trang chỉ giúp ngăn cản chừng 10-20% việc lây bệnh. Virus này lây qua đường tiếp xúc nhiều hơn, có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trong môi trường nên cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh thân thể và vệ sinh bề mặt xung quanh mình.

Những học sinh khác không có dấu hiệu bệnh cũng phải thường xuyên tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình” – TS.BS Huỳnh Minh Tuấn, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, nói.

Xử lý thế nào khi có học sinh sốt?

Theo ThS.BS Nguyễn Trần Nam, trong trường hợp có một ca học sinh vừa đi học trở lại bị sốt, giáo viên và nhà trường cần ngay lập tức báo cho cơ quan y tế và các cơ quan chức năng của địa phương nơi nhà trường trú đóng. Nếu gặp trường hợp như vậy mà nhà trường yêu cầu học sinh, sinh viên về nhà nghỉ học, tự cách ly là vô cùng nguy hiểm, vì rất khó để giám sát được học sinh thực hiện việc cách ly đúng hay không.

“Việc cách ly này có khi phải áp dụng cho tất cả thành viên trong gia đình học sinh đó để tránh lây nhiễm cho cộng đồng và phải được cơ quan y tế lẫn chính quyền địa phương giám sát. Khi cách ly học sinh, mỗi ngày cán bộ y tế phải theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe. Nếu học sinh bị sốt từng tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm COVID-19 bắt buộc phải cho cả lớp nghỉ học để thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Các trường cần đặc biệt lưu ý nhắc nhở học sinh, sinh viên đang có vấn đề về sức khỏe không nên đi học” – BS Nam nói.

TRẦN HUỲNH
TTO