24/11/2024

“Ngôi nhà Tình thương” đón tiếp những người khuyết tật ở Flores, Indonesia, của các nữ tu Kkottongnae

“Ngôi nhà Tình thương” đón tiếp những người khuyết tật ở Flores, Indonesia, của các nữ tu Kkottongnae

Cha John Oh Woong-jin và ĐTC Phanxicô (ANSA)
“Ngôi nhà Tình thương” đón tiếp những người khuyết tật ở Flores, Indonesia của các nữ tu Kkottongnae
Chăm sóc những người bị xã hội lãng quên và bỏ rơi, cung cấp chỗ ở, hỗ trợ y tế và tinh thần cho người khuyết tật: đây là sứ vụ của hai nữ tu thuộc cộng đoàn Kkottongnae từ Hàn Quốc đến Flores – một hòn đảo nằm ở khu vực phía đông của quần đảo Indonesia.

“Ngôi nhà Tình thương” được thành lập vào tháng 6 năm 2018. Tại đây, Sr. Matthêu và Sr. Tôma tiếp đón 13 người, 3 nam và 10 nữ. Sr. Matthêu cho biết một số trong họ do các linh mục phục vụ trong quận gửi đến, những người khác các sơ gặp trên đường phố, đem về chăm sóc.

Một năm rưỡi trước, Đức cha Sylvester San, Giám quản Tông toà Giáo phận Ruteng và Đức cha Antonius Subianto Bunjamin, Giáo mục Bandung, Tổng Thư ký HĐGM Indonesia chủ sự lễ khánh thành Ngôi nhà.

Cùng cộng tác với các nữ tu có ba thiếu nữ dự tu và một chuẩn bị vào năm tập, tất cả đều là người Indonesia và có nguồn gốc là người Công giáo của đảo Flores. Các thiếu nữ chăm sóc các bệnh nhân, phân phát thuốc và chiều tối kiểm tra xem mọi sự đã ổn chưa, để mọi người có thể an tâm đi ngủ.

“Nhà Tình thương” không chỉ là nơi đón tiếp người bệnh, nhưng qua việc làm của các nữ tu đã tạo cho những người thân cận một niềm tin tưởng để có thể chia sẻ, trao đổi đời sống tinh thần.

Cuộc sống hằng ngày trong Ngôi nhà Tình thương được đánh dấu bằng sự dấn thân hết mình và kỷ luật nghiêm ngặt. Mỗi buổi sáng, mọi người thức dậy sớm đến giáo xứ tham dự thánh lễ. Sau thánh lễ, tất cả trở về nhà dùng điểm tâm; sau đó, cùng nhau học hỏi Kinh Thánh. Buổi chiều là thời gian dành cho các hoạt động thể chất. Bữa tối được phục vụ rất sớm, vì vào lúc 20 đã đến giờ đi ngủ.

Chứng tá đức tin của Nhà Tình thương ảnh hưởng đến nhiều người Indonesia, trên hết là vì tinh thần phục vụ và tình yêu vô điều kiện của những người phục vụ. Các sơ được nhiều người ủng hộ và trợ giúp. Một ví dụ điển hình là Ira Setiawan, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện công ở Labuan Bajo, sẵn sàng đến thăm các bệnh nhân khi cần thiết.

Cộng đoàn Kkottongnae nay là Hội dòng được thành lập năm 1976 do Cha Dòng Phanxicô, Cha John Oh Woong-jin trong Giáo phận Cheongju. Cuộc gặp gỡ quan trọng của linh mục với một người vô gia cư, được gọi là ông nội Kyong-Lak Choi, dẫn đến việc xây dựng một khu vực với các cơ sở phục hồi chức năng, y tế, tôn giáo và thiêng liêng.

Một ngày kia, ông Choi, một người vô gia cư đi ngang qua nhà xứ và dường như có một sức hút nào của người này, cha John quyết định đi theo người đàn ông này. Và những gì cha phát hiện khiến cha không nói nên lời. Người đàn ông vô gia cư già đó đã chăm sóc mười bảy người vô gia cư khác, giống như ông, sống dưới chân núi Yongdam, đa số là người nghiện rượu, người mù, người mắc bệnh lao, người tàn tật. Người đàn ông vô gia cư nghèo đã quay trở lại để phân phát thực phẩm mà ông thu thập được trong thành phố cho những người bạn đồng hành yếu hơn.

Từ đó, Cha John quyết định dành cả cuộc đời của mình để thành lập một cộng đoàn nơi đón tiếp và chăm sóc không chỉ những người ăn xin mà còn cả những người do không may mắn trong cuộc đời đã trở thành những người bị ruồng bỏ trong xã hội, mà cả những người già, những người có vấn đề về tâm thần, mồ côi, nói chung những người cuối cùng của thế giới này.

Kể từ đó, cộng đoàn đã chăm sóc hơn 13 ngàn người bị bệnh và người bị bỏ rơi. Công việc này có bốn trung tâm khác trên khắp Hàn Quốc, khoảng 2.000 nhân viên được hỗ trợ và 500 nhân viên, và hơn 80 linh mục và 250 nữ tu. Vào năm 2014, trong chuyến tông du đến Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm “Ngôi nhà Hy vọng” thuộc cộng đoàn này ở Cheongju.

Hiện nay, Kkottongnae đang hoạt động tại Hoa Kỳ, Philippines, Bangladesh, Ấn Độ, Haiti, Canada và Indonesia. Cộng đoàn đang cố gắng mở lòng cho người Công giáo địa phương. Sơ Matthêu cho biết ở Hàn Quốc, mùa đông khắc nghiệt là một trở ngại không nhỏ trong việc đào tạo cho các ứng sinh người Indonesia. Vì lý do này, và để đáp ứng nhiều ứng viên từ Đông Nam Á, các sơ sẽ thực hiện các chương trình đào tạo tại Philippines trong tương lai gần.

Ngọc Yến