Chúa Nhật VI TN A: Đức Giêsu Kitô – Đấng kiện toàn lề luật
Trong phần đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định sự thật này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – A
(Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)
ĐỨC GIÊSU KITÔ – ĐẤNG KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu,
thì sẽ chẳng được vào Nước trời” (Mt 5,20)
CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Hc 15,15-20)
Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ (Hc 6,36). Lời mời gọi này có thể đã được Ben Sira dạy dỗ các môn sinh của mình tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ III và đầu thế kỷ II TCN. Mặc dù đang bị hấp dẫn bởi những giá trị rất quyến rũ của nền văn hoá Hy Lạp, nhưng Ben Sira luôn chỉ dạy các môn sinh con đường của sự sống, dạy cho họ sống luật Torah, được xem như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Với Ben Sira, trước mặt mỗi người là cửa sinh tử, là lửa và nước; vì thế con người có tự do và trác h nhiệm trong việc làm của mình, bởi nó có thể xây dựng hay phá huỷ cuộc sống mình. Với những quyết định ngu xuẩn, lỗi không thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi điều tốt đẹp, nhưng chính là do con người. Và như thế, Ben Sira đã hướng các môn sinh của mình bước đi trên nẻo đường của giới luật Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2 (1Cr 2,6-10)
Tại Côrintô lúc bấy giờ có những kẻ đã tự hào và khoe khoang về sự khôn ngoan của mình, và rao giảng về tin mừng đậm chất duy lý theo kiểu những triết gia lúc bấy giờ. Thánh Phaolô đã nghiêm khắc quở trách sự khôn ngoan theo kiểu thế gian này. Đối với họ, chỉ có những kẻ “điên khùng” mới có thể liều mình đón nhận lời mời gọi trở nên môn đệ của một kẻ chịu xử hình như Đức Giêsu.
Tuy vậy, theo thánh Phaolô, vẫn còn có một kiểu khôn ngoan Kitô giáo không thuộc thế giới này, mà thuộc thượng giới, dành cho những người “trưởng thành” (c. 6), và nhờ Thần Khí, sự khôn ngoan này như chính là mạc khải của mầu nhiệm Thiên Chúa (c. 10).
Dựa trên lời của ngôn sứ Isaia (Is 64,3), thánh Phaolô đã mô tả sự ngạc nhiên của những người may mắn kín múc mầu nhiệm này: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (c. 9).
3. Bài Tin Mừng (Mt 5,17-37)
Hỡi Israel, chúng ta có phúc dường nào, vì được biết những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa! (Br 4,4). Với những lời này, Barúc bày tỏ niềm kiêu hãnh của dân Israel và sự tín thác của họ vào Đức Chúa, Đấng đã chỉ dạy cho Israel “con đường khôn ngoan” (Br 3,27) trong kinh Torah, trong “huấn giới của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật” (Br 4,1).
Là một công trình của Thiên Chúa, kinh Torah đối với người Do Thái không thể bị phủ nhận hay chối bỏ. Chính Đức Giêsu cũng khẳng định về điều này khi nói rằng “lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ” (Ga 10,35), bởi Thiên Chúa không thể chối bỏ những gì đã phán hứa với dân Người trong quá khứ. Vì thế, bước đường in dấu trên những trang Cựu Ước, đối với Chúa Giêsu, luôn có giá trị bất diệt.
Trong phần đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định sự thật này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Như thế, Chúa Giêsu luôn bày tỏ sự tôn trọng đối với giới Luật và các huấn lệnh mà Thiên Chúa ban cho Israel, nhưng cách giải thích của Chúa mang tính nguyên tuyền; tham chiếu của Chúa không phải là ‘duy tự’, nhưng là ích lợi của con người.
Vì yêu thương và bảo vệ con người, Chúa Giêsu không ngần ngại vi phạm luật giữ ngày Sabát, và điều này đã gây sự ngạc nhiên, thậm chí là thái độ giận dữ của giới chức lãnh đạo Do Thái giáo.
Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu gây nên sự bối rối cho họ, không hẳn do việc bỏ qua các giới luật của các thầy rabbi, nhưng chính yếu là do bởi sứ điệp của Chúa, là giới Luật mới, mà Người đã loan báo trên núi Bát Phúc; chính giới Luật mới này đã gây xáo trộn các giá trị nền tảng của thể chế chính trị và tôn giáo của Israel.
Luật xưa bảo: giết người là tội; còn Đức Giêsu bảo: Ai giận, ai mắng, ai chửi anh em mình thì đã mang tội rồi (21-26).
Luật xưa bảo: Ngoại tình là tội; còn Đức Giêsu bảo: Ai nhìn với lòng ước ao là tội rồi (27-30).
Luật xưa bảo: được phép rẫy vợ; còn Đức Giêsu bảo: người rẫy và người cưới đều phạm tội ngoại tình, và như thế là tội chết (31-32).
Luật xưa bảo: hãy giữ lời thề; còn Đức Giêsu bảo: đừng thề chi cả; có nói có, không nói không (33-37)
Vì thế, luật Torah được mạc khải cho ông Môsê trên núi Sinai năm xưa không phải là lời tối hậu của Thiên Chúa; nhưng chính trên ngọn núi Bát Phúc hôm nay, Đức Giêsu, vị Môsê mới, đã vừa khẳng định giá trị của luật xưa, nhưng cũng vừa kiện toàn giới Luật đó và mở ra một chân trời mới phi giới hạn, đó là sự hoàn thiện của Cha trên trời.
- GỢI Ý MỤC VỤ
Lý tưởng tôn giáo cao cả nhất của dân Do thái là tuân giữ và chu toàn luật Chúa, vì qua đó, con người hiện thực hoá thánh ý của Thiên Chúa. Vì thế, chiêm ngắm, chu toàn lề Luật là “gia nghiệp”, là “ánh sáng chỉ đường con đi”, là “khiên mộc chở che”, là “bình an” của con người (Tv 118).
Người Kitô hữu trước hết là môn đệ của Đức Giêsu, chứ không chỉ đơn giản là người chu toàn lề luật. Chính những người Pharisêu cũng là những người chu toàn Lề luật, nhưng vì theo cách tiểu tiết và duy tự, nên họ lại đánh mất toàn bộ tinh thần của Luật Chúa.
Yêu mến, trước tiên, không phải là ước muốn thực thi những điều mình muốn, nhưng là động lực để chúng ta phục vụ anh chị em mình, theo kế hoạch và thánh ý của Thiên Chúa.
Chính bởi điều này mà Chúa Giêsu đã đề cao những giá trị rất cụ thể và thiết thực như hoà giải, không nóng giận, không chửi mắng, miệt thị anh chị em mình… Là những người Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì để thực thi giới răn và thánh ý của Chúa trong đời sống của tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để mạc khải chân lý và kiện toàn lề luật. Với tâm tình tạ ơn và quyết tâm tuân giữ vẹn toàn điều Chúa truyền dạy, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu xin:
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, cách riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các Giám mục của chúng ta, luôn trung thành với giáo huấn của Đức Kitô và tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong khi thi hành sứ vụ.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang khao khát tìm kiếm chân lý và luôn sống theo lương tâm ngay lành, biết nhìn vào các dấu chỉ thời đại, để nhận biết và tin thờ một Thiên Chúa là nguồn mạch Chân-Thiện-Mỹ và là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người khi đương đầu với dịch bệnh Covid-19 biết vượt qua tính kỳ thị và óc vụ lợi, luôn ý thức bảo vệ bản thân và người chung quanh; cho các y bác sĩ đang phục vụ ở tuyến đầu có thêm nghị lực và nhiệt tình để phục vụ cộng đồng.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người và mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn biết tôn trọng sự thật và phẩm giá con người, hết lòng tuân giữ các giới răn của Chúa cách chân thành, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn hầu xứng đáng là công dân Nước Trời.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương chúc lành cho những ước nguyện của chúng con, cùng xin ban Thánh Thần để Người thúc đẩy và hướng dẫn chúng con luôn trung thành chu toàn mọi lề luật Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Ban MVPT TGP