Mekong: Khó mong nước từ Trung Quốc
Mekong: Khó mong nước từ Trung Quốc
Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ năm ở Lào, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hứa ‘tăng thêm nước’ xuống hạ nguồn chống hạn.
Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ năm đã diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào ngày 20-2, với thông cáo báo chí chung của hội nghị và các bộ trưởng ngoại giao của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao MLC lần thứ ba tại Lào trong năm 2020.
Tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong đòi hỏi các nước ven sông phải có hành động quyết liệt để bảo đảm sự phát triển bền vững của dòng sông.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Nhiều thống nhất trên bàn hội nghị
Các bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường sự gắn kết, bổ trợ của MLC với các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mekong (MRC) và Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawadi – Chao Phraya – Mekong (ACMECS).
Đối với hợp tác nguồn nước, các bộ trưởng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, đẩy mạnh hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác MLC, đồng thời nhấn mạnh cơ chế này cần góp phần củng cố sự phối hợp giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và đem lại lợi ích dài lâu cho người dân.
Lời hứa của Trung Quốc
Một thông tin đáng chú ý tại hội nghị lần này là lời hứa hỗ trợ từ đầu nguồn của Trung Quốc được truyền thông thế giới dẫn lại. Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cả khu vực hạ nguồn Mekong bị ảnh hưởng của hạn hán nặng là do mưa ít chứ không phải Trung Quốc tích nước ở các đập thủy điện trên Lan Thương (cách Trung Quốc gọi tên dòng Mekong chảy trên lãnh thổ của mình) và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng từ tình trạng mưa ít.
Nhưng ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc “đã vượt qua khó khăn” nên sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn. “Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác trong khuôn khổ LMC nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững” – ông Vương nói.
Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố tăng thêm nguồn nước cho sông Mekong, PGS.TS Lê Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) – cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông Tuấn, hồi năm 2016, Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây mà nước còn không tới được ĐBSCL của Việt Nam, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.
“Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được ĐBSCL cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi” – ông Tuấn nhận định.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ) cũng cho rằng khu vực ĐBSCL cũng sẽ không “thụ hưởng” được nguồn nước từ Trung Quốc. Theo ông Vinh, trước đây có thời điểm mặn xâm nhập sâu vài chục cây số ở ĐBSCL thì dòng chảy đo được ở trạm Châu Đốc và Tân Châu còn hơn 1.200m3/giây, trong khi Trung Quốc xả với lưu lượng 850m3/giây mà cách hàng ngàn cây số mới tới ĐBSCL, việc có nước ở ĐBSCL từ việc xả này là không thể.
Ông Vinh cũng cho biết qua nhiều năm theo dõi có ghi nhận hiện tượng Trung Quốc xả đập thủy điện (có năm nhiều, có năm ít) sau Tết Nguyên đán hằng năm (khoảng tháng 2 dương lịch). Nhưng ông vẫn chưa rõ lý do xả nước này từ nước láng giềng.