24/12/2024

Chúa Nhật VI TN A 2020: Tôi chọn tự do để yêu thương

Trong đời sống tín hữu, chúng ta thường bị giằng co giữa hai thái độ: thái độ cố gắng tuân giữ thật kỹ những luật lệ để an tâm và thái độ tự do, vượt qua những luật lệ, để yêu thương. Có những lúc chúng ta không biết nên chọn thái độ sống nào cho thích hợp, theo đúng ý Chúa.

Chúa Nhật VI TN A 2020

Tôi chọn tự do để yêu thương

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong đời sống tín hữu, chúng ta thường bị giằng co giữa hai thái độ: thái độ cố gắng tuân giữ thật kỹ những luật lệ để an tâm và thái độ tự do, vượt qua những luật lệ, để yêu thương. Có những lúc chúng ta không biết nên chọn thái độ sống nào cho thích hợp, theo đúng ý Chúa.

1. Thái độ giữ luật cho an toàn

Chúng ta là những con người yếu đuối thường bị những tham vọng và dục vọng chi phối, bị ma quỷ cám dỗ, nên rất cần những luật lệ để giới hạn tự do của con người, không để cho mình chiều theo tham vọng, dục vọng, cũng như đủ khôn ngoan để khám phá ra mưu ma chước quỷ. Thí dụ ta thích nghe nhạc, nhưng không thể mở âm thanh quá to để khỏi phiền lòng hàng xóm. Vì thế, cộng đồng nào, tổ chức nào, xã hội nào cũng đặt ra những luật lệ để bảo đảm sinh hoạt chung được ổn định, hài hoà.

Ngày nay hầu như tất cả các quốc gia văn minh đều có hiến pháp như là bộ luật căn bản. Rồi căn cứ vào hiến pháp đó, người ta xây dựng những bộ luật thấp hơn, chi tiết hơn về các lĩnh vực khác nhau như dân sự, hình sự, thương mại, giao thông…Giáo hội Công giáo là một cộng đồng lớn nên cũng phải có những bộ luật quy định như thế.

Cách đây hơn 2000 năm, trong khi các dân tộc lập ra tôn giáo để tôn thờ các sức mạnh tự nhiên như núi sông, gió bão, thú vật, mặt trời… và tạo nên những tượng thần bằng gỗ đá, vàng bạc, thì dân Do Thái được Thiên Chúa mạc khải đã biết tôn thờ Chúa là tinh thần tuyệt đối và tin tưởng Ngài là chúa tể của toàn thể vũ trụ. Qua “ông Môsê và các tiên tri”, Chúa đã mạc khải cho họ “Mười điều răn” và cách quản trị đất nước bằng các luật lệ. Đó là bộ luật hết sức tốt đẹp để giúp con người sống ngay chính và đạo đức. Sau này, các dân tộc văn minh như Hy Lạp và La Mã đã xây dựng những hệ thống pháp lý chặt chẽ để bảo đảm cho đời sống chung được phát triển hài hoà.

Giáo hội Công giáo cũng có những bộ luật. Chúa Giêsu nói với người Do Thái cũng như với chúng ta ngày nay rằng: “Người đến không phải để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các tiên tri, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Mười Điều Răn của Cựu Ước được kiện toàn bằng Tám Mối Phúc Thật của Tân Ước. Chúa Giêsu và những vị lãnh đạo Giáo Hội cũng thiết lập những luật lệ khác nữa. Bộ luật mới nhất của Giáo Hội Công giáo là Bộ Giáo luật được công bố năm 1983, có 1.752 điều khoản. Những người lãnh đạo cộng đồng, như các linh mục, phải học hỏi để giúp cộng đồng tuân giữ cho đúng. Thí dụ: khi dâng thánh lễ, bộ luật phụng vụ quy định phải mặc lễ phục gì, đọc bản kinh nào, cử chỉ làm sao v.v…. Nếu ta cố gắng giữ đúng những quy định, sinh hoạt của cộng đồng sẽ rất ổn định.

Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy hầu hết tín hữu đều quan tâm đến luật lệ phải tuân giữ và dựa vào tiêu chuẩn đó để đánh giá chất lượng đời sống đạo đức. Nhưng thái độ này có thể dẫn đến óc nệ luật mà không chú ý đến con người, đến tình yêu và lòng thương xót. Thí dụ có những đôi hôn nhân khóc hết nước mắt, để xin một linh mục cho phép tổ chức lễ cưới sớm hơn, vì bào thai trong bụng cô dâu mỗi ngày một lớn, không thể học đủ 3,4 tháng giáo lý hôn nhân. Linh mục phải căn cứ vào những luật hôn phối để bảo đảm cho cuộc hôn nhân được hợp pháp.

Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta hôm nay “phải giữ từng chấm, từng phết” trong bộ luật, nghĩa là rất cặn kẽ và chi tiết, nhưng Người lại nói thêm rằng: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

2. Tinh thần tự do để yêu thương

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không phải chỉ giữ kỹ luật lệ như luật sĩ và người biệt phái, mà còn sống công chính hơn họ, bởi vì chúng ta là công dân của Nước Trời, “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình”. Vậy chúng ta giữ luật theo tinh thần nào?

Chúa Giêsu tóm tắt tất cả luật lệ của Cựu Ước vào trong một giới răn duy nhất: “Mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và yêu tha nhân như chính mình” (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Như thế chỉ còn một bộ luật của tình yêu. Còn bộ luật mới của Tân Ước được Người kiện toàn cũng chỉ có một điều răn duy nhất là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 13,34; 15,12). Ta cần nhìn vào chính Chúa Giêsu và yêu thương như Người thì mới có thể giữ trọn bộ luật này. Vì vậy, tình yêu như Chúa Giêsu là tinh thần của toàn thể lề luật. Thánh Gioan cũng nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa” (x. 1Ga 4,7-8. 16) và thánh Phaolô cũng xác nhận: “Ai yêu thương là giữ trọn lề luật” (x. 1Cr 13,8.10).

Khi yêu thương, chúng ta trở thành những con người tự do: tự do để chọn hành động là tuân giữ hay không những luật lệ của Thiên Chúa cũng như của con người và lựa chọn cả cách thế hành động để biểu lộ tình yêu.

Bài đọc I (x. Hc 15,15-20) diễn tả tự do đó: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn…Trước mặt con người là cửa sinh, cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó… Thiên Chúa để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện”. Khi hiểu được tinh thần của luật mới là tình yêu, chúng ta không còn được câu nệ vào những con chữ của lề luật, để ép mình hay người khác phải tuân giữ từng chi tiết, nhưng phải mở rộng tâm trí để suy đoán những đòi hỏi của tình yêu trong từng trường hợp của đời sống.

Đây là công việc đòi hỏi tốn thêm công sức để suy đoán, đòi hỏi can đảm để thực hiện, đòi hỏi cả liều lĩnh để chấp nhận hậu quả bất lợi cho mình, khi bị cộng đồng lên án theo nguyên tắc “xấu đều hơn tốt lỏi” của người Việt từ ngàn xưa. Chính vì thế, đa số tín hữu tìm sự an toàn bằng cách hành động theo thói quen của luật lệ hơn là chọn hành động theo tự do. Nhưng chỉ khi hành động theo tình yêu như Chúa Giêsu, chúng ta mới xứng đáng là những người con tự do của Thiên Chúa: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1).

Muốn thể hiện được sự tự do để yêu thương này, chúng ta rất cần ơn khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần ban cho các “tín hữu trưởng thành” (1Cr 2,6), được thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc II (x. 1Cr 2,6-10) “vì Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa”. Nhiều tín hữu, dù đã lớn tuổi và học hỏi rất nhiều, nhưng vẫn chưa trưởng thành trong tình yêu để hành động theo tự do. Họ sợ tự do sẽ dẫn tới những lạm dụng để sống theo tính xác thịt (x. Gl 5,13-25), nên thích sống công chính theo kiểu an toàn giữ luật của người biệt phái và kinh sư Do Thái, hơn là yêu đến cùng của người môn đệ Đức Giêsu.

Một khi đã hiểu mình là con cái của Cha trên trời và mọi người là anh chị em ruột thịt của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa, ta mới hiểu rằng tình yêu như Đức Giêsu không những ngăn cản ta giết người, ngoại tình, ly dị, thề thốt cho người ta tin tưởng, mà còn cấm ta không được giận dữ, chửi bới, gây bất hoà, thèm muốn theo dục vọng, ngược đãi vợ con, nói thêm nói bớt như Chúa Giêsu dạy ta trong bài Tin Mừng (x. Mt 5, 17-37).

Lời kết

Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình trong mỗi tư tưởng, lời nói, hành động xem có phải là tình yêu như Đức Giêsu, người đã yêu cho đến chết trên thập giá không?

 

HKK