23/11/2024

Chúa nhật V TN A: Lối sống lan toả

Điều làm nên căn tính và giá trị của một tôn giáo không phải là đền thờ nguy nga, là các nghi lễ hoành tráng. Lối sống đầy bác ái yêu thương sẽ làm nên căn tính của dân Thiên Chúa, đồng thời có sức lan toả và cuốn hút người khác; qua đó, họ sẽ tìm đến với Chúa, với Hội thánh.

Chúa nhật V TN A

Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16

LỐI SỐNG LAN TOẢ

“Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ” (Mt 5,16).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 58,7-10

Bài đọc I trích sách Ngôn sứ Isaia được viết trong bối cảnh hậu lưu đày. Với sắc chỉ của hoàng đế Kyrô thuộc đế quốc Ba tư năm 538 tCN, người Do thái được hồi hương trở về để tái thiết đất nước. Dầu vậy, vào lúc này, những yếu tố làm nên căn tính cũng và biểu tượng của Israel không còn. Quả vậy, trong một thời gian dài, Israel đã không còn chế độ quân chủ; họ phải đi lưu đày nên không còn đất và cũng chẳng còn Đền thờ. Vậy cái gì làm nên căn tính cho Israel lúc này? Điều gì làm cho họ trở nên ánh sáng bừng lên như rạng đông? Điều gì làm cho lời cầu xin của họ đáng được Chúa nhậm lời? Điều gì làm cho đức công chính của họ đi trước dọn đường và vinh quang của Chúa đi sau nâng đỡ cuộc đời họ?

Trong bối cảnh ấy, tác giả sách Isaia III đã không ngừng đề cao việc củng cố mối tương quan của mỗi người với mọi người, đặc biệt những người đang lâm vào cảnh cơ cực, khốn quẫn. Chia cơm cho người đói, đón tiếp người không nơi nương tựa, cho áo người mình trần, lưu tâm đến những người cốt nhục; loại bỏ gông cùm, cử chỉ đe doạ, lời nói hại người; làm thoả lòng người bị hạ nhục. Lối sống đó mới làm nên căn tính của Israel lúc này và đó là con đường cụ thể dẫn họ đến sự hoàn thiện. Lối sống này mới có sức lan toả, mới có thể giúp người khác nhận biết họ là Dân của Thiên Chúa.

2. Bài đọc II: 1Cr 2,1-5

Được ơn đức tin và đón nhận lời mạc khải là một ân huệ của Thiên Chúa ban. Việc được chọn làm tông đồ để được sai đi rao giảng hay làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa thực hiện qua đức Giêsu Kitô càng là một ân huệ cao quý của Thiên Chúa ban cho những ai được Người tuyển chọn. Vì thế, thánh Phaolô ý thức việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh được giáo đoàn Côrintô đón nhận là nhờ vào Thiên Chúa, chứ không do tài cán của riêng mình. Ngài làm nổi bật ý tưởng đó qua 2 lời xác nhận sau đây:

– Không xuất phát từ loài người, khi nhận biết mình chỉ là “không”: không dựa vào tài hùng biện, không dựa vào khôn ngoan, không dùng sự quyến rũ kiểu loài người, nhưng trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy của bản thân.

– Nhưng xuất phát từ Thiên Chúa: dựa vào bằng chứng xác thực của Thần khí và quyền năng của Thiên Chúa.

3. Bài Tin mừng: Mt 5,13-16

Sau khi trình bày “tám mối phúc” như một chuẩn mực cho những ai muốn bước theo Ngài, Đức Giêsu tiếp tục đưa ra hai hình ảnh chính để nói về bản chất hoặc sứ vụ của các môn đệ trước những thách đố của môi trường sống ở thế gian. Trong môi trường đó, các môn đệ phải thích nghi thế nào? Phải chăng họ phải thay đổi thích nghi với môi trường hay chối bỏ căn tính của mình để được người ta chấp nhận? Không thể được. Đức Giêsu cho biết các môn đệ như là muối và ánh sáng và vì họ đang sống ở trần gian, nên chính họ phải là “muối đất” và “sự sáng thế gian”.

1. “Các con là muối đất” hay “muối cho đời”. Muối rất cần thiết cho cuộc sống và có thể thấm nhập khắp nơi trong môi trường. Dù muối phải hoà nhập và tan biến, nhưng phải vẫn giữ được tính mặn, không đánh mất bản chất thì mới là muối. Giống như muối, các môn đệ Đức Giêsu phải hiện diện trong môi trường sống và tương tác với môi trường đó. Tuy nhiên, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn cứ phải là môn đệ Đức Giêsu, vẫn giữ được lối sống Tin mừng. Muối không phải là một viên ngọc để cất giữ, bảo tồn. Giá trị của muối nằm ở việc tương tác, khi nó chấp nhận “tự huỷ” để “tan biến” vào môi trường chung quanh. Môn đệ là “muối cho đời”. Vì thế, ơn gọi và sứ vụ của họ không hệ tại ở việc lánh đời, xa rời người thế, rút vào cuộc sống tách biệt, nhưng là mở ra, vào đời, tan biến trong thế gian để “ướp mặn đời”. Tuy nhiên, họ không được phép nhạt đi.

2. “Các con là sự sáng thế gian” hay “ánh sáng cho trần gian”. Ánh sáng không chỉ là một thành tố căn bản cấu thành vạn vật trong vũ trụ, là yếu tố tối cần trong cuộc hiện hữu con người và thế giới, mà còn là biểu tượng ẩn dụ rất quan trọng trong Kinh thánh. Ánh sáng tượng trưng cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu, cùng những ai thuộc về Thiên Chúa và Đức Giêsu như các môn đệ và các Kitô hữu. Đối nghịch với ánh sáng là bóng tối. Bóng tối là biểu tượng của sự dữ và các thế lực sự dữ (x. Mt 8,12; Lc 22,53) đang hoành hành trong lòng thế giới. Giống như ánh sáng, các môn đệ và các Kitô hữu được sai đi tới những nơi đen tối nhất của lòng đời, vào những nơi sâu thẳm nhất của lòng người để chiếu soi ánh sáng Tin mừng vào đó.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông”. Điều làm nên căn tính và giá trị của một tôn giáo không phải là đền thờ nguy nga, là các nghi lễ hoành tráng. Lối sống đầy bác ái yêu thương sẽ làm nên căn tính của dân Thiên Chúa, đồng thời có sức lan toả và cuốn hút người khác; qua đó, họ sẽ tìm đến với Chúa, với Hội thánh.

2. “Tôi không biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. Đó là điều tâm niệm giúp thánh Phaolô hăng say thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Khi ý thức mình chẳng là gì, ngoại trừ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy, cũng không dùng những phương thế hay phương pháp theo kiểu thế gian, thì lúc đó bản thân sẽ trở thành khí cụ cho Thần khí và quyền năng của Thiên Chúa hoạt động để loan báo Tin mừng Cứu độ.

3. “Anh em là muối cho đời; là ánh sáng cho trần gian”. Bản chất của Hội thánh, của các Kitô hữu là “loan báo Tin mừng” hoặc “Tin mừng hoá khắp thế gian”, nói cách khác là “truyền giáo”. Sứ vụ này phải được thực hiện trong lòng thế giới và cho thế giới. Các Kitô hữu sẽ là “muối” và “ánh sáng” để ướp mặn và chiếu sáng thế gian.

Tuy nhiên, để sống đúng căn tính và thi hành trọn sứ vụ, Kitô hữu chúng ta thực sự “phải mặn” và “phải chiếu sáng”. Chúng ta không còn là môn đệ Đức Giêsu khi lối sống và các hành vi của chúng ta không còn “ướp mặn đời”, không còn “chiếu sáng thế gian”. Vì thế, chúng ta phải coi chừng kẻo để mình trở nên nhạt đi, mất “nhiệt tình” trong công cuộc loan báo Tin mừng, mờ đi, mất hết gương sáng. Do đó, chúng ta cần phải Tin mừng hoá bản thân trước, nuôi dưỡng sự nhiệt tâm, rồi mới có thể Tin mừng hoá môi trường xung quanh.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian qua các việc lành thánh, để làm vinh danh Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Kitô. Cộng đoàn chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:

1. Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội thánh luôn là những mục tử tận tuỵ, nêu cao gương sáng, hầu dẫn đưa mọi con chiên trong ràn cũng như ngoài ràn về qui phục Thiên Chúa là chủ chiên duy nhất.

2. Xã hội hiện đại đang bị đe doạ bởi những trào lưu trái với tinh thần Tin mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí ở khắp nơi trên thế giới biết can đảm khước từ bóng tối, luôn kiên trì tìm kiếm và quảng đại bước đi trong ánh sáng Đức Kitô.

3. Đại dịch do virus corona gây ra đang là mối đe doạ cho cả nhân loại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả mọi người biết liên đới với nhau để tìm ra phương thế đẩy lui dịch bệnh, cho những ai đã nhiễm bệnh nhận được sự cảm thông giúp đỡ và sớm được chữa lành.

4. “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống hoà đồng với mọi người, trở nên gương sáng nhằm góp phần lành mạnh hóa môi trường chung quanh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch Chân – Thiện – Mỹ, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của chúng con, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn biết làm sáng danh Chúa qua bổn phận hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Nguồn: Ban Mục vụ Phụng tự TGP Tp. HCM