26/12/2024

Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ ‘Tây học’ đầu tiên của Việt Nam

TS Hoàng Thị Nga không chỉ là nữ tiến sĩ ‘Tây học’ đầu tiên mà còn là tiến sĩ ngành khoa học cơ bản đầu tiên của Việt Nam. Bà từng là hiệu trưởng Trường cao đẳng Khoa học.

 

Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ ‘Tây học’ đầu tiên của Việt Nam

TS Hoàng Thị Nga không chỉ là nữ tiến sĩ ‘Tây học’ đầu tiên mà còn là tiến sĩ ngành khoa học cơ bản đầu tiên của Việt Nam. Bà từng là hiệu trưởng Trường cao đẳng Khoa học.



Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Di ảnh của TS Hoàng Thị Nga tại bàn thờ từ đường họ Hoàng ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội – Ảnh chụp lại

 

Thế nhưng cuộc đời bà hầu như không còn ai biết…

Thật vẻ vang cho đàn bà nước Nam…

Ngày 1-7-1935, tờ Tạp chí Khoa Học số 97 đăng một bài viết với tựa đề “Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ tiến sĩ về khoa học vật lý”.

Bài báo viết: TS Hoàng Thị Nga quê ở làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông. Thân phụ của bà là quan tuần phủ Hoàng Huân Trung. Anh em của bà có nhiều người là trí thức, chẳng hạn ông Hoàng Cơ Nghị – cử nhân khoa vật lý học, giáo sư Trường trung học Bảo hộ. Bà sinh năm 1903, học trường sư phạm (ở phố Hàng Bài).

Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất bên ta, bà sang Pháp học tú tài phần hai rồi vào học tại Viện Khoa học (Faculté des Sciences) ở Paris. Sau khi đỗ cử nhân về khoa học, bà học tiến sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ vào ngày 19-3-1935 (trước đó ta cũng đã có tiến sĩ “Tây học” là ông Nguyễn Mạnh Tường, nhưng về luật và văn học), ở thời điểm mà số người có bằng đại học ở ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bài báo cho biết: “Hội đồng, sau khi nghe bài luận thuyết của cô, đồng thanh ngợi khen cô và nhận cho cô được lấy bằng tiến sĩ vào ưu hạng”. Đề tài luận án tiến sĩ của bà Nga là Photovoltaic properties of organic substances (Các tính chất quang điện của các chất hữu cơ).

Theo GS Đàm Thanh Sơn, đây là một đề tài rất hiện đại. Vì thế mà một bài báo của bà từ năm 1939 đến năm 1996 vẫn còn được trích dẫn.

Tuy nhiên, hơn 80 năm trôi qua, tên tuổi bà Nga rất ít người biết. Mãi đến tháng 12-2018, gia đình cố GS Đào Văn Tiến (một nhà sinh học) công bố một số đoạn hồi ký của ông, trong đó có đoạn viết về bà Hoàng Thị Nga với tư cách là hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Khoa học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (có thể ở đây GS Đào Văn Tiến viết nhầm cao đẳng thành đại học, vì thời điểm đó ta mới chỉ có Trường cao đẳng Khoa học). Theo đó, thời điểm TS Hoàng Thị Nga nhậm chức là cuối năm 1945.

Đoạn viết mô tả khá chi tiết vẻ ngoài của TS Nga và nội dung trao đổi giữa cố GS Đào Văn Tiến với bà trong một số lần tiếp xúc, khi GS Đào Văn Tiến làm việc ở Trường cao đẳng Khoa học. Hồi ký có đoạn: “Được độ hai tháng sau khi khai trường thì tôi không thấy bà đến trường làm việc nữa. Trước đó thường ngày bà đến rất đúng giờ vì nhà bà ở ngay phố Lý Thường Kiệt. Một số thầy giáo, trong đó có tôi, đã không hiểu tại sao! Ít lâu sau thì nghe tin bà đã rời Việt Nam về Pháp”.

Phụ nữ đầu tiên làm hiệu trưởng trường đại học

Trong khi các thông tin về trình độ chuyên môn của bà Hoàng Thị Nga đã được khẳng định qua nhiều tư liệu, thông tin bà là hiệu trưởng Trường cao đẳng Khoa học lại không có bất cứ bằng chứng nào. Trong các tài liệu nói về lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (là những trường mà khi thành lập đã “kế thừa” di sản giáo dục đại học mà Pháp để lại), chưa bao giờ cái tên Hoàng Thị Nga được nhắc tới.

Trao đổi với tôi, PGS Nguyễn Kim Sơn – giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết ông đã cho kiểm tra lại tư liệu nhưng không thấy thông tin về TS Hoàng Thị Nga. Một số nhà sử học có nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa – giáo dục Việt Nam giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám cũng cho biết họ chưa gặp tư liệu nào nhắc đến tên TS Hoàng Thị Nga.

Tuy nhiên, trong cuốn ĐH Y Hà Nội – Năm tháng và sự kiện được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường y, có một số chi tiết nhắc đến TS Hoàng Thị Nga. Trong chương 2 (thời kỳ kháng chiến chống Pháp), khi nói về việc Trường ĐH Y dược hoạt động trở lại ngay sau Cách mạng Tháng Tám, các tác giả cuốn sách ghi chú: “Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, chính quyền cách mạng đã ổn định tổ chức các trường đại học gồm: ĐH Y dược, ĐH Khoa học, ĐH Luật khoa, CĐ Mỹ thuật, ĐH Văn khoa và một số trường kỹ thuật khác (đáng chú ý là chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học được giao cho bà Hoàng Thị Nga, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ toán học)” (ở đây có sự nhầm lẫn về chuyên ngành tiến sĩ của bà Hoàng Thị Nga).

Đoạn nói về chính sách lương cho cán bộ giảng dạy ở Trường ĐH Y dược, các tác giả cuốn sách ghi chú: “Tham khảo: bà Hoàng Thị Nga được chính quyền Pháp cử làm giáo sư Trường cao đẳng Khoa học từ 15-5-1945; và đến 15-8-1945 thì đề bạt hiệu trưởng. Dường như bà chưa được lĩnh lương trong những ngày ấy.

Ngày 7-11-1945, chính quyền cách mạng đã ra nghị định (tóm tắt nội dung): 1) vẫn trả lương cho bà Nga từ khi có chức vụ giáo sư là 642,26 đồng/tháng; 2) từ khi giữ chức hiệu trưởng thì hưởng 1.033,54 đồng/tháng (thời kỳ trước cách mạng). Cố nhiên, nay dưới chính thể mới, bà vẫn tiếp tục hưởng lương đó (quy đổi từ tiền thời Pháp sang)…”.

Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 2.

Trang bìa Luận án, trình bày tại khoa khoa học Đại học Paris để nhận bằng tiến sĩ về vật lý, do bà Hoàng Thị Nga trình bày – Ảnh: Tư liệu

 

“Mất dấu vết” trong lịch sử đại học Việt Nam

 

Theo tìm hiểu của người viết, sau Cách mạng Tháng Tám, chính phủ ta đã thành lập một số trường ĐH mới, bên cạnh duy trì hoạt động của các trường ĐH và CĐ cũ (đều là thành viên của Đại học Đông Dương) từ thời Pháp thuộc. Trong đó, Trường cao đẳng Khoa học là một trong số các trường “cũ” của ĐH Đông Dương.

Tất cả các trường ĐH, CĐ này, cả cũ và mới, đều nằm trong một chủ thể có tên gọi chung là Đại học mà ông Nguyễn Văn Huyên là giám đốc Đại học vụ. Tên gọi trường ĐH Việt Nam xuất hiện lần đầu trong sắc lệnh số 43 ngày 10-10-1945, về việc thiết lập cho trường ĐH Việt Nam một quỹ tự trị. Tất cả những trường ĐH, CĐ trong ĐH Việt Nam (trong đó có Trường cao đẳng Khoa học) khai giảng ngày 15-11-1945.

Nhưng đến ngày 18-2-1946, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hòe đã ban hành nghị định cho phép các ban đại học tạm đình giảng ít lâu (trừ những lớp Anh ngữ và Nga ngữ) với lý do “chiếu tình thế hiện thời”, “muốn để sinh viên tham gia vào các công tác thiết thực lúc này”.

Sau đó, kháng chiến chống Pháp bùng nổ nên việc tạm đình giảng này kéo dài không có thời hạn (trừ Trường ĐH Y dược, vì sau đó trường đã tổ chức hoạt động bình thường ở chiến khu Chiêm Hóa, Tuyên Quang ).

Trong một bài viết từ năm 2009, cố nhà báo Hàm Châu (một người chuyên viết về đề tài khoa học) đã nhắc đến bà Hoàng Thị Nga với tư cách là “giám đốc Trường ĐH Khoa học”, rằng bà đã xin sang Pháp “định cư vì việc riêng” sau nghị định tạm đình giảng nói trên.

Sinh thời, GS Ngô Thúc Lanh (một trong những hạt nhân đầu tiên của khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với người viết bài rằng sau giải phóng thủ đô, Trường Sư phạm cao cấp chuyển về Hà Nội tiếp quản Trường CĐ Khoa học, sau đó sáp nhập với một số trường khác để thành lập Trường ĐH Sư phạm khoa học.

Chỉ tồn tại 2 năm với 3 khóa đào tạo nhưng Trường ĐH Sư phạm khoa học trở thành “máy cái” cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường ĐH được thành lập sau đó. Năm 1956, hai trường ĐH Sư phạm khoa học và ĐH Sư phạm văn khoa được nhập lại rồi tách ra thành hai trường hoàn chỉnh: ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội.

Như vậy, lịch sử Trường CĐ Khoa học có một “vết gãy” khá dài, từ 1946-1954. Phải chăng đó là lý do mà tên tuổi TS Hoàng Thị Nga mất hút hoàn toàn trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam?

Vĩ thanh

Đại gia đình bà Hoàng Thị Nga có 18 anh chị em, nhiều người là trí thức nổi danh, con cháu hiện sống rải rác ở nhiều nước.

Ở làng Đông Ngạc giờ chỉ còn người cháu trai duy nhất, ông Hoàng Kim Đồng, người gọi cụ Hoàng Huân Trung là ông nội, gọi bà Nga là cô ruột, trông giữ từ đường. Ông Hoàng Kim Đồng nói: “Tất cả những gì tôi biết về cô là cô sinh ra và có tuổi thơ êm đềm tại chính ngôi nhà này. Lớn lên thì cô ra ở tại 28 Hàng Vôi, một ngôi nhà trên phố của ông bà nội tôi, để đi học.

Sau khi cô sang Pháp làm gì thì chúng tôi không được biết. Những người ruột thịt biết rõ về cô thì đều đã qua đời. Vài người nữa đang ở Pháp và Mỹ có thể vẫn lưu giữ một số kỷ niệm về cô thì đã 80-90 tuổi, nhưng hiện họ giao tiếp cũng khá khó khăn”.

Cũng theo ông Đồng, trong gia phả rất ít thông tin về bà Hoàng Thị Nga, có thể vì bà là “nữ giới”, mà theo quan niệm của người xưa là “ngoại tộc”. Chỉ biết bà không lập gia đình và qua đời tại Pháp năm 1970.

Ban đầu bà được an táng tại Nice. Ngày 13-9-2000, di cốt bà được cải táng về nghĩa trang Antony, đường Châteney 92160 Antony (Hauts-de-Seine), trong hầm mộ của gia đình ông Hoàng Cơ Thụy (em trai của bà).

Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 3.

Bài báo viết về bà Hoàng Thị Nga trên tờ Tạp chí Khoa Học số 97

 

 

QUÝ HIÊN

TTO