24/01/2025

Chúa Nhật VII TN A 2020: Nên thánh bằng tình yêu

“Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo bằng đời sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong mọi việc mình làm, ở mọi nơi mình sống”

Chúa Nhật VII TN A 2020

Nên thánh bằng tình yêu

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay trình bày lời Chúa mời gọi ta nên thánh, nên hoàn thiện bằng tình yêu: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi là Đấng Thánh” (Lv 19,1). “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhưng thánh thiện, hoàn thiện là gì? Có thể đạt được không? Và đạt được bằng cách nào?

1. Thánh thiện – hoàn thiện là gì?

ĐTC Phanxicô, vào ngày 19/3/2018, đã gửi cho tín hữu chúng ta một tông huấn có tên là Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) để trình bày về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Tông huấn có 177 số, chia thành 5 chương, giới thiệu lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thiết thực cho thời đại chúng ta, một thời đại có nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội. Đọc và suy niệm tông huấn, ta sẽ thấy việc trở nên thánh thiện, hoàn thiện vừa là một ơn gọi đầy ân huệ của Chúa, vừa là một sứ mệnh trong tầm tay của mỗi người, đồng thời vừa mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho những ai quyết tâm thực hiện ơn gọi đó.

Thánh thiện không phải là biến đổi để trở nên người hiểu biết rộng, có phẩm chất đạo đức cao, vượt lên hẳn người cùng thời, như Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Lão Tử, hay người có công to lớn trong lịch sử, được tôn thờ ở đền chùa như Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hoặc trở thành Đấng tạo ra trời đất, chúa tể muôn loài theo một số tôn giáo như Đức thánh Allah của đạo Hồi. Thánh thiện chính là phát huy được bản chất tốt đẹp của mỗi con người trong hoàn cảnh độc đáo của lịch sử, vì từng người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Sống đúng phẩm giá cao quý của con người là ta thành thánh, vì Chúa là Đấng Thánh.

Chúa Giêsu hôm nay còn xác định rõ ràng hơn: đó là trở nên hoàn thiện. Nhưng hoàn thiện không phải là “biến đổi thành tốt và đầy đủ, đến  mức thấy không cần phải làm gì thêm nữa” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, Mục từ Hoàn thiện, NXB Đà Nẵng, tr.582). Cho đến phút cuối cùng của đời người, chúng ta vẫn phải khiêm tốn nhận rằng mình yếu đuối, thiếu sót, vẫn còn bị những tham vọng, dục vọng chi phối, nên không thể gọi là hoàn thiện được. Như thế chỉ có Chúa mới là hoàn thiện, còn ta chỉ cố gắng trở nên hoàn thiện mà thôi. Văn sĩ Locke nói một câu rất hay rằng: “Hoàn thiện là luật của Trời, tiến đến hoàn thiện là luật của người”.

2. Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo

Đọc hạnh các thánh trong dòng lịch sử, ta thấy nhiều vị thánh có những gương sáng anh hùng, làm được nhiều điều kỳ diệu, kết hợp đặc biệt với Chúa khi cầu nguyện đến nỗi khuôn mặt toả sáng, thân hình bay bổng lên cao, tác động đến vạn vật như cây cối, chim muông, thú dữ… Rồi nghĩ đến con người tầm thường, đầy tội lỗi của mình, ta lại thấy ơn gọi nên thánh không phải dành cho ta, mà chỉ cho một ít người đặc biệt nào đó trong Hội Thánh.

ĐTC nhắn nhủ rằng: “Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện dường như không thể đạt đến được đó. Một số chứng cớ có thể hữu ích và gợi hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép cuộc đời của các thánh nhân đó nơi ta, vì mỗi người nên thánh bằng mỗi cách khác nhau” (Tông huấn, số 11). Không thể có hai thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay Gioan Bosco cùng được tôn vinh trên bàn thờ! Điều này thúc đẩy mỗi người dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và đón nhận kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa tiền định cho chúng ta từ muôn thuở. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi” (Gr 1,5; TH, số 13).

Tuy nhiên, vì đây là lời mời gọi của Chúa (x. Lv 11,44; 1Pr 1,16), nên chính Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ ban cho ta đầy đủ ân huệ để có thể thực hiện điều này như CĐ.Vaticanô II đã tuyên bố rõ ràng ở số 11 của Hiến chế Lumen Gentium: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (Tông huấn, số 10 ).

3. Đạt được bằng cách nào?

“Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo bằng đời sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong mọi việc mình làm, ở mọi nơi mình sống” (Tông huấn, số 14).

Bài đọc I (x. Lv 19,1-2.17-18) xác định: “thánh thiện là không để lòng ghét người anh em, không trả thù, không oán hận nhưng yêu đồng loại như chính mình”. Bài Tin Mừng (x. Mt 5,38-48) còn xác định rõ hơn: hoàn thiện là không đánh trả người ác, hành động quảng đại để cho đi hơn cả cái họ đòi hỏi, thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình. Hành dộng như thế không phải là nhu nhược, hèn yếu, nhưng là yêu thương như Cha Trên Trời đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương… Chúng ta yêu thương tất cả vì mỗi người đều là con cái của Ngài. Khi yêu thương cách quảng đại, trong sáng, trọn vẹn như thế là ta trở nên thánh thiện như Thiên Chúa, vì Ngài là tình yêu và Đức Giêsu là Con Một Ngài dạy ta yêu thương như vậy. Những bác sĩ, y tá, điều dưỡng dám hy sinh mạng sống của mình để cứu giúp các bệnh nhân trong cơn đại dịch viêm phổi do virus Covid-19 là những vị thánh sống của thời đại hôm nay.

Trong chương II của Tông huấn, ĐTC Phanxicô giải thích cho ta hiểu hai khuynh hướng sai lầm về thánh thiện mà ngài gọi là thuyết Ngộ Đạo đương đại và thuyết Pêlagiô ngày nay. Có hai thuyết này có mặt ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, bị lên án nhưng vẫn tồn tại và tác động âm thầm nơi tín hữu, khiến họ hiểu sai về sự thánh thiện đích thực. Thuyết Tân Ngộ Đạo nhấn mạnh đến thành quả của lý trí với những hiểu biết, nhận thức, cảm nhận nào đó về các mầu nhiệm, kinh nghiệm nhất định, rồi đóng kín và xem thường các mầu nhiệm khác. Thí dụ: như xác tín về Chúa Thánh Thần, về đức nghèo khó theo thánh Phanxicô, về tinh thần thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêsa… là tuyệt vời nhất. Thuyết Tân Pêlagiô lại quan tâm đến ý chí với hành động cụ thể nào đó và chối bỏ hay khinh chê hoạt động suy tư của lý trí và các hpạt động khác. Thí dụ: người ta coi việc tôn sùng lòng thương xót của Chúa là đủ để cứu độ, xem việc săn sóc bệnh nhân của dòng thánh Gioan Thiên Chúa là việc bác ái lớn lao nhất… (x. TH, số 36-62).

Vì thế, Đức Thánh Cha dạy rằng: muốn nên thánh thiện ta hãy học với Chúa Giêsu, là Đấng Thánh của Thiên Chúa và là tôn sư của con người, để thực hành Tám mối phúc của Người. Sống theo các mối phúc đó như: tinh thần nghèo khó, hiền hoà, sầu khổ, khao khát công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, xây dựng hoà bình, sẵn sàng chịu bị bách hại, dường như có vẻ lội ngược dòng với con người trong xã hội hôm nay, nhưng thật sự là con đường dẫn tới sự hoàn thiện tuyệt vời (x. TH, số 63).

Điểm đặc biệt của sự thánh thiện hoàn hảo được ĐTC nhấn mạnh là niềm vui (x. TH, số 122-128), mà Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, khơi dậy trong ta (x. Rm 14,17), vì con người chúng ta là đền thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong ta, như Bài đọc II (x. 1Cr 3,16-23) nhắc đến. Niềm vui và hân hoan là đặc điểm của thánh thiện và cũng là tên gợi nhớ của Tông huấn. Vì thế, nếu chính mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chưa cảm thấy vui mừng, hoan lạc trong cuộc sống, ta nên tìm hiểu xem mình đang thiếu sót gì trong ơn gọi thánh thiện này.

Lời kết

Ôn lại vài điểm về ơn gọi nên thánh để hiểu rằng sự thánh thiện không còn là một đích điểm xa vời hay kết quả vĩ đại, mà ta đang cố đạt tới. Nhưng đó là ơn gọi và sứ mệnh được ta thể hiện trong đời sống thường ngày.

 

HKK