Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Anh vừa kết luận ‘không nghi ngờ gì nữa’ biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu. Kết luận này ngược lại với ý kiến đang bị chỉ trích của chính phủ Úc.
Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Anh vừa kết luận ‘không nghi ngờ gì nữa’ biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu. Kết luận này ngược lại với ý kiến đang bị chỉ trích của chính phủ Úc.
Lính cứu hỏa nỗ lực để bảo vệ nhà dân không bị lửa cháy lan đến gần thị trấn Nowra, bang New South Wales, Úc ngày 31-12-2019 – Ảnh: AFP
Theo Reuters ngày 14-1, một nhóm các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu tại Anh đã đánh giá 57 nghiên cứu khoa học và rút ra kết luận là hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến thời tiết trở nên khô, nóng hơn trên toàn thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy rừng xảy ra.
Ông Iain Colin Prentice – một trong các tác giả của bản đánh giá trên và là giám đốc Trung tâm Leverhulme về cháy rừng, môi trường và xã hội tại Cao đẳng Hoàng gia London (Imperial College London) – cho biết “không còn nghi ngờ gì nữa” về mối liên hệ giữa khí hậu và nguy cơ hỏa hoạn.
“Úc đã nóng lên hơn 1 độ C. Hỏa hoạn thì cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao”, ông Prentice nói với hãng tin Reuters. Các đám cháy rừng đang tàn phá nhiều khu vực trên nước Úc hiện nay là “chưa từng có”, theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới.
Trước đó, như Reuters đưa tin, chính phủ Úc khẳng định không có mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và các vụ cháy rừng khiến ít nhất 28 người thiệt mạng, hơn 2.000 ngôi nhà cháy rụi và ảnh hưởng đến 11,2 triệu ha đất trên toàn nước này.
Thủ tướng Úc Scott Morrison và Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor cho rằng nước này không cần phải cắt giảm phát thải carbon để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, chỉ ra rằng Úc đã đạt mục tiêu giảm phát thải đề ra cho năm 2020.
Ý kiến trên đã vấp phải sự chỉ trích từ những người biểu tình vì khí hậu, trong khi đảng Lao động đối lập kêu gọi chính phủ cần thêm nhiều nguồn lực để chuẩn bị đối phó và ngăn chặn thảm họa cháy rừng.
Tất cả 57 nghiên cứu trong đánh giá của nhóm các nhà khoa học tại Anh đều chỉ ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự gia tăng mức độ thường xuyên của “thời tiết gây cháy”. Các nghiên cứu trên bao gồm các phân tích toàn cầu về cháy rừng cũng như các nghiên cứu tập trung tại Úc, Mỹ, Hi Lạp và Canada.
Nhóm nghiên cứu tại Anh cho biết mùa cháy rừng đã kéo dài hơn mức trung bình toàn cầu khoảng 20% mặc dù các khu vực bị hỏa hoạn đã giảm trong vài thập kỷ qua, phần lớn là nhờ việc lấy các đồng cỏ làm đất nông nghiệp nên ít khả năng bị cháy hơn.
“Thời tiết gây cháy xảy ra tự nhiên nhưng đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và lan rộng vì biến đổi khí hậu. Hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình dưới 2 độ C sẽ giúp tránh nguy cơ gia tăng các rủi ro của thời tiết gây cháy cực đoan”, giáo sư Richard Betts – đồng tác giả của đánh giá trên, nhận định.
TTO