25/12/2024

ĐTC Phanxicô: Bất bình đẳng có thể được khắc phục, một thế giới giàu có phải xoá nghèo đói

ĐTC Phanxicô: Bất bình đẳng có thể được khắc phục, một thế giới giàu có phải xoá nghèo đói

ĐTC với các nhà kinh tế
Trong những ngày vừa qua, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội đã quy tụ các chủ ngân hàng, các nhà kinh tế và các bộ trưởng tài chính về Vatican để tham dự một hội nghị về “Các hình thức mới của tình huynh đệ liên đới, hội nhập và đổi mới”. Trong bài nói chuyện dành cho các tham dự viên vào chiều thứ Tư 05/02/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta cần một cơ cấu tài chính quốc tế mới để hỗ trợ sự phát triển của các nước nghèo. Bất bình đẳng có thể khắc phục được, một thế giới giàu phải xóa đói nghèo.”

Cùng nhau làm việc chống lại sự bất công của nền kinh tế toàn cầu

Đi từ Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha mời gọi các tham dự viên cùng làm việc để chấm dứt sự bất công của nền kinh tế toàn cầu. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chúng ta là những người cộng tác vào công trình của Chúa, Đấng có thể thay đổi tiến trình lịch sử vì phẩm giá mỗi người hôm nay và ngày mai, đặc biệt là những người bị loại trừ, và vì hoà bình.

5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ chết vì nghèo trong năm nay

Đức Thánh Cha cho rằng trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên của nền kinh tế toàn cầu. Vì theo ước tính, khoảng năm triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ chết vì nghèo trong năm nay. 260 triệu trẻ em khác sẽ không được giáo dục do thiếu tài nguyên, chiến tranh và di cư. Đức Thánh Cha tố cáo chính điều này đã khiến hàng triệu người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới. Họ không được an toàn, thậm chí không có được tình bạn hay tình thân gia đình.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tuy nhiên, những thực tế này, không phải là một lý do để mất hy vọng, nhưng thúc đẩy chúng ta hành động. Bởi vì chúng là những vấn đề có thể giải quyết được.”

Vấn đề nợ của các nước nghèo

Liên quan đến vấn đề nợ của các nước nghèo, Đức Thánh Cha mời gọi các vị lãnh đạo tài chính thế giới hãy nghĩ đến trách nhiệm của họ trong việc cung cấp hỗ trợ phát triển cho các quốc gia nghèo và giảm nợ cho các quốc gia đang phải chịu đựng vì nợ nhiều. Đồng thời Đức Thánh Cha nhắc nhở họ về việc bắt buộc phải ngăn chặn biến đổi khí hậu do con người tạo ra, như tất cả các quốc gia đã hứa, để không phá hủy nền tảng của ngôi nhà chung của chúng ta

Một nền đạo đức luân lý bảo vệ công ích

Đức Thánh Cha đề xuất một nền đạo đức luân lý mới; đó là một nền luân lý dấn thân vì mọi người, cùng hợp tác để ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền. Các quốc gia ý thức tầm quan trọng việc bảo vệ công lý và lợi ích chung. Cần phải chuyển từ một lý luận đối lập và đối kháng cho giải pháp xung đột sang một nền văn hóa gặp gỡ khác, đi đến một cơ cấu tài chính quốc tế mới.

Thay đổi tiến trình của lịch sử, vì phẩm giá của tất cả

Cuối bài diễn văn, Đức Thánh Cha bày tỏ “Chúng ta vui mừng vì có cơ hội biết mình là người cộng tác vào công trình của Chúa, Đấng có thể thay đổi tiến trình lịch sử vì lợi ích phẩm giá của mỗi người hôm nay và ngày mai, đặc biệt những ai bị loại trừ và vì lợi ích hoà bình. Chúng ta khiêm tốn và khôn ngoan làm việc cùng nhau để phục vụ công lý quốc tế và liên thế hệ”. (CSR_669_2020)

Ngọc Yến