24/12/2024

ĐHY Michael Czerny: Yêu quý miền Amazon và các dân tộc của nó để cứu trái đất

ĐHY Michael Czerny: Yêu quý miền Amazon và các dân tộc của nó để cứu trái đất

Đức Hồng y Thư ký đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon giới thiệu Tông huấn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn thành vào tháng 12 vừa qua và được ban hành hôm nay. Tông huấn chứa đựng 4 “ước mơ” lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với miền Amazon, bao gồm ước mơ về một Giáo hội truyền giáo có khuôn mặt của Amazon.

“Số phận của miền Amazon liên quan đến tất cả chúng ta, bởi vì mọi thứ được nối kết với nhau và ơn cứu độ của miền này và của các dân tộc bản địa của nó là nền tảng cho toàn thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với Vatican Media, Đức Hồng y Michael Czerny, Thư ký đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon, trình bày các nội dung chính yếu trong Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kính thưa Đức Hồng y, trước hết là về thời gian xuất bản văn bản này của Đức Giáo hoàng; ngài đã báo trước là nó sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay. Vậy có sự chậm trễ nào so với thời gian ngài đã đề cập không?

– Trong bài phát biểu khi bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha đã nói: “Một lời của Đức Giáo hoàng về những gì ngài đã trải nghiệm trong Thượng hội đồng giám mục có thể tạo nên điều gì đó tốt đẹp. Tôi muốn nói điều đó trước cuối năm nay, để không quá nhiều thời gian trôi qua.” Trên thực tế, nó xảy ra đúng như thế. Như đã hứa, Đức Phanxicô, đã trao văn bản chung kết của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng vào ngày 27 tháng 12, tức là trước cuối năm 2019. Sau đó, có những bước quan trọng tiếp theo cần có thời gian: tài liệu được xem lại, được chuẩn bị, được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau và cuối cùng đã được xuất bản.

Theo Đức Hồng y, trọng tâm sứ điệp của Tông huấn là gì?

Tựa đề của Tông huấn là Querida Amazonia – Amazon yêu quý, và trọng tâm của nó là tình yêu của Đức Giáo hoàng dành cho miền Amazon và kết quả của tình yêu này: sự đảo ngược cách nghĩ thông thường về mối quan hệ giữa giàu và nghèo, giữa phát triển và gìn giữ, giữa bảo vệ nguồn gốc văn hoá và cởi mở với văn hoá khác. Đức Giáo hoàng trình bày cho chúng ta những “âm hưởng” mà các công việc của Thượng Hội đồng Giám mục gợi lên trong tâm hồn ngài. Và ngài thực hiện nó dưới hình thức của 4 “ước mơ lớn”. Đức Phanxicô mơ ước rằng tại miền Amazon tất cả mọi người dấn thân để bảo vệ quyền của những người nghèo nhất, của các dân tộc bản địa, của những người rốt cùng. Ngài mơ về một Amazon bảo tồn sự phong phú văn hoá của nó. Giấc mơ sinh thái của ngài là một Amazon chăm sóc cuộc sống phong phú của nó. Và cuối cùng ngài mơ ước các cộng đồng Kitô giáo có khả năng dấn thân hội nhập vào miền Amazon và xây dựng một Giáo hội với khuôn mặt của Amazon. Cá nhân tôi đã bị ấn tượng bởi sự phong phú của các trích dẫn thi phú và các đề cập đến các tài liệu của các vị giáo hoàng trước đây.

Phải chăng “ước mơ” của Đức Thánh Cha có nguy cơ là một viễn tượng phù du và được dự phóng trong một tương lai bất định?

– Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô thì không. Tôi muốn nhắc lại những lời ngài nói trong cuộc đối thoại với những người trẻ tuổi tại Circo Massimo vào ngày 11 tháng 8 năm 2018: “Ước mơ rất quan trọng. Chúng giúp cái nhìn của chúng ta rộng mở, chúng giúp chúng ta hướng về chân trời, nuôi dưỡng hy vọng trong mọi hành động hằng ngày… Ước mơ đánh thức bạn, đẩy bạn đi xa; chúng là những ngôi sao sáng nhất, những ngôi sao chỉ một con đường khác cho nhân loại… Kinh Thánh nói với chúng ta rằng những giấc mơ lớn là những giấc mơ có khả năng mang lại kết quả.” Vì vậy, để trả lời câu hỏi của bạn, tôi nghĩ rằng cách nhìn này và viễn cảnh này hoàn toàn không giống với một viễn tượng phù du hoặc ảo tưởng. Giấc mơ ở đây là một dấu hiệu của một con đường mà toàn thể Giáo hội phải đi. Vẻ đẹp của nó chính là khi nhìn thấy chân trời, không nằm ơ chỗ đưa ra một loạt các quy luật. Không có tuyên bố về tình yêu nào mang hình thức một hợp đồng hoặc một cuốn sách nấu ăn.

Trong chương đầu tiên nói về giấc mơ xã hội, nhìn vào sự tàn phá môi trường của miền Amazon và các mối đe dọa đối với phẩm giá con người của các dân tộc của nó, điều mà Đức Bênêđictô XVI đã tố cáo, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta phẫn nộ. Ngài nói rằng “chúng ta phải phẫn nộ” bởi vì “thật là không tốt khi chúng ta trở nên quen thuộc với điều ác”. Ngài mời gọi xây dựng mạng lưới liên đới và phát triển vượt thắng các tâm thức thực dân khác nhau. Ngài mời gọi tìm kiếm các lựa chọn, tại một số khu vực, chẳng hạn như việc chăn nuôi và canh tác bền vững, các nguồn năng lượng không gây ô nhiễm, các sáng kiến lao động không huỷ hoại môi trường và văn hoá. Nói tóm lại, “những ước mơ lớn” không nhắm làm chúng ta bị tê liệt nhưng nuôi dưỡng sự dấn thân cụ thể và hành động hằng ngày.

Nói một cách cụ thể, “thăng tiến” Amazon nghĩa là gì như chúng ta đọc trong bối cảnh của Tông huấn?

– Thăng tiến Amazon, như Đức Giáo hoàng giải thích, có nghĩa là làm sao để miền này phát huy được những gì tốt đẹp nhất. Nó có nghĩa là không thuộc địa hoá nó, không cướp bóc nó bằng các dự án khai thác lớn phá huỷ môi trường và đe dọa người dân bản địa. Nhưng đồng thời nó cũng có nghĩa là tránh huyền thoại hoá các nền văn hoá bản xứ, tránh loại bỏ bất kỳ sự pha trộn nào hoặc rơi vào chủ trương duy môi trường, lo bảo tồn các loại sinh vật nhưng lại không để ý đến các dân tộc miền Amazon”. Căn tính và đối thoại là hai từ khoá và Đức Phanxicô giải thích rằng chúng hoàn toàn không trái ngược nhau. Việc chăm sóc các giá trị văn hoá của người bản địa liên quan đến tất cả chúng ta: chúng ta phải cảm thấy đồng trách nhiệm đối với sự đa dạng của nền văn hoá của họ.

Từ các trang của Tông huấn, sự dấn thân Kitô giáo cũng rất rõ ràng, nó khác xa với một chủ nghĩa bản địa khép kín và cả với một chủ nghĩa môi trường xem con người là sự hủy hoại của hành tinh. Thêm vào đó, nó đề xuất một tinh thần truyền giáo táo bạo: nói về Chúa Giêsu và mang đến cho người khác lời đề nghị của Chúa về một cuộc sống mới – sự sống tràn đầy cho mỗi người và cho mọi người, bảo vệ công trình sáng tạo, trong mối quan hệ với Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và với tất cả anh chị em.

Tại sao số phận của một khu vực cụ thể trên trái đất lại liên quan sâu sắc đến chúng ta?

– Số phận của Amazon ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bởi vì mọi thứ đều được kết nối với nhau và sự chăm sóc “các loại sinh vật” quý giá này, với chức năng như một bộ lọc và giúp chúng ta tránh sự nóng lên của trái đất, là điều cần thiết. Do đó, Amazon ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả chúng ta. Tại khu vực đó của thế giới, chúng ta thấy tầm quan trọng của hệ sinh thái toàn diện, liên kết bởi sự tôn trọng thiên nhiên và chăm sóc phẩm giá con người. Vì thế, tương lai của Amazon và tương lai của các dân tộc của nó có ý nghĩa quyết định đối với sự cân bằng của hành tinh chúng ta. Trong viễn cảnh này, điều quan trọng là để cho người dân bản địa ở lại trong lãnh thổ của họ và chăm sóc đất đai của họ. Khía cạnh giáo dục cũng có tầm quan trọng hàng đầu để thúc đẩy các cách xử thế mới và thói quen mới trong con người. Nhiều cư dân của khu vực đó đã thực hiện các phong tục tiêu biểu của các thành phố lớn nơi chủ nghĩa tiêu dùng và văn hóa loại bỏ thống trị.

Về chương IV và về ước mơ “Giáo hội”, điểm gì của phần cuối Tông huấn này đánh động Đức Hồng y nhất?

– Nó chiếm một nửa Tông huấn, và do đó khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng chiều kích mục vụ là điều thiết yếu, ngài muốn nói đến tất cả mọi thứ, ngài rõ ràng nghĩ như thế. Điều đánh động tôi nhất là viễn cảnh truyền giáo: nếu không “hăng say loan báo” Tin Mừng, các dự án của Giáo hội có nguy cơ trở thành các tổ chức phi chính phủ. Đức Giáo hoàng giải thích rằng sự dấn thân bảo vệ người nghèo, người rốt cùng, người bản địa ám chỉ việc làm chứng cho Chúa Giêsu và đề nghị sống tình bạn với Ngài. Thông điệp xã hội bao gồm việc loan báo Tin Mừng, và tâm điểm của nó, kerygma, bao gồm cuộc sống của con người, nhân phẩm, công bằng và chăm sóc cho ngôi nhà chung. Nó loan báo về một Thiên Chúa vô cùng yêu thương mọi con người và đã hy sinh Con của Người, Chúa Kitô bị đóng đinh, vì ơn cứu độ của chúng ta.

Một từ thường xuyên gặp trong chương này là “hội nhập văn hoá”…

Bằng cách loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, tất cả những gì tốt đẹp mà mỗi nền văn hoá tạo ra đều có giá trị, làm cho nó trở nên trọn vẹn dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo. Tin Mừng luôn được loan báo ở một nơi cụ thể, và hạt giống được gieo rắc. Đồng thời, Giáo hội học hỏi và làm giàu cho chính mình khi tiếp xúc với những gì mà Thánh Linh đã gieo trồng trong nền văn hoá đặc biệt đó. Đức Giáo hoàng yêu cầu lắng nghe tiếng nói của người cao niên và nhận ra các giá trị hiện diện trong các cộng đồng nguyên thuỷ. Trên thực tế, các thổ dân dạy chúng ta phải điều độ, hạnh phúc với điều ít ỏi và cảm thấy được đắm mình trong một lối sống cộng đồng. Hội nhập văn hoá cũng có nghĩa là biết cách kết hợp một số biểu tượng của thổ dân bản địa đã có trước đó, mà không lập tức gắn nhãn cho nó là một sai lầm ngoại đạo. Các biểu tượng, phong tục, văn hoá chắc chắn cần một quá trình thanh lọc và trưởng thành. Nhưng những người thực sự quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cố gắng đáp ứng nguyện vọng của các dân tộc qua một linh đạo hội nhập văn hoá.

Một đề tài được tranh luận tại Thượng Hội đồng Giám mục liên quan đến việc thiếu linh mục cho một miền rộng lớn như Amazon và khó khăn đối với nhiều cộng đoàn trong việc có Thánh lễ. Tông huấn đưa ra những đề nghị nào, thưa ĐHY?

– Đức Giáo hoàng bày tỏ sự cần thiết về việc người dân sẵn sàng phục vụ để gia tăng việc cử hành Thánh lễ thường xuyên hơn, đặc biệt là ở những vùng xa xôi nhất. Đức Giáo hoàng nhắc chúng ta đừng hình dung việc thực thi thừa tác vụ linh mục như là một cách thức đơn nhất. Tuy nhiên, chỉ có linh mục mới có thể cử hành Thánh Thể và ban Bí tích Giải Tội. Nhu cầu cấp thiết này là nguồn gốc của lời kêu gọi Đức Phanxicô gửi đến tất cả các giám mục để ngoài việc cầu nguyện cho ơn gọi, họ còn quảng đại hơn trong việc chọn gửi đến miền Amazon những người tỏ ra có ơn gọi truyền giáo. Cũng cần phải có chương trình đào tạo để có khả năng đối thoại với các nền văn hoá bản địa. Cần có nhiều phó tế vĩnh viễn hơn, và cần phải gia tăng vai trò của các nữ tu và giáo dân.

Tuy nhiên, Tông huấn không mở ra khả năng truyền chức cho những người có gia đình…

Đức Phanxicô vẫn trung thành với những gì ngài đã nói trước khi diễn ra Thượng Hội đồng. Khả năng phong chức cho người nam đã kết hôn có thể được Giáo hội thảo luận. Và nó đã tồn tại, ví dụ trong các Giáo hội Đông phương. Cuộc thảo luận này đã diễn ra trong nhiều thế kỷ và Thượng hội đồng đã thảo luận nó một cách tự do, không phải trong sự tách biệt, nhưng trong toàn bộ bối cảnh đời sống Thánh Thể và sứ vụ của Giáo hội. Đức Giáo hoàng nói trong Tông huấn rằng vấn đề không phải là con số, và sự hiện diện nhiều hơn của các linh mục không chỉ là yêu cầu. Điều cần thiết là một cuộc sống mới trong cộng đồng, một động lực truyền giáo mới, sự phục vụ mới của giáo dân, sự đào tạo liên tục, sự táo bạo và sáng tạo. Chúng ta cần một sự hiện diện rộng rãi của giáo dân được linh hoạt bởi một tinh thần truyền giáo, có khả năng trình bày gương mặt xác thực của Giáo hội miền Amazon. Theo cách này, dường như ngài chỉ ra cho chúng ta rằng chỉ bằng cách này, ơn gọi mới trở lại. Đức Phanxicô viết rằng miền Amazon thách thức chúng ta  vượt qua các quan điểm hạn chế và đừng hài lòng với các giải pháp chỉ đề cập đến một phần của hoàn cảnh. Nói cách khác, vấn đề quan trọng đó là một kinh nghiệm đổi mới về đức tin và về cách loan báo Tin Mừng.

Và về vai trò của phụ nữ thì sao?

– Đức Giáo hoàng nhắc lại trong tài liệu rằng ở Amazon có những cộng đồng trong nhiều thập kỷ đã truyền trao đức tin mà không có linh mục, nhờ những người phụ nữ mạnh mẽ và quảng đại; được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, họ đã rửa tội, dạy giáo lý, dạy cầu nguyện. Chúng ta cần mở rộng tầm nhìn và thoát khỏi lối nghĩ chỉ dựa trên chức năng khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ khi được nối kết với việc lãnh nhận bí tích truyền chức thánh, phụ nữ mới có một vai trò quan trọng hơn. Đó là một viễn cảnh sẽ đưa chúng ta đến việc giáo sĩ hóa phụ nữ, kết thúc với việc làm nghèo đi sự đóng góp căn bản của họ. Chúng ta phải đọc điều này trong giáo huấn rộng rãi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tách quyền lực khỏi thừa tác vụ linh mục, vì sự kết hợp này là điều làm phát sinh chủ nghĩa giáo sĩ.

Mối quan hệ giữa chức vụ và quyền lực này là điều khiến phụ nữ không có tiếng nói, không có quyền và không có khả năng, và thường không có khả năng quyết định. Vì vậy, vấn đề không phải là cho họ quyền lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh để họ có tiếng nói và lá phiếu, mà là tách quyền lực khỏi chức vụ. Mặt khác, chúng ta phải lấy cảm hứng từ tấm gương của họ, điều nhắc nhở chúng ta rằng quyền lực trong Giáo hội là sự phục vụ, rộng lượng, tự do. Chúng ta cần kích thích sự gia tăng các việc phục vụ và đặc sủng khác của người nữ. Đức Giáo hoàng nói rằng phụ nữ nên có thể tham gia vào các chức năng và việc phục vụ trong giáo hội mà không yêu cầu có thánh chức và chức năng và việc phục vụ đó cần được ổn định và được nhìn nhận công khai với bài sai từ các giám mục. Có lẽ đã đến lúc phải xem xét các thừa tác vụ giáo dân đang tồn tại trong Giáo hội, trở lại nền tảng của nó và cập nhật chúng, bằng cách đọc chúng dưới ánh sáng của thực tế hiện nay và cảm hứng của Chúa Thánh Linh, đồng thời để tạo ra các thừa tác vụ ổn định mới khác với “sự công nhận công khai và uỷ thác từ giám mục”.

Câu hỏi cuối cùng: Tương quan giữa Tông huấn và Tài liệu Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục là gì?

Trong phần giới thiệu về Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Giáo hoàng giải thích rằng ngài không muốn thay thế hoặc lặp lại tài liệu đó. Ngài giới thiệu nó một cách chính thức. Ngài mời chúng ta đọc toàn bộ. Ngài cầu nguyện rằng toàn thể Giáo hội sẽ để cho mình được phong phú và thách thức bởi công việc này. Ngài yêu cầu tất cả các mục tử, những người thánh hiến và các giáo dân ở miền Amazon dấn thân với công việc này và cuối cùng, tất cả những người thiện chí sẽ được truyền cảm hứng từ Tài liệu Chung kết và chắc chắn là bởi Tông huấn Querida Amazonia (Amazon Yêu quý) rất hay.

 
Alessandro de Carolis – Francesco Valiante