Điều gì xảy ra khi bạn ăn thực phẩm bị cháy khét?
Điều gì xảy ra khi bạn ăn thực phẩm bị cháy khét?
Khi chế biến các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như tinh bột, ngũ cốc sẽ khó tránh khỏi bị cháy khét. Một vấn đề không ít người quan tâm là liệu ăn những món này có gây hại gì cho sức khoẻ không?
Tinh bột, ngũ cốc được chế biến ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như chiên hay nướng, sẽ bị khét. Khi đó, đường phản ứng với một loại a xít amin tự nhiên có trong thực phẩm sẽ sản sinh ra chất có tên là acrylamide, theo MSN.
Ung thư
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ cao acrylamide có liên quan đến ung thư trên các động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý là hàm lượng acrylamide được sử dụng trong thí nghiệm lớn hơn nhiều so với những gì có trong các loại thực phẩm con người hay ăn.
Hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa xác định được ngưỡng tối đa cần khuyến nghị với acrylamide. Tuy nhiên, FDA vẫn đang tích cực nghiên cứu về tác động của hóa chất này đến cơ thể.
Dù chất acrylamide có liên quan đến ung thư nhưng các chuyên gia không khuyến cáo là tuyệt đối không được ăn bánh mì nướng hay khoai tây chiên bị khét. Việc này là không cần thiết, theo MSN.
Do con người ăn nhiều thực phẩm chứa tinh bột nên cũng có nhiều món bị khét mà chúng ta thường xuyên ăn. Việc loại bỏ một món nào đó như bánh mì, khoai tây là không tạo ra được tác động gì đáng kể.
Cách giảm hàm lượng acrylamide
FDA chỉ đưa ra các hướng dẫn để giúp giảm hàm lượng acrylamide mà mọi người có thể ăn. Ví dụ, khi nướng bánh mì hay chiên khoai tây, chúng nên được lấy ra khi có màu nâu nhạt, tránh để quá lâu mà chuyển sang màu nâu sẫm.
Nếu chiên khoai tây thì không nên bảo quản khoai trong tủ lạnh vì có thể làm tăng nguy cơ hình thành acrylamide khi chiên. Thay vào đó, hãy bảo quản khoai ở nơi tối, mát mẻ như trong tủ bếp.
Hãy giảm ăn các món chiên, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây, rau củ tươi. Cách ăn này giúp hạn chế được cả chất acrylamide và dầu mỡ, theo Daily Mail.
NGỌC QUÝ
TNO