24/12/2024

Nữ sinh 25 tuổi phát hiện 17 ngoại hành tinh

Nữ sinh 25 tuổi phát hiện 17 ngoại hành tinh

Mới 25 tuổi, Michelle Kunimoto – nghiên cứu sinh Đại học British Columbia (Canada), đã phát hiện 17 ngoại hành tinh, trong đó 4 ngoại hành tinh được cô tìm thấy khi đang học cử nhân.

 

Nữ sinh 25 tuổi phát hiện 17 ngoại hành tinh - Ảnh 1.

Nữ sinh Kunimoto vừa khám phá thêm 1 ngoại hành tinh – Ảnh: CNN

Theo trang Science Alert, “chiến tích” mới nhất của Kunimoto là khám phá một hành tinh gần giống Trái Đất, lại nằm ở “khu vực sống được”, tức có khả năng tìm thấy nước ở bề mặt.

Trong công bố mới đây trên tạp chí Astronomical Journal, Kunimoto cho biết hành tinh mới phát hiện tên KIC-7340288b, nằm cách Trái Đất khoảng 1.000 năm ánh sáng nhưng nhiều khả năng có nước – sự sống.

Một năm ở KIC-7340288b dài khoảng 142,5 ngày so với Trái Đất và quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách 0.444 đơn vị thiên văn, đồng thời có quỹ đạo lớn hơn của Sao Thủy một chút.

Lượng ánh sáng mà KIC-7340288b nhận được từ sao chủ bằng khoảng 1/3 so với ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất, vừa đủ giúp hành tinh có nhiệt độ và điều kiện phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt.

“Đây là một phát hiện thực sự thú vị bởi ước tính chỉ có 15 hành tinh nhỏ trong khu vực có sự sống này từ dữ liệu của Kepler” – Kunimoto nói.

Nữ sinh 25 tuổi phát hiện 17 ngoại hành tinh - Ảnh 2.

Kích thước của KIC-7340288b (xanh lá) và 16 ngoại hành tinh được Kunimoto phát hiện (màu cam) so với Sao Hỏa (hàng trên cùng, bên trái), Trái Đất (hàng trên cùng ở giữa) và Sao Hải Vương (màu xanh dương) – Ảnh: Kunimoto

Trước đó, bằng phương pháp dịch chuyển, Kunimoto đã khảo sát khu vực thiên hà Milky Way và hàng trăm vật thể “khả nghi” lân cận, dựa trên dữ liệu thu được từ kính thiên văn Kepler (NASA). Kết quả, Kunimoto tìm được 16 ngoại hành tinh.

Kunimoto lý giải bất kỳ một hành tinh nào khi di chuyển phía trước ngôi sao chủ đều che mất một phần ánh sáng khiến độ sáng tạm thời của sao giảm. Các nhà thiên văn học có thể căn cứ vào sự giảm sáng này để tính toán thông tin về kích thước và thời gian quay quanh quỹ đạo của một hành tinh mới.

Cho đến nay, phần lớn hành tinh mà cô tìm thấy đều có kích thước lớn hơn nhiều so với Trái Đất, trong khi hành tinh nhỏ nhất trong bộ sưu tập của cô cũng bằng 2/3 hành tinh chúng ta.

GS Jaymie Matthews – giáo sư Đại học British Columbia hướng dẫn Kunimoto – chia sẻ với phương pháp hiện tại, Kunimoto cùng nhóm nghiên cứu có thể tính toán được số lượng hành tinh tương ứng với các ngôi sao theo nhiệt độ, đồng thời khái quát được số vật thể trong “khu vực sống được” trong thiên hà.

Kunimoto cùng các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California (Mỹ) sẽ sử dụng kính thiên văn Gemini North ở Hawaii (Mỹ) và nhiều thiết bị cận hồng ngoại để biết được tỉ lệ tồn tại ngoại hành tinh trong “khu vực sống được”.

HOÀNG THI
TTO