Thứ Ba, 25.02.2020 – Khiêm nhường, chìa khoá của bình an
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9,35)
Thứ Ba, 25.02.2020 – Khiêm nhường, chìa khoá của bình an
Tuần VII Mùa Thường Niên.
Gc 4,1-10 • Tv 54,7-8.9-10a.10b-11a.23 • Mc 9,29-36
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa: Khiêm nhường, chìa khoá của bình an
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9,35)
Trước hết, Thánh Giacôbê đưa ra một thực trạng phổ biến của con người đó là xung đột nội tâm. Theo sách Sáng Thế, Adam và Evà đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, và phạm tội dẫn đến sự xáo trộn trật tự luân lý trong con người. Thánh Phaolô nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” Tin Mừng Marcô nêu lên vấn đề làm Đức Giêsu phiền lòng đó là sự tranh giành quyền lực. Cuộc xung đột trong nội bộ các Tông đồ phát xuất từ tâm tính của con người.
Thư Giacôbê chỉ cho chúng ta ba nguyên nhân dẫn đến xung đột nội tâm đó là sự khoái lạc, tham lam và ganh tỵ. Muốn giảm bớt những khuynh hướng này, Thánh Giacôbê mời gọi mọi người hãy sống khiêm nhường. Thấu hiểu và đồng cảm với người khác là của khiêm nhường. Nhìn nhận mình yếu đuối, bất toàn và hạn chế so với Thiên Chúa, Đấng làm chủ mọi sự, là đỉnh cao của khiêm nhường.
Việc tập có một tâm hồn đơn sơ, hồn nhiên và trong trắng như trẻ thơ chính là sống đức khiêm nhường – đón nhận Chúa và để Ngài làm chủ: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Lm. Nguyễn Văn Khai
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tham lam, lạc thú và ganh tỵ.
Quyết tâm: Lấy Chúa là Điểm Tựa Quyền Năng của đời con.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt