25/12/2024

Những ‘đội quân chuột’ có một không hai

Năm Canh Tý 2020 bạn sẽ được nghe nói nhiều về loài chuột, cả tích cực và tiêu cực. Nhưng bạn có biết đây là loài động vật thông minh, nhanh nhẹn và từng là ‘đội quân’ lợi hại trong chiến tranh?

 

Những ‘đội quân chuột’ có một không hai

Năm Canh Tý 2020 bạn sẽ được nghe nói nhiều về loài chuột, cả tích cực và tiêu cực. Nhưng bạn có biết đây là loài động vật thông minh, nhanh nhẹn và từng là ‘đội quân’ lợi hại trong chiến tranh?


 

Những ‘đội quân chuột có một không hai - Ảnh 1.

Tranh vẽ đại dịch “Cái chết đen” thời Trung Cổ – Ảnh: DAILY MAIL

 

Đa số các nhà sinh vật học đều thừa nhận sự thông minh và nhanh nhẹn của loài chuột. Nhờ đó, chuột cũng được giao nhiều trọng trách trong các chiến dịch quân sự đặc biệt.

Chuột đánh bom

Lần đầu tiên chuột được dùng trong quân sự dưới dạng một loại vũ khí sinh học.

Theo quyển ”Cái chết đen và sự lây nhiễm sang phương Tây” (1997, ĐH Harvard xuất bản), khoảng năm 1347, khi quân đội Mông Cổ bành trướng sang vùng Trung Á và châu Âu, không may nhiều quân sĩ của họ mắc bệnh dịch hạch.

Khi đang vây thành Caffa thuộc bán đảo Krym, đội quân Mông Cổ nảy ra ý dùng máy bắn đá đưa xác các quân sĩ và chuột chết do bệnh vào thành để phe địch cũng bị lây bệnh dịch hạch.

Thế nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở Caffa. Các thương gia may mắn thoát khỏi thành nhanh chóng mang căn bệnh đến khu vực Nam và Tây Âu, biến nó thành đại dịch khủng khiếp. Lịch sử ghi lại đây là đại dịch “Cái chết đen”, giết chết 50% dân số châu Âu thời bấy giờ.

Đến Thế chiến thứ 2, lực lượng điều hành các hoạt động đặc biệt của Anh (SOE) lên kế hoạch táo bạo dùng chuột gây tổn thất cho quân Đức Quốc xã.

Những ‘đội quân chuột có một không hai - Ảnh 2.

Thiết kế quả bom được đưa vào bên trong xác chuột chết của quân đội Anh – Ảnh: DAILY EXPRESS

 

Theo The Guardian, quân đội Anh “tính kế” đưa những vật chất kích nổ giấu trong chuột chết, sau đó lén đưa chúng vào gần các mục tiêu quân sự của Đức.

Quân đội Anh tính toán, khi gặp xác chuột, phát xít Đức sẽ đem đốt chúng để tránh phát tán dịch bệnh.

Nếu kịch bản này xảy ra, quả bom bên trong chuột sẽ phát nổ dưới tác động của sức nóng, gây tổn hại cho quân Đức.

Thế nhưng kế hoạch này bị tình báo của Đức phát hiện và cảnh báo cho quân Đức, đồng thời các doanh trại Đức nhanh chóng phát hiện hàng trăm con chuột mang vũ khí, thế là kế hoạch của Anh phá sản.

Chuột… phá bom

 

Những ‘đội quân chuột có một không hai - Ảnh 3.

Chuột Gambia được đào tạo phá bom – Ảnh: APOPO

 

Thành lập năm 1997, dự án HeroRATs huấn luyện loài chuột Gambia thành những người hùng phá bom với mục tiêu loại bỏ tàn dư bom mìn còn sót lại ở châu Phi, sau đó là châu Á.

Theo New York Times, do có kích thước dài đến 75cm, đồng thời rất thông minh và có khướu giác cực nhạy, chuột Gambia có tố chất “công binh”.

“Những quả mìn còn sót lại không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh mạng người dân mà còn cả kinh tế địa phương và đất nước”, ông Tekimiti Gilbert – giám đốc bộ phận chống bom mìn của tổ chức phi chính phủ APOPO – đơn vị đồng hành dự án nói.

Cũng theo Gilbert, trong một ngày, một chú “lính chuột” có khả năng rà soát bom mìn hiệu quả gấp 14 lần so với so với con người.

Trong khu vực lên đến 200m2, đội quân chuột có thể kiểm tra được sự tồn tại của bom mìn một cách chính xác chỉ trong chưa đầy 20 phút.

Những ‘đội quân chuột có một không hai - Ảnh 4.

Chuột Gambia trong quá trình huấn luyện – Ảnh: APOPO

 

Trong trường hợp đánh hơi được vật thể khả nghi, chuột sẽ cào đất lên cảnh báo cho người giám sát.

HeroRATs đã thực hiện nhiều nhiệm vụ ở các vùng từng chịu ảnh hưởng nặng bởi chiến tranh như Mozambique, Tanzania, Congo và cả Campuchia. APOPO hi vọng trong tương lai sẽ có thể tiếp cận được nhiều nơi nghi cần phá bom hơn trong tổng số khoảng 70 nước được ghi nhận vẫn còn lượng lớn bom mìn sau chiến tranh.

Theo thống kê của APOPO, cho đến nay chưa có con chuột nào hi sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.

Gilbert cho biết chuột Gambia có thể thực hiện thêm nhiều công tác khác như phát hiện các mẫu phẩm bệnh nếu được huấn luyện.

 

 

TRỌNG NHÂN

TTO