27/01/2025

Nữ tiến sĩ gốc Việt dùng tơ tằm trị bệnh

Nữ tiến sĩ gốc Việt dùng tơ tằm trị bệnh

Sau nhiều năm nghiên cứu, nữ tiến sĩ Anh Hoang ra mắt sản phẩm protein tơ tằm để điều trị liệt dây thanh âm.
Nghiên cứu chiết xuất protein trong tơ tằm tại phòng thí nghiệm Đại học Tufts (ảnh trái); Sản phẩm Silk Voice	 /// Ảnh: TU - Sofregen

Nghiên cứu chiết xuất protein trong tơ tằm tại phòng thí nghiệm Đại học Tufts (ảnh trái); Sản phẩm Silk Voice   Ảnh: TU – Sofregen
Tiến sĩ Anh Hoang, nhà đồng sáng lập – trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty Sofregen ở TP.Boston (Mỹ), là chuyên gia về công nghệ y khoa, thành danh với sản phẩm protein chiết xuất từ tơ tằm. Được trao giải thưởng 40 Nhà phát minh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dưới 40 tuổi ở Boston, cô trở thành người phụ nữ thành công hiếm hoi trong ngành công nghệ y khoa vốn do nam giới thống lĩnh.

Tơ tằm – từ dệt lụa đến chữa bệnh

Liệt dây thanh âm

Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi – Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM), dây thanh âm gồm hai nếp cơ nằm ngay vị trí lối vào của đường thở. Khi phát âm, hai nếp cơ khép lại chạm nhau ở đường giữa, rung lên và tạo ra âm thanh. Trong thì nghỉ, chúng ở vị trí mở ra và lúc này bạn có thể thở vào được. Liệt dây thanh âm xảy ra khi thần kinh chi phối cơ quan phát âm bị gián đoạn, gây liệt các cơ của dây thanh. Dây thanh âm bị liệt còn ảnh hưởng tới khả năng nói và thở. Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thanh âm như phẫu thuật gây tổn thương thần kinh, ung thư, do vi rút hoặc rối loạn thần kinh.
Hiện nay, việc điều trị liệt dây thanh âm gồm điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng, điều trị giọng nói và điều trị phẫu thuật. Điều trị giọng nói bao gồm tập luyện để làm tăng cường sức mạnh của dây thanh âm, tăng cường khả năng thở trong khi nói, ngăn chặn sự căng cơ xung quanh phần dây bị liệt và bảo vệ đường thở trong khi nuốt. Phẫu thuật có thể cải thiện được khả năng nuốt, nói và thở.
Nguyên Mi

Tơ tằm thường được biết đến là vật liệu dùng để dệt lụa. Sản phẩm y tế đầu tiên làm từ tơ tằm là chỉ khâu vết thương do Hãng Johnson & Johnson sản xuất vào năm 1887. Tuy nhiên, tiến sĩ Hoang đã phối hợp với nhóm chuyên gia Đại học Tufts phát triển ứng dụng mới của tơ tằm trong y học.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, tiến sĩ Hoang cho biết: “Sau khi chiết xuất thành công protein tơ tằm thành dạng lỏng, chúng tôi phát triển sản phẩm dạng tiêm giúp tái tạo mô chết trên da”. Một sản phẩm protein tơ tằm của Sofregen đã được sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 2018, giúp tái tạo mô da chết cho binh sĩ có vết thương trên mặt hoặc chấn thương phần mềm khác.
“Nhận thấy loại vật liệu mới này có thể giúp tái tạo mô chết, tôi tiếp tục phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng protein tơ tằm trong điều trị liệt dây thanh âm và tạo ra sản phẩm Silk Voice”, tiến sĩ Hoang nói.
Sản phẩm Silk Voice đã được cấp bằng sáng chế và được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cuối năm 2019. Tiến sĩ Hoang cho biết Silk Voice giúp tái tạo mô dây thanh âm trong thanh quản để cải thiện giọng nói của bệnh nhân bị liệt dây thanh âm.
“Liệt dây thanh âm khiến bệnh nhân mất một phần hoặc toàn bộ giọng và nguyên nhân là do chấn thương, phẫu thuật, bệnh lý khác hoặc lão hóa”, theo tiến sĩ Hoang. Kết quả khảo sát gần đây của Đại học Tufts cho thấy chỉ có 3% bệnh nhân ở Mỹ bị liệt dây thanh âm được điều trị, điều này cho thấy nhu cầu lớn chưa được đáp ứng. Hiện nay các bác sĩ chỉ có phác đồ điều trị, bao gồm phẫu thuật xâm lấn hoặc cấy mô mỡ.
“Tuy nhiên, Silk Voice có thể cung cấp cho các bác sĩ một giải pháp xâm lấn ở mức thấp nhất. Sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường Mỹ cuối năm nay, dưới dạng ống tiêm và ống thông sử dụng một lần”, tiến sĩ Hoang cho biết.
Nữ tiến sĩ gốc Việt dùng tơ tằm trị bệnh

Tiến sĩ Anh Hoang  Ảnh: NVCC

Biết ơn cha mẹ

Trước khi sáng lập công ty khởi nghiệp Sofregen, cô Hoang đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard chuyên phát triển công nghệ chẩn đoán, sàng lọc nhanh mẫu máu để sớm phát hiện tế bào của những loại bệnh ung thư hiếm.
Ngoài công việc ở Sofregen, Hoang còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Đại học Tufts. Cô đồng thời hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ tư vấn khởi nghiệp và được mời làm diễn giả truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y khoa.
“Công việc nghiên cứu, giảng dạy và điều hành công ty đôi khi rất căng thẳng nhưng tôi đam mê và đặt ưu tiên hàng đầu. Tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều phụ nữ thành công, trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vốn do nam giới thống lĩnh”, tiến sĩ Hoang chia sẻ.
Để đạt được những thành công trong sự nghiệp, ngoài nỗ lực hết mình, tiến sĩ Hoang cho biết cô may mắn được cha mẹ tạo mọi điều kiện để cô vào đại học danh tiếng Harvard. “Cha đăng ký cho ba anh em tôi học tin học và chơi cờ từ lúc mới học lớp 1. Từ bé, chúng tôi đã đi thi đấu cờ vua. Nhờ những định hướng của cha, ba anh em đều có nghề nghiệp liên quan đến khoa học tự nhiên”, tiến sĩ Hoang cho hay.
“Chúng tôi cảm thấy quá diễm phúc khi có cha mẹ người gốc Việt luôn ưu tiên chuyện học hành của con cái”, nhà nữ khoa học tự hào.
PHÚC DUY
TNO