26/12/2024

Các Giám mục Hoa Kỳ phê bình kế hoạch hoà bình cho Trung Đông của Tổng thống Trump

Các Giám mục Hoa Kỳ phê bình kế hoạch hoà bình cho Trung Đông của Tổng thống Trump

Cùng lập trường với các Giáo hội ở Trung đông, trong một lá thư gửi đến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, các giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối kế hoạch hoà bình cho Trung Đông, do Tổng thống Donald Trump trình bày vào ngày 28/01 với tên gọi “Hoà bình để Thịnh vượng”.

Lá thư được Đức cha David Malloy, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục Công lý và Hoà bình Quốc tế, ký. Trong thư, các Giám mục nhắc lại tiến trình đàm phán hoà bình được chờ đợi từ lâu không thể bỏ qua một số điểm cố định. Điều quan trọng hơn phải là: người Israel và Palestine là “những người duy nhất có thể giải quyết xung đột và đồng ý về giải pháp cho sự bế tắc dai dẳng” của các cuộc đàm phán. Các Giám mục cho rằng trong khi nhìn nhận vai trò “quan trọng” của Hoa Kỳ, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế vẫn phải là con đường duy nhất.

Tiếp đến, các Giám mục nhắc lại lập trường của Toà Thánh ủng hộ giải pháp hai quốc gia. Theo đó, quyền của Israel “sống trong hoà bình và an ninh trong các biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận”; nhưng đối với người Palestine thì “những khát vọng chính đáng của họ phải được công nhận, tôn trọng và thực hiện”.

Điều kiện thiết yếu cho một cuộc thảo luận có kết quả, là mỗi quốc gia công nhận và hỗ trợ tính hợp pháp của nhau. Điều này đòi hỏi các bước hợp tác cụ thể trước khi đạt được thoả thuận. Do đó, nhiệm vụ của Hoa Kỳ và tất cả các bên liên quan là phải hỗ trợ cho quá trình này thực hiện từ hai chủ thể chính. Theo các giám mục Hoa Kỳ, tất cả những điều kiện này không được đáp ứng nếu theo kế hoạch của Trump.

Cuối cùng, liên quan đến đời sống đạo của các tín hữu ở Thánh Địa, các Giám mục khẳng định: “Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia phải bảo đảm quyền thực hành và tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu và cho những người hành hương có thể tự do tiếp cận các nơi thánh.”

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất của kế hoạch “Hoà bình để Thịnh vượng” là việc Israel lấy Giêrusalem làm thủ đô, và giữ lại tất cả các khu định cư được tạo ra sau cuộc chiến năm 1967 ở Bờ Tây và kiểm soát an ninh của khu vực. (CSR_703_2020)

Ngọc Yến