24/12/2024

Chúa Nhật I TN A 2020 – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa: Tẩy sạch bụi trần

Chúng ta không phải chỉ đón nhận ơn tha thứ qua phép Rửa của Chúa Giêsu, cũng như qua bí tích Rửa Tội của từng người, nhưng ta còn phải thực hiện phép rửa thiêng liêng ấy trong cuộc sống thường ngày.

 

Chúa Nhật I TN A 2020 – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Tẩy sạch bụi trần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Kết thúc mùa Giáng Sinh, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như mời gọi chúng ta tham dự vào công trình cứu độ của Chúa Cha để bày tỏ tình yêu cho muôn loài thụ tạo.

1. Mầu nhiệm tình yêu cứu độ

Tất cả các mầu nhiệm trong mùa Giáng Sinh: Chúa sinh ra, Chúa hiển linh, Chúa chịu phép Rửa đều quy tụ vào hoạt động duy nhất là trình bày tình yêu cứu độ của Chúa Cha dành cho muôn loài, được Chúa Giêsu thực hiện để hoàn thành kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa. Trong ngày giáng sinh, Chúa Giêsu là một hài nhi bé nhỏ quấn tã nằm trong máng cỏ. Người được giới thiệu cho các mục đồng cũng như cho các đạo sĩ phương Đông để họ nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời trở thành người.

Trong lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, bài Tin Mừng (x. Mtr 3, 13-17) giới thiệu cho ta Đức Giêsu là một người trưởng thành. Người đứng giữa cộng đồng nhân loại, gồm những tội nhân, đang chờ ông Gioan làm phép rửa để tỏ lòng sám hối (x. Rm 8,3). Người dìm thân xác mình trong dòng nước sông Giorđan để hoà mình với toàn thể vũ trụ vật chất đã bị tội lỗi con người làm cho nhơ bẩn, đã phải chịu sự hư nát cùng với con người (x Rm 8, 20-22). Trong tư cách là Con Thiên Chúa làm người, mang thể xác giống như mọi người, mọi vật, Người thay mặt cho tất cả nói lên lòng sám hối, để nhờ đó Chúa Cha tha thứ và nhận lại làm con cái của Ngài. Ông Gioan đã ngại ngùng không dám rửa cho Đức Giêsu vì Người hoàn toàn vô tội, nhưng Người nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Thánh Phaolô đã giải thích để ta hiểu rằng; “Thiên Chúa làm như vậy để sự công chính, mà Luật đòi hỏi, được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta” (Rm 8,4).

Chúng ta đều cảm nghiệm được thân xác mình mỗi ngày một già nua, tàn tạ và chết dần chết mòn. Cùng với thân xác, tất cả vật chất là thành tố của vũ trụ, mà chúng ta hít thở, ăn uống, cũng bị huỷ hoại theo. Một khi xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả tuyệt đối, tội lỗi cũng mang tính tuyệt đối, nghiêm trọng vô cùng và thiệt hại vô song. Khi con người dùng tự do để cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, dù có thống hối, ăn năn, con người cũng không thể tự mình hoà giải với Thiên Chúa để nhận được sự tha thứ và những ân sủng đã mất. Họ không thể tự mình xin lỗi mà cần phải có một người làm trung gian, quen biết cả hai bên mới có thể hoà giải được. Cần phải có một Thiên Chúa tự nguyện trở thành người, tự nguyện hoà mình với vũ trụ vật chất, mới có thể làm cầu nối, làm trung gian hoà giải. Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã tự nguyện làm công việc đó. Khi Người dìm mình dưới dòng nước như một tội nhân để xin tha thứ, thì “lúc ấy các tầng trời mở ra”, Thiên Chúa thật sự đã tha thứ cho con người và vũ trụ khi nói với chúng ta qua Chúa Giêsu rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép Rửa hôm nay như đang thúc đẩy ta nhận ra tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa để ta cảm tạ Ngài và giới thiệu tình yêu cứu độ ấy cho muôn loài.

2. Nhiệm vụ tẩy sạch bụi trần

Chúng ta không phải chỉ đón nhận ơn tha thứ qua phép Rửa của Chúa Giêsu, cũng như qua bí tích Rửa Tội của từng người, nhưng ta còn phải thực hiện phép rửa thiêng liêng ấy trong cuộc sống thường ngày.

Bài đọc I (x. Is 42,1-7) hôm nay nhắc nhở ta về sứ mạng làm Người Tôi Trung của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện. Khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, ta cũng tiếp tục thực hiện phép Rửa của Người cho muôn người muôn vật quanh ta. “Đức Chúa phán: Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và hết lòng quý mến. Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân…, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”.

Sứ mạng của Chúa Giêsu cũng là sứ mạng của Kitô hữu. Chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người vì Chúa đã kêu gọi ta. Chúng ta tẩy rửa tội lỗi của trần thế bằng những hành động tích cực trong đời sống để mang lại công lý cho muôn người, để giúp cho những ai mù loà không nhìn thấy sự thật cảm nghiệm được Chúa là ánh sáng, là sự thật. Chúng ta giúp cho những người đang bị giam giữ bởi các tham vọng, dục vọng được tự do, giúp cho những ai đang ngồi trong bóng tối tăm của sự chết, cảm nghiệm được sự sống phi thường mà Thiên Chúa đã ban cho họ qua Con Một của Ngài.

Khi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, ta sẽ cùng với Chúa Giêsu “đi khắp nơi thi ân giáng phúc, chữa lành những kẻ bị ma quỷ kiềm chế bởi vì Thiên Chúa đã xức dầu chúng ta bằng Thánh Thần và quyền năng của Người “ (x. Cv 10,38). Đi trên đường đời mỗi ngày, chúng ta thấy làn da mình bị đủ loại bụi bẩn bám vào, vì làn da là cơ quan rộng nhất, nó nặng từ 4 đến 5 ký và bao phủ một diện tích khoảng 2 mét vuông. Làn da chúng ta tạo nên một lớp màng bọc không thấm nước và dai, bảo vệ ta không bị ảnh hưởng của môi trường như nhiệt độ, ánh nắng và bụi bặm. Ngoài ra, da còn có các chức năng khác như giúp ta cảm nhận rõ cấu trúc và nhiệt độ của môi trường xung quanh khi ta sờ mó, giúp điều hoà thân nhiệt, bài tiết mồ hôi, giao tiếp, cầm nắm nhờ những lằn gợn trên các đầu ngón tay và chuyển hoá vitamin D.

Chúng ta nhớ lại mỗi ngày mình tắm rửa. Tắm rửa không phải chỉ là việc làm sạch thân thể, mà còn chữa lành một số bệnh tật. Khi dùng nước để kỳ cọ làn da, chúng ta làm cho máu huyết được lưu thông, cơ bắp được vận động, thần kinh được thư giãn, đẩy qua da những chất cặn bã, giải độc cho cơ thể qua những tuyến mồ hôi, giúp đón nhận được những chất bổ dưỡng, nhất là vitamin D qua ánh nắng chiếu qua da. Vì thế ngày nay người ta chú ý nhiều đến việc tắm rửa và dùng nhiều cách tắm khác như tắm nắng, tắm hơi, tắm bùn… Các nhà khoa học cho ta biết rằng: chỉ một phân vuông da bằng đầu ngón tay, trung bình có 55 cm sợi dây thần kinh, 70 cm mạch máu, 15 tuyến bã để tiết chất bã vào bên trong những nang lông và đẩy ra ngoài cơ thể, 100 tuyến mồ hôi để điều hoà thân nhiệt và hơn 200 thụ thể cảm giác để báo động cho biết về nhiệt độ, đau đớn (x. Bs Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể học, 2015, tr. 38-39).

Nhiệm vụ của ta hằng ngày không phải chỉ tắm rửa thể xác mà còn tắm rửa linh hồn mình cũng như linh hồn người khác cho trong sạch, giống như Chúa Giêsu đã làm để cứu độ thế giới. “Bụi trần” là từ chỉ cõi đời bụi bặm, bẩn thỉu, xấu xa, bất công, bất chính giống như những hạt bụi bám vào hồn người, vào lương tâm ngay chính của con người, mà chúng ta phải thanh tẩy để có thể soi mình trong tấm gương là Chúa Giêsu.

Nhưng làm sao ta có thể tẩy sạch được bụi trần khi ta cứ đóng kín trong cuộc sống ích kỷ, lo lắng cho cá nhân mình. Chúng ta phải hoà mình vào dòng nước như Chúa Giêsu để thánh hoá vật chất quanh ta. Chúng ta phải hoà mình vào cộng đồng nhân loại giống như Chúa Giêsu để giúp họ thăng tiến đời sống, vượt qua những tham vọng, dục vọng, giúp họ tìm lại được ánh sáng, công lý, sự thật, tình yêu bằng những ân sủng Thánh Thần ban cho ta.

Nhiệm vụ tẩy sạch bụi trần cùng với Đức Kitô của mỗi Kitô hữu là một nhiệm vụ hết sức cao quý và chỉ có thể thực hiện được nếu ta có một tình yêu rộng lớn, quảng đại, trong sáng như Chúa Giêsu, một tình yêu khiêm tốn, âm thầm giống như Isaia kể lại trong bài đọc hôm nay: “Tim đèn leo lét Người cũng chẳng nỡ tắt đi. Người không kêu to, không nói lớn… Người không yếu hèn, không chịu khuất phục cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42,3-4).

Lời kết

Hôm nay chúng ta dâng lên Chúa tất cả  cố gắng, hành động để cùng với Người, thể hiện ân sủng của bí tích Rửa Tội và Giải Tội trong đời sống thường ngày.

HKK