23/12/2024

Kỳ lạ những cuộc cứu hộ san hô Sơn Trà

Những khu “vườn san hô” nho nhỏ quanh khu vực biển thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được hồi sinh, hình thành từ những nhánh san hô bị giẫm đạp, đứt gãy… đang truyền đi thông điệp của người yêu biển…

 

Kỳ lạ những cuộc cứu hộ san hô Sơn Trà

Những khu “vườn san hô” nho nhỏ quanh khu vực biển thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được hồi sinh, hình thành từ những nhánh san hô bị giẫm đạp, đứt gãy… đang truyền đi thông điệp của người yêu biển…


 
 
 

Các nhánh san hô hồi sinh, phát triển trên hệ thống giá thể kim tự tháp /// Sasa Team

Các nhánh san hô hồi sinh, phát triển trên hệ thống giá thể kim tự tháp   Sasa Team

 

 
Hơn 20 thành viên, tình nguyện viên Sasa Team Marine Animals Rescue (Đội cứu hộ động vật biển Sasa) thầm lặng cứu hộ san hô, giải cứu sinh vật biển. Mỗi người một công việc, nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê kỳ lạ ấy.
“Chúng tôi chọn cách sống tiết kiệm, giản dị, giảm thiểu nhu cầu vật chất để dành dụm tiền “nuôi”, “dưỡng” san hô, sinh vật biển được coi là tạo ra sự sống cho 25% những sinh vật biển khác”, Lê Chiến (34 tuổi), thành viên Sasa Team, chia sẻ.

Xả stress cho san hô

Hầu như tuần nào các thành viên của Sasa Team cũng dành 4 – 5 ngày ngụp lặn cả chục giờ liền ở độ sâu 3 – 5 m dọc bãi biển của bán đảo Sơn Trà. Họ tự trang bị kiến thức về san hô, theo dõi tình trạng, mật độ che phủ, độ đa dạng các loài san hô viền quanh Sơn Trà.
 
Họ chia nhau “bám” các hoạt động du lịch lặn biển tự phát, nhắc nhở du khách không giẫm đạp rạn san hô. Các tàu thuyền thả neo trực tiếp ngay tại rạn san hô cũng khiến chúng gãy vỡ.
 
“Các thành viên vừa bảo vệ vòng ngoài, vừa tranh thủ nhặt rác, ni lông, vỏ chai nhựa, cắt lưới ma đang “trùm”, “trói” các rạn san hô khiến chúng giẫy chết”, Chiến nói.
 
Cũng theo Chiến, mỗi thành viên khi “cảnh giới” còn mang các dụng cụ “cứu hộ” và túi để nhặt những mảnh san hô vừa bị đạp gãy mang về “dưỡng thương”. “Có những ngày cao điểm của mùa du lịch, team “cứu” được cả tạ san hô. Phải mất nhiều thập niên mới có thể hình thành rạn san hô như thế, giờ lại bị giẫm đạp gãy vỡ”, Chiến xót xa.
 
Hơn 1 năm qua, quanh bán đảo Sơn Trà, Sasa Team âm thầm lặn biển và lắp đặt hệ thống các bàn dưỡng san hô, lẩn ở các ngách khuất và sâu tầm 3 m nước.
 
“San hô là loài săn mồi. Đặt ổn định ở khu vực được bảo vệ, nó có thể an dưỡng và phát triển. Khi yếu và stress, san hô sẽ tự nhả một lớp nhớt, mà chính lớp này lại thu hút các loài tảo xâm hại. Mình giữ để tránh nó bị tảo tấn công, che lấp mất ánh sáng là sự sống của san hô”, Chiến cho biết.
Cứu hộ san hô Sơn Trà1

Các thành viên Sasa Team vận chuyển bàn dưỡng đến giá thể ở độ sâu 5 mét nước

 

Vườn dưới biển

“Ngôi nhà” giá thể vững chắc cũng được Sasa Team kiến tạo. Đến thời điểm hiện tại, 3 giá thể san hô dần được hạ thành công ở độ sâu 5 m, gợi liên tưởng một khu “vườn san hô” trong tương lai hồi sinh từ những nhánh san hô “hấp hối”. Giá thể được hạ dựng thành công đầu tiên mang tên “Kim tự tháp”.
 
Đào Quang Anh (21 tuổi), thành viên Sasa Team thuộc đội lắp đặt giá thể, tiết lộ trong suốt cả tháng trời, các thành viên trong đội đã lặn để khuân các chi tiết của giá thể đến vị trí được chọn và lắp đặt liên tục hàng chục giờ liền dưới nước.
 
“Tầm 2 phút các bạn ấy lại trồi lên lấy hơi một lần. Cứ như vậy, không chỉ lắp toàn bộ khối giá thể bằng sắt mạ kẽm có tuổi thọ khoảng 50 năm, liên kết chúng lại với nhau, các bạn còn dùng tay khuân gần 3 tấn đá để cố định khối giá thể đứng vững dưới nước”, Cao Huy (24 tuổi), thành viên Sasa Team hoạt động trên bờ, cảm kích.
 
Sau khi các giá thể được lắp đặt ổn định, các thành viên bắt đầu di chuyển các bàn dưỡng san hô đến và dùng kỹ thuật cố định chúng trên hệ thống giá thể. Theo tính toán của nhóm, chừng 50 năm nữa khi các khối giá thể bị ăn mòn và tự hủy, quần thể liên kết các loài san hô và tảo cũng đã thành một khối vững chắc, nương tựa nhau để phát triển.
 
“Có thể sẽ là một khu “vườn san hô” nhân tạo được hồi sinh từ các nhánh san hô gãy”, Lê Chiến mơ màng về khu vườn dưới biển trong tương lai.
 
 
 
AN DY 

TNO