23/12/2024

Chúa Nhật I Mùa Chay năm A: Luôn chọn Thiên Chúa

Hình ảnh Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ bởi ma quỷ đã đặt Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh phải chọn lựa: hoặc Thiên Chúa hoặc ma quỷ, hoặc trung tín hoặc bất tín, hoặc sự thiện hoặc sự ác.

 

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM A

St 2,7-9;3,1-7; Rm 5,12.17-19; Mt 4,1-11

LUÔN CHỌN THIÊN CHÚA

“Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi

và chỉ phụng sự một mình Ngài” (Mt 4,10)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – St 2,7-9;3,1-17

    Ý tưởng đầu tiên mà đoạn sách Sáng thế muốn trình bày đó là lời khẳng định: con người và sự sống của con người là do chính Thiên Chúa sáng tạo nên. Sự sống nơi con người còn được Thiên Chúa duy trì bằng việc Ngài cho họ được sống trong vườn Eden. Hơn thế, lệnh truyền không được ăn quả của cây ‘biết lành biết dữ’ cho thấy Thiên Chúa còn ban cho con người quyền tự do để chọn lựa: vâng phục hay bất tuân phục Ngài. Điều này làm cho con người trở nên ‘giống hình ảnh Thiên Chúa’ hơn mọi loài thụ tạo khác mà Thiên Chúa đã dựng nên.

    Nhưng dường như con người vẫn chưa hài lòng với thân phận ‘giống hình ảnh Thiên Chúa’ này, khát vọng sâu xa luôn đeo bám kiếp phàm trần của con người là muốn ‘biết thiện ác như thần thánh’. Và Satan đã khai thác triệt để khát vọng này của con người, để từng bước dẫn họ đi tới chỗ bất tuân phục Thiên Chúa bằng một cơn cám dỗ với những lý luận sắc bén.

    Khi Satan đã cố gắng khoét sâu vào khát vọng ‘biết thiện ác như thần thánh’ của con người, để đẩy họ tới chỗ phải đạt được điều này bằng mọi giá, thì ngay lúc ấy con người đã rơi vào đúng cái bẫy mà Satan muốn giăng ra: họ quyết định bất tuân lệnh Thiên Chúa.

2. Bài đọc II – Rm 5,12.17-19

    Thánh Phaolô cho thấy sự khác biệt và đối nghịch giữa Ađam, người đã phạm tội dẫn tới sự chết, và Ađam mới là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận chết để ban ơn sủng là sự sống viên mãn cho muôn người.

Vì bất tuân phục Thiên Chúa mà Ađam đã sa ngã mà phạm tội và qua đó để cho tội lỗi xâm nhập trần gian. Hậu quả của tội lỗi chính là cái chết mà không ai có thể tránh khỏi, vì họ đều mang thân phận yếu đuối. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mang trong mình bản chất mỏng dòn, mong manh trước sức mạnh cám dỗ của tội lỗi. Như thế, Ađam chính là căn nguyên và là hình ảnh của nhân loại yếu đuối, tự sức mình không thể thoát khỏi sức mạnh cám dỗ của tội lỗi và hậu quả chính là sự thống trị của sự chết trên trần gian. Tuy nhiên, Ađam yếu đuối, tội lỗi, hay chết cũng lại là hình ảnh loan báo Đấng sẽ đến (x. Rm 5,14).

    Đức Giêsu Kitô dù cũng mang thân phận yếu đuối nhưng không hề phạm tội, vì Người hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Nhờ sự công chính của Người mà Thiên Chúa ban muôn vàn ân sủng dồi dào và cho con người được nên công chính, nghĩa là được sống (x. Rm 5,18). Như thế, nhờ hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, Đức Giêsu trở nên nguồn ân sủng và sự công chính làm cho muôn người được công chính hoá, nghĩa là thoát khỏi án phạt của tội lỗi mà được hưởng sự sống viên mãn.

    Đứng trước sự yếu đuối, bất tuân và tội lỗi của con người, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ để nhờ công phúc của Người, muôn người được cứu độ và được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa.

3. Bài Phúc Âm – Mt 4,1-11

    Hình ảnh Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ bởi ma quỷ đã đặt Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh phải chọn lựa: hoặc Thiên Chúa hoặc ma quỷ, hoặc trung tín hoặc bất tín, hoặc sự thiện hoặc sự ác.

    Satan ở đây cũng cùng một cách thức đã thực hiện đối với nguyên tổ Adam-Evà, tìm kiếm nhu cầu thâm sâu và chính đáng nhất của con người, khoét sâu vào nhu cầu đó, để dẫn họ đến quyết định bất tuân phục Thiên Chúa. Điều đặc biệt hơn trong lần này là: ma quỷ còn kết hợp cả với sự nghi ngờ về căn tính ‘Con Thiên Chúa’ nơi Đức Giêsu để cám dỗ Ngài.

1.Cám dỗ thứ nhất

 – Nhu cầu: Chúa Giêsu đang cảm thấy đói

 – Cám dỗ: nếu là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá thành bánh

 – Lý luận của Chúa Giêsu: không chỉ có cơm bánh nhưng sự sống của con người còn nhờ vào Lời Chúa

2.Cám dỗ thứ hai

 – Nhu cầu: sự thái quá hay bất cập nơi lòng tín thác của con người

 – Cám dỗ: tách lời Chúa trong Tv 91,12 ra khỏi văn mạch (những ai nương tựa và núp bóng Thiên Chúa chắc chắc sẽ được Ngài che chở giữ gìn – x. Tv 91,1) để biến thành một lời cám dỗ: nếu là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi, Chúa sẽ che chở giữ gìn!

 – Lý luận của Chúa Giêsu: Chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (Đnl 6,16)

3.Cám dỗ thứ ba

 – Nhu cầu: tất cả các nước và vinh hoa phú quý

 – Cám dỗ: được tất cả để chỉ phải làm một điều: bái lạy ma quỷ

 – Lý luận của Chúa Giêsu: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người (Đnl 6,13).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. ‘Ngày nào các ngươi ăn trái cây ấy… các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh’. Cơn cám dỗ muốn giống như Thiên Chúa để có khả năng tự mình phân định tốt xấu, đúng sai đã dẫn nguyên tổ đi tới chỗ bất tuân phục Thiên Chúa. Cơn cám dỗ ấy vẫn còn nguyên giá trị cho con người thời đại: khát vọng sống một thế giới mà ‘Thiên Chúa đã chết’, một thế giới không còn bóng dáng của Thiên Chúa, một thế giới mà con người trở nên thiên chúa của chính mình vẫn luôn là một cám dỗ thật hấp dẫn cho mỗi người chúng ta hôm nay.

2. ‘Nhờ sự tuân phục của một người duy nhất, mà muôn người sẽ được trở nên công chính’. Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh: nếu sự tuân phục của Chúa Giêsu thật quan trọng bao nhiêu, thì sự bất tuân phục của nguyên tổ thật nghiêm trọng dường nào. Như thế thái độ tuân phục Thiên Chúa và thi hành giới luật của Ngài chính là chìa khoá làm cho người Kitô hữu trở nên công chính. Mùa chay chính là thời gian thuận tiện để mỗi chúng ta thực thi thái độ tuân phục này một cách trọn hảo.

3. ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và phải thờ phượng một mình người mà thôi’. Nếu ‘bái lạy chỉ một mình Thiên Chúa’ chính là thái độ nền tảng của dân giao ước, thì ‘bái lạy chỉ một mình Thiên Chúa’ cũng là một thách đố khôn nguôi cho những ai xưng mình là dân riêng của Ngài. Lịch sử cứu độ cho thấy không ít lần dân Israel đã rời bỏ Thiên Chúa để bái lạy những vị thần khác, chỉ vì một ít thoả mãn thấp hèn và chóng qua. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha lưu ý: “Nếu chúng ta nghe theo tiếng nói quyến rũ của “cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), chúng ta có nguy cơ rơi vào vực thẳm vô nghĩa, và sống cảnh địa ngục ngay ở đây trên trái đất này” (số 1). Đây có phải là kinh nghiệm của chính mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện tại?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để thanh luyện và củng cố đời sống Kitô hữu, qua việc hoán cải trở về sống thân tình với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em. Với ước muốn và quyết tâm sống trọn vẹn Mùa Chay thánh, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội thánh luôn biết lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hầu đứng vững trước mọi cám dỗ và khó khăn thử thách của thời đại.

2. “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang cậy dựa vào tiến bộ khoa học nhằm chối bỏ hay loại trừ Thiên Chúa, được ơn khôn ngoan đích thực, để nhận biết giới hạn của những thực tại trần thế mà đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.

3. Sự chết là hậu quả do tội lỗi của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu khi đối diện với dịch bệnh, biết ý thức sự mong manh của phận người, thành tâm sám hối tội lỗi của cá nhân hay tập thể, và quyết tâm thay đổi cuộc sống, luôn quy hướng về Thiên Chúa là cùng đích cuộc đời.

4. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta biết khích lệ nhau trong bổn phận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, luôn quan tâm giáo dục đức tin và nêu gương sáng cho thế hệ trẻ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhìn đến chúng con đang tin tưởng dâng lời cầu xin, mà ban ân huệ Thánh Thần giúp chúng con gặt hái thật nhiều hoa trái thiêng liêng trong Mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Ban MVPT TGP