Về với cội nguồn
Cha ông ta vẫn thường nói: “sống gửi, thác về” (sinh ký, tử quy), nhưng lại chưa xác định được sẽ về đâu và về như thế nào nên hầu như mọi người đều sợ hãi khi bước vào cuộc hành trình bất định.
Bài 29
Về với cội nguồn
Lời mở
Cuộc hành trình của mỗi người chúng ta ở trần thế kết thúc với cái chết như một cánh cửa để ta bước qua với niềm tin tưởng và hy vọng vì được trở về với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu của mình và với lòng thanh thản vì được giải thoát không còn bị ràng buộc bởi vật chất, không gian, thời gian. Cha ông ta vẫn thường nói: “sống gửi, thác về” (sinh ký, tử quy), nhưng lại chưa xác định được sẽ về đâu và về như thế nào nên hầu như mọi người đều sợ hãi khi bước vào cuộc hành trình bất định.
Hơn nữa, khi nghĩ đến những sự việc đi kèm với cái chết như phán xét, thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục, …, người ta lo sợ, ngại ngùng, vì không biết chúng thật sự là gì và sẽ được thực hiện ra sao do hiểu sai về chúng. Vì thế chúng ta hãy tìm hiểu về chúng để luôn sống trong niềm vui và hy vọng.
- Chết là một cuộc thăng hoa
1.1. Chết là gì?
Theo định nghĩa truyền thống, chết là khi tim ngừng đập và không còn hô hấp, tiếp theo là sự hư hỏng và phân huỷ của cơ thể. Tuy nhiên, với các kỹ thuật y khoa hiện đại săn sóc người hấp hối, người ta có thể duy trì hoạt động của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn trong khi các chức năng não đã bị mất một cách vĩnh viễn. Người bệnh chỉ duy trì một đời sống thực vật, vô tri giác, hôn mê kéo dài có thể vài năm. Do đó ranh giới giữa sự sống và cái chết ngày càng trở nên mờ nhạt [chuthich]X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.412- 413[/chuthich][1].
Vì thế, y khoa thường phân biệt chết lâm sàng và chết não. Chết lâm sàng là khi các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết với các dấu hiệu như tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Chết não là khi dùng máy đo hoạt động của não, người ta thấy đường biểu diễn sóng não chỉ còn là một đường thẳng, chứng tỏ não không còn hoạt động, các mô bắt đầu phân huỷ. Căn cứ vào tiêu chuẩn chết não, người đó được cho là chết thật và từ đó mới được phép lấy đi các cơ quan có thể chưa phân huỷ của họ như gan, thận, tim… để cấy ghép cho những người khác. Như thế, chết theo khoa học là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý.
Cái chết bắt nguồn do bệnh tật, do chấn thương, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và cuối cùng là do tuổi già. Với những tiến bộ của khoa học, người ta hy vọng trong vài chục năm nữa có thể kéo dài tuổi thọ con người đến 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng sẽ chết!
1.2. Cái chết có thật không?
Sở dĩ khó định nghĩa được cái chết mà chỉ có thể mô tả vì nó không có thật. Chết không phải là một thực tại, một cái gì có thật như cái nhà, cái xe hay như tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. “Chết là hết sống”. Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Một người đang sống vui vẻ khoẻ mạnh, tự nhiên lăn đùng, giãy vài cái, rồi nằm im bất động. Sờ vào người, thấy tim không còn đập, không còn thở, ta bảo người đó vừa chết. Chết bởi vì người này không còn sống. Vậy nếu chết không có thật thì ta sợ nó làm gì?
Có người nói cái chết là do Thiên Chúa tạo nên vì “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Có người lại nghĩ cái chết là do Tử Thần quyết định hay do Diêm Vương cai quản. Thật ra, đó chỉ là những kiểu nói nhân cách hoá cái chết, chứ không có vị thần nào làm chủ cái chết cả. Còn Âm phủ, địa ngục cũng chỉ là nơi chốn tưởng tượng do con người vẽ ra để ngăn ngừa người ta làm ác.
Theo Thần học Công giáo, vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên không ai chết cả. Mọi người đều đang sống và sống mãi mãi, dù thân xác vật chất của họ đã tiêu tan. Thân xác đó sẽ sống lại vào ngày tận thế khi vật chất được ổn định, không còn chuyển hoá từ vật này sang người khác và thăng hoa nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” [chuthich]Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38[/chuthich] [2]“vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”[chuthich]Lc 20,38[/chuthich] [3].
1.3. Tại sao có cái chết?
Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có cái chết vì không hiểu cái chết thật sự là gì. Chỉ Kitô giáo mới nói rõ cho ta về nguồn gốc của cái chết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu”[chuthich]Kn 1,13-14[/chuthich] [4].
Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của tinh thần. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Giống như một số Thiên Thần dùng tự do để chối từ Thiên Chúa nên biến thành quỷ dữ thì con người cũng đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt, nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Rồi vạn vật vì liên hệ mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người[chuthich]X. Rm 8,20-23[/chuthich] [5]. Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”[chuthich]Kn 2,23-24[/chuthich][6].
Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.
1.4. Cái chết có đáng sợ không?
Chúng ta được mời gọi để nhìn thẳng vào cái chết, đối mặt với nó để xem nó có đáng sợ không.
Chết thật ra chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Chết giống như một ngưỡng cửa để ta bước vào cõi vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt và cũng không làm ta mất mát bất cứ thứ gì hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn vì chúng ta không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và vật chất nữa. Một người chết ở bên Mỹ, ở ngoài Bắc, ở trong Nam, tất cả đều gần nhau vì không còn bị ngăn cách bởi không gian. Một người chết cách đây chục ngàn năm, vài trăm năm như tổ tiên hay vài chục năm như ông bà cha mẹ: tất cả đều đang có mặt bên nhau vì không còn bị thời gian chi phối.
Vì thế, trong thánh lễ, tất cả đều hiện diện, đều sống động bên Chúa: các thiên thần, các thánh nhân, các linh hồn đã khuất, cùng với ông bà, cha mẹ, bạn bè ta. Nhờ vậy, khi hiểu cái chết làm cho ta gần gũi nhau hơn, tác động lên nhau cách hiệu quả hơn thì chúng ta phải vui mừng thay vì e ngại, sợ hãi.
Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã than khóc, lăn lộn bên xác người vừa chết như là mất mát tất cả. Có người còn muốn nhào xuống huyệt để được chôn táng theo người thân, người tình. Đó là những thái độ không đúng. Có người lại cố gắng sắm sửa những bộ áo quan mắc tiền, tổ chức tang lễ hết sức hoành tráng, thuê cả những người khóc mướn,… nhiều khi chỉ để khoe của, khoe danh. Họ không ngờ người mới chết đang hiện diện bên họ và rất buồn vì thấy rõ những hành động giả dối, hoang phí, trong khi nhiều người khác đang đói khổ. Người ta thường không hiểu rằng người đã khuất có thể giúp đỡ bạn bè thân thuộc cách hiệu quả hơn khi họ sống ở trần thế, nhờ lời họ chuyển cầu cùng Chúa. Nền văn hoá Kitô giáo luôn mời gọi nên tổ chức tang lễ đơn sơ, thương tiếc nhẹ nhàng, giữ vững niềm vui và hy vọng đối với người đã khuất.
1.5. Chết cách hào hùng thánh thiện
Chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, vì qua bài Tin Mừng[chuthich]X. Mc 5,21-43[/chuthich] [7], Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Người làm cho cô con gái của ông Giairô sống lại. Người nhắc bảo mọi người rằng: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Chết chỉ là một giấc ngủ để rồi chúng ta đều thức dậy, sống lại với nhau như Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để chia sẻ cho chúng ta sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa.
Khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta mới coi thường cái chết vì nó không có thật, mới dám hy sinh vì đại nghĩa. Thậm chí có nhiều người chưa biết Chúa Giêsu cũng đã tự nguyện chết để bảo vệ quê hương, chết cho những giá trị cao quý, cho những công trình nghiên cứu khoa học… Nhà ái quốc Phan Bội Châu[chuthich]1867-1940[/chuthich][8] đã nhắc nhở chúng ta: “Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh, chết tựa Trưng Vương phách hoá thần”. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể chết cách hào hùng, thánh thiện như Người đã chết tủi nhục trên thập giá vì yêu thương ta và muốn cứu độ ta. Người chết như thế để giúp ta hiểu được ý nghĩa của sự sống: vì “nếu ta cùng chết với Chúa Giêsu Kitô, ta sẽ cùng sống với Người”[chuthich]2Tm 2,11[/chuthich] [9].
- Tận thế là vũ trụ trở về với cội nguồn của mình
2.1. Tận thế như một chuyện đương nhiên
Nhiều người lo sợ không biết bao giờ sẽ xảy ra tận thế. Như chúng ta đã tìm hiểu, vũ trụ chắc chắn sẽ có tận cùng vì nó là vật chất và bắt nguồn từ hư không. Cách đây gần 14 tỉ năm vũ trụ xuất hiện từ vụ nổ Big Bang với hàng triệu thiên hà và hàng trăm triệu ngôi sao trong mỗi thiên hà bắt nguồn từ vụ nổ đó và tiếp tục thành hình cũng như biến mất vào những lỗ đen của vũ trụ. Thuyết tiến hoá của Darwin cũng giới thiệu cho ta con đường phát sinh của muôn loài trên trái đất này. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả vũ trụ này từ hư không, tạo thành loài người chúng ta và đặt vào trong trái đất này, ban cho ta tình yêu, hạnh phúc, ơn cứu độ để một ngày nào đó, vào lúc tận cùng của thời gian, tất cả cùng với vũ trụ trở về nguồn gốc của mình là Thiên Chúa Tạo Hoá, và hoà nhập vào sự sống vĩnh hằng của Ngài để tạo thành một trời mới đất mới[chuthich] 1Pr 3,13; Kh 21,1; sách GLHTCG, số 1043[/chuthich] [10] với những con người mới[chuthich]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 48[/chuthich] [11]. Khi đó, “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất”[chuthich]Kh 21,4; sách GLHTCG, số 1044[/chuthich] [12]. Như thế, tận thế không đáng cho ta lo sợ, nhưng là lẽ đương nhiên mà ta phải hy vọng vì cả vũ trụ được trở về với nguồn gốc hoàn hảo tuyệt vời của mình.
Thật ra, tận thế và cái chết không phải là những điều đáng cho ta lo sợ trước những đổ vỡ, huỷ diệt, xa cách, mất mát, nhưng là một cuộc lên đường trở về nhà Cha, một cuộc thăng hoa để biến đổi tất cả những gì ta có, ta làm, ta đạt được trong trần thế này thành vĩnh hằng, vô tận, tuyệt đối, nhờ được gắn bó với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người. Nhờ cái chết, ta bước vào thời gian vĩnh hằng, nên dù tận thế có xảy ra vài tỷ năm sau này, nó cũng không xa cách với cái chết của ta. Do đó, các nhà thần học xác định tận thế trùng hợp với cái chết của mỗi người, và cuộc phán xét riêng cũng đồng thời với phán xét chung.
2.2. Ba lần Chúa đến
Giáo Hội thường nhắc nhở ta về 3 lần Chúa đến. Lần đến thứ nhất, trong quá khứ, cách đây hơn 2000 năm, khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người qua mầu nhiệm Nhập Thể để đến với muôn loài qua cuộc giáng sinh tại Bêlem. Người đến để cứu độ khi hoà giải chúng ta với Chúa Cha. Người đã yêu thương chúng ta cho đến cùng và để lại cho ta gương mẫu tình yêu tuyệt vời của Người.
Lần đến thứ hai đang thực hiện trong hiện tại. Chúa đến với mỗi người chúng ta mang theo ơn lành, tình yêu, quyền năng để ta có thể gắn bó với Người và làm chứng cho Người.
Lần đến thứ ba thực hiện trong tương lai. Người sẽ đến trong vinh quang với tất cả thần thánh như lời kinh Tin Kính ta đọc mỗi Chúa Nhật: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Lần Chúa đến này rất bất ngờ nên đòi hỏi ta phải canh thức. Nhưng đó lại là đích điểm cho cuộc hành trình của mỗi người để ta gặp gỡ được Chúa cách trọn vẹn và mãi mãi.
Như thế, ta sẽ luôn chờ đợi Chúa đến với mình trong một Mùa Vọng, được gọi là vĩnh hằng.
2.3. Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng
Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng bởi vì lúc nào ta cũng sống trong niềm hy vọng rằng Chúa đến với mình để giải thoát mình khỏi bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian.
Chúa đến để nối kết những điểm của thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất cùng với không gian, trong đó vật chất vận động, phát triển liên tục không ngừng. Chúng ta có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè sống ở những khoảng thời gian khác nhau. Khi vượt qua thời gian là chúng ta sẽ gặp gỡ được tất cả những người ấy trong Chúa. Đó phải là một niềm vui vô cùng lớn lao và chúng ta luôn hy vọng sẽ đạt được niềm vui này.
Chúa còn đến để nối kết mọi không gian xa cách. Như chúng ta vừa nói, không gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất có những độ dài, lớn khác nhau, vật này ở cách xa vật kia, nước này ở cách xa nước nọ… Không gian ấy trải rộng ra cả vũ trụ bao la. Khi Chúa đến, Ngài sẽ nối kết tất cả những không gian xa cách đó để làm cho chúng xích lại gần nhau và hoà nhập trong nhau! Lúc đó chúng ta không còn xa lạ vì người Bắc, kẻ Nam, không còn phân biệt chủng tộc vì là người Việt Nam, Hoa Kỳ hay Trung Quốc, không còn khác biệt vì là công dân của trái đất này hay là những người ngoài hành tinh nữa vì tất cả đều là anh chị em ruột thịt của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Chúng ta hy vọng được nối kết trọn vẹn với nhau, không còn lo sợ vì những cuộc xâm lấn đất đai hay chiến tranh giữa các vì sao nữa. Như thánh Phaolô đã đã từng gợi ý: “Anh em không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô”[chuthich]Gl 3,28[/chuthich] [13].
Vậy Mùa Vọng chính là thời điểm dẫn ta đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài đưa ta vượt qua những ngăn cản của vật chất, hoà nhập vào thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa và vào không gian kỳ diệu của Ngài. Tất cả chúng ta có bao giờ mơ ước điều đó không?
Khi đến lần thứ nhất Người đã thực hiện điều đó trong con người của mình để đem thân xác hữu hạn của con người vào không gian vô tận và thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa. Khi đến lần thứ hai Người đưa mỗi người chúng ta hoà nhập với Người để biến đổi những gì của ta thành của Người. Khi đến lần thứ ba trong vinh quang, Người đưa toàn thể vũ trụ vạn vật vào trong sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Cả ba lần Chúa đến đều hoà nhập nơi Đức Giêsu nên Thánh Phaolô mới quả quyết rằng: “Chúa Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời”[chuthich]Dt 13,8[/chuthich] [14]. Đó chính là hoàn thành chung cuộc kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là “quy tụ muôn loại trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”[chuthich] Ep 1,10[/chuthich] [15].
- Phán xét là biểu lộ tình yêu cứu độ
Những điều người ta lo sợ nhất khi nghĩ đến cái chết là cuộc phán xét công minh của Thiên Chúa, là những hình khổ khủng khiếp ở hoả ngục hay luyện ngục vì đời sống tội lỗi của mình. Nhưng ai sẽ xét xử loài người và vũ trụ, xét xử theo luật lệ nào và thưởng phạt muôn loài ra sao?
Trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu cũng loan báo về cuộc phán xét vào ngày tận thế giống như các tiên tri[chuthich] X. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19[/chuthich][16] và Gioan Tẩy Giả[chuthich] X. Mt 3,7-12[/chuthich][17]. Lúc đó cách sống của mỗi người [chuthich]X. Mc 12,38-40 [/chuthich] [18] và những bí mật trong tâm hồn[chuthich]X. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1Cr 4,5[/chuthich] [19] sẽ được đưa ra ánh sáng. Lúc đó cách đối xử với đồng loại, đúng hay sai, tốt hay xấu, sẽ được xét xử để chứng tỏ người ta đón nhận hay từ chối ân sủng của Thiên Chúa[chuthich] X. Mt 5,22; 7,1-5[/chuthich] [20]. Lúc đó Chúa Giêsu sẽ nói với mỗi người rằng: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”[chuthich]Mt 25,40. X. Sách GLHTCG, số 678[/chuthich][21].
Chúa Giêsu Kitô, với tư cách là Đấng Cứu chuộc trần gian cũng là Vua của vũ trụ vì “mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người”[chuthich]X. Ga 1,3[/chuthich] [22], có thẩm quyền để phán xét nhờ cuộc chiến thắng qua thập giá của Người. Hơn nữa Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử vì Người là Con của Ngài”[chuthich]Ga 5,22[/chuthich] [23]. Nhưng Chúa Con không đến để xét xử mà đến để cứu độ[chuthich]X. Ga 3,17[/chuthich] [24] và để ban sự sống của Người[chuthich]X. Ga 5,26[/chuthich][25]. Qua việc từ chối ân sủng, từ chối tình yêu khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[chuthich] X..Ga 3,18; 12,48[/chuthich] [26], rồi lãnh nhận phần thưởng hay hình phạt tạm thời hoặc vĩnh viễn tuỳ theo các công việc của mình[chuthich]X. 1Cr 3,12-15; Mt 12,32; Dt 6,4-6;10,26-31; Sách GLHTCG số 679 [/chuthich] [27].
Nhiều tín hữu đã tưởng lầm cuộc phán xét sẽ được tổ chức như hoạ sĩ Michelangelo[chuthich]X. Sự phán xét cuối cùng là một tranh tường do Michelangelo sáng tác, vẽ trên tường của nhà nguyện Sistina ở thành Vatican. Phải mất 4 năm để hoàn thành bức hoạ này, từ năm 1537 đến năm 1541.[/chuthich] [28] đã mô tả trong hoạ phẩm của ông. Chúa không sai thiên thần ghi chép từng hành vi của con người trong một cuốn sổ để tra cứu và căn cứ vào đó để kết án. Chúa cũng chẳng cân tội phúc của con người theo mức nặng nhẹ để thưởng phạt. Nhưng vì con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa, nên ngay sau khi bước qua ngưỡng cửa cái chết, con người sẽ thấy Chúa là nguyên mẫu tốt lành, trong sáng, thánh thiện của mình. Dưới ánh sáng phản chiếu của Chúa, con người cũng thấy ngay những điểm sáng và điểm tối trong toàn bộ đời mình qua từng tư tưởng, lời nói, hành động của mình trong mỗi không gian và thời gian khác nhau như soi mình trong một tấm gương huyền bí. Rồi tức khắc con người cũng xác định ngay được tình trạng của mình để vào được thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục. Đó là cuộc phán xét do chính con người xét xử mình.
Có người tính toán rằng gia đình nhân loại lúc đó có vài trăm tỷ người thì lấy đâu ra chỗ đủ rộng để Chúa phán xét mọi người. Nhưng khi con người không còn lệ thuộc vào vật chất thì muôn loài, muôn vật đều được quy tụ trong không gian vô tận của Thiên Chúa. Vì thế, khi ta không để cho vật chất giam hãm, trói buộc ta vào trong thời gian và không gian của nó theo lòng tham và lòng dục của con người, là ta sẽ cảm nhận ngay được sự hiện diện của muôn loài ở gần mình cũng như cảm nghiệm được Chúa đang ở với mình trong từng giây phút sống.
Có người đã tự hỏi Chúa sẽ xét xử theo luật pháp nào hay con người tự xét xử theo luật pháp nào, như người ta vẫn thường thấy trong các toà án ở trần thế, khi những thẩm phán dựa vào các bộ luật với những điều khoản khác nhau để xét xử và kết án tội nhân. Người tín hữu đã nghĩ đến những bộ luật như Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc, bộ luật của Giáo Hội. Chúa không dùng những bộ luật ấy để kết tội con người. Như Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn về cuộc phán xét chung[chuthich] X.Mt 25,31-46[/chuthich] [29], Người chỉ yêu cầu một tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu hay lòng bác ái đối với những con người khốn khổ quanh ta.
Người nói với những người được khen thưởng rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Những người bị kết án chịu cực hình muôn kiếp cũng thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu!”. Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
Như thế cuộc phán xét riêng hay chung chính là dịp biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa và khen thưởng tình yêu của con người. Do con người được dựng nên nhờ tình yêu Thiên Chúa thì họ cũng bị xét xử bằng chính tình yêu này vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu[chuthich] 1Ga 4, 8.16 [/chuthich][30]. Khi soi mình vào tấm gương tình yêu, con người sẽ có dịp để thấy ngay những điểm tối điểm sáng trong tình yêu của họ đối với muôn loài. Chính vì thế khi con người biết yêu thương thì họ không quan tâm đến việc mình sẽ bị xét xử như thế nào[chuthich]Gc 2,13[/chuthich] [31].
- Những tình trạng sống sau khi chết
Ngay sau cuộc phán xét con người đón nhận được tình trạng sống của mình mà chúng ta thường gọi là thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục. Tình trạng sống này đã bị hiểu lầm do sự pha trộn về ý niệm và hình ảnh giữa các tôn giáo với nhau. Nhiều tín hữu Công giáo đã nhầm lẫn hoả ngục với địa ngục, luyện ngục với âm phủ, thiên đường với Niết Bàn (Nirvana) của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bà La môn giáo và nhiều tôn giáo khác[chuthich]X. Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo 2014. tr 383-400[/chuthich] [32].
Qua dụ ngôn Tin Mừng[chuthich] X.. Lc 16,19-31[/chuthich][33], Chúa Giêsu cũng mô tả cho chúng ta thấy hai thái độ sống đối lập nhau: thái độ sống buông thả, hưởng thụ của người giàu và thái độ sống âm thầm chịu đựng của anh Lazarô nghèo khó trong đời sống ở trần thế. Người giàu mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình, khiến ông không nhìn thấy bất cứ ai ngoài mình. Ông chẳng ngó ngàng đến người nghèo Lazarô nằm ngay trước cửa nhà ông, mụn nhọt đầy mình, đói đến độ thèm được ăn miếng cơm thừa, canh cặn ở bàn tiệc của ông mà cũng chẳng ai cho. Anh không buồn sầu, khóc lóc, van xin ai. Anh chỉ âm thầm chịu đựng trong niềm vui và bình an vì anh tin tưởng Chúa nhìn thấu tất cả và sẽ trả công cho tất cả những gì anh chịu đựng cho Ngài. Kết thúc cuộc đời, anh được hưởng hạnh phúc tuyệt vời là ở trong lòng Abraham để dự tiệc Nước Trời. Còn ông nhà giàu lại ở dưới âm phủ, bị lửa thiêu đốt, bị khát đến nỗi chỉ mong vài giọt nước từ bàn tay Lazarô nhỏ xuống lưỡi cho mát.
Câu chuyện trong dụ ngôn khiến chúng ta liên tưởng tới thiên đường, luyện ngục và hoả ngục, mà mỗi người chúng ta sẽ nhận được sau cuộc phán xét của Chúa, như kết quả cuộc sống ở thế trần. Nhưng chúng thật sự là gì và ta sẽ sống như thế nào để đạt được hạnh phúc thiên đường như Lazarô.
4.1. Thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là gì?
Chúng là những tình trạng sống của con người sau khi chết, chứ không phải là những nơi chốn cố định, rõ rệt như ta vẫn quan niệm trong không gian ba chiều hiện nay. Nếu ta mở lại sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, ở số 1023-1029 nói về thiên đường, số 1030-1032 nói về luyện ngục, số 1033-1037 nói về hoả ngục, cũng như mở lại những tài liệu của Công đồng Vaticanô II nói về Nước Trời[chuthich]X. Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 3, 5, 35-36, 44, 46 và Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 39, 45.[/chuthich][34], ta sẽ học được nhiều điều mới mẻ về các tình trạng sống này.
Trước hết, Thiên Chúa không tạo nên các toà nhà lớn với tường cao như ngục tù để những ai vào đó không thể thoát ra ngoài. Trong dụ ngôn Tin Mừng, ông nhà giàu và Lazarô, dù ở hai tình trạng khác biệt, vẫn trông thấy nhau, nói chuyện với nhau, nhưng có một vực thẳm vô hình ngăn cách đôi bên. Ông ta còn xin Abraham gửi Lazarô về trần thế để nhắc bảo anh em mình thay đổi đời sống cho khỏi sa vào cực hình như ông. Những điểm này chứng tỏ mọi người vẫn có thể gặp gỡ nhau, dù sống trong bất cứ tình trạng nào. Đây là tình trạng sống thanh thoát, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Đây cũng là đời sống của chính Thiên Chúa, của các thiên thần, các hồn người đã khuất, trong đó có cả quỷ dữ lẫn tà ma.
Tiếp đến, thiên đường là tình trạng sống của những ai được kết hợp trọn vẹn với Chúa, không bị bất cứ một vết nhơ tội lỗi nào ngăn cản. Từng giây phút họ được Chúa chuyển thông cho họ sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và nguồn chân thiện mỹ vô cùng.
Luyện ngục là tình trạng sống của những người muốn thanh tẩy những điểm tối trong đời sống của mình để có thể kết hợp trọn vẹn với Chúa. Tuy nhiên vì không còn tự do nên những hành động sau khi chết của họ như chiêm ngưỡng và ca tụng lòng nhân từ thương xót của Chúa không còn đem lại cho họ những công phúc nữa. Nhiều bản thánh ca và những bản văn đạo đức, thậm chí của các thánh nhân, đã làm cho các tín hữu hiểu lầm về tình trạng sống này như thể là một chỗ tối tăm, đầy tiếng khóc than của những người chịu cực hình. Có người còn nghĩ họ bị lửa thiêu đốt, dù rằng ngọn lửa ấy không nóng nảy và đau đớn như lửa ở hoả ngục! Thật ra, những linh hồn ấy rất vui vì đang được thấy Chúa trong vùng ánh sáng tuyệt vời, được ca tụng Chúa với toàn thể thần thánh, nhưng niềm vui của họ chưa trọn vẹn. Họ thiết tha mọng được hoà nhập hoàn toàn với Chúa, nhưng lại tự nguyện xa cách Chúa để thanh luyện chính mình. Đấy là ngọn lửa tâm linh thiêu đốt tâm hồn họ. Nhưng họ vẫn hy vọng vì nhờ lời cầu nguyện, hy sinh, nhất là những thánh lễ của Giáo Hội và người thân, họ sẽ thanh luyện mình dần dần, để cuối cùng sẽ đạt được tình trạng thiên đường.
Hoả ngục là tình trạng của những người, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, dù với bao ân huệ Chúa ban, tiếng lương tâm nhắc nhở, người thân khuyên bảo, Giáo Hội cầu nguyện, họ vẫn cương quyết cắt đứt mối dây liên lạc với Chúa. Nên khi vừa vượt qua cái chết, họ thấy ngay Chúa tốt đẹp, nhân từ, hoàn hảo vô cùng. Vì thế họ tiếc xót, tự dằn vặt chính mình, đau khổ và tuyệt vọng vì đã cắt đứt với nguồn tình yêu, sự sống và chân thiện mỹ. Nỗi đau khổ này chính là ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt họ muôn đời, chứ không phải Chúa ném họ xuống biển lửa, ở chung với quỷ dữ tà ma, như ta vẫn thấy được mô tả trong sách Thánh Kinh, hay qua hình ảnh về các tầng địa ngục của các tôn giáo khác.
Thật ra, Chúa ở khắp mọi nơi với tất cả lòng từ bi, thương xót, tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, dù ở trong tình trạng thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, mọi thụ tạo gồm thiên thần, con người hay quỷ dữ tà ma đều thấy Ngài y như nhau. Như thế, không phải Chúa tạo thành thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục để thưởng công hay hành hạ muôn loài, nhưng là chính thụ tạo dựng nên cho mình.
4.2. Làm sao để nhanh chóng được vào thiên đường
Đó là niềm mơ ước của nhiều người chúng ta. Khi biết mình tội lỗi, xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình, biết mình phải sống trong luyện ngục để tẩy rửa các vết đen bẩn của linh hồn, ta chỉ mong được mau chóng ra khỏi đó để bước vào thiên đường.
Tuy nhiên, việc thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba[chuthich] X. 2 Cr 12,2[/chuthich][35] và nhiều vị thánh đã cảm nghiệm được thiên đường ngay trong cuộc đời trần thế, như nhắc bảo ta rằng: mình có thể và phải xây dựng Nước Trời hay thiên đường bằng thái độ sống tích cực trong tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu.
Chúng ta rất giàu về thời giờ, ân huệ, tài năng và có khi cả tiền của. Tuy nhiên, nhiều người lại đang có thái độ sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ biết có mình, phung phí các nguồn lực đó cho những đam mê, nghiện ngập như ông nhà giàu trong dụ ngôn. Ta không quản lý tốt gia sản của Cha Trên Trời nên không phát huy được hiệu quả của chúng để tạo nên thiên đường.
Ta sống mỗi ngày 24 giờ, mỗi giờ có 3.600 giây. Một nụ cười, một lời thân tình kết nối yêu thương, một lời xin lỗi để tạo lại hoà khí, một cử chỉ ân cần để cảm thông, một hành động bác ái để chia sẻ… thường chỉ tốn một vài giây, vài phút. Nhưng thử hỏi mỗi ngày ta làm được mấy lần để tạo nên hạnh phúc thiên đường cho người thân hay cho cộng đồng quanh ta? Nhiều khi ta đang tạo nên hoả ngục cho họ từ những thái độ im lặng giận hờn, những lời thô tục dối trá, những cử chỉ lãnh đạm, những hành động loại trừ nhau. Chính khi tạo nên hoả ngục cho người thì ta cũng giam hãm mình trong đó. Còn khi ta tạo nên hạnh phúc cho người thì ta cũng tạo thành thiên đường cho mình.
Thánh Phaolô khuyên nhủ ta[chuthich] X. Tm 6,11-16[/chuthich][36]: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”. Bằng những hành động, cử chỉ, lời nói, tích cực và trong sáng, chúng ta tạo nên thật nhiều điểm sáng trong từng ngày sống còn lại của đời mình. Nhờ đó chúng ta sẽ loại trừ và tẩy rửa những điểm tối bẩn trong hồn ta, để một ngày nào đó, có khi ngay trong cuộc đời trần thế, ta đã tạo nên thiên đường cho mình và cho những ai sống gần mình.
Lời kết
“Chúng ta không biết được trái đất và nhân loại, sẽ kết thúc vào thời điểm nào[chuthich] [/chuthich]X. Rm 15,16[37], chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi ra sao. Quả thật, bộ mặt của một thế giới bị biến dạng vì tội lỗi đang qua đi[chuthich]X. 1Cr 7,31[/chuthich][38], nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một thế giới mới, nơi công lý ngự trị. Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thoả mãn và lấp đầy mọi ước vọng hoà bình đang trào dâng trong lòng con người[chuthich]X. 1Cr 2,9; Kh 21,4-5[/chuthich] [39]. Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô… và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân[chuthich] X. Rm 8,19-21[/chuthich][40]. Tuy nhiên sự trông đợi thế giới mới này không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích, nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của thời đại mới. Vào thời điểm cuối cùng Chúa Kitô sẽ trao lại cho Chúa Cha Vương Quốc vĩnh cửu và phổ quát: “Vương Quốc của sự thật và sự sống, của thánh thiện và đầy ơn phúc, của công lý, tình yêu và hoà bình”[chuthich]X. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua;. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ số 39.[/chuthich] [41].
[1] X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.412- 413
[2] Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38
[3] Lc 20,38
[4] Kn 1,13-14
[5] X. Rm 8,20-23
[6] Kn 2,23-24
[7] X. Mc 5,21-43
[8] 1867-1940
[9] 2Tm 2,11
[10] 1Pr 3,13; Kh 21,1; sách GLHTCG, số 1043
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 48
[12] Kh 21,4; sách GLHTCG, số 1044
[13] Gl 3,28
[14] Dt 13,8
[15] Ep 1,10
[16] X. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19
[17] X. Mt 3,7-12
[18] X. Mc 12,38-40
[19] X. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1Cr 4,5
[20] X. Mt 5,22; 7,1-5
[21] Mt 25,40. X. Sách GLHTCG, số 678
[22] X. Ga 1,3
[23] Ga 5,22
[24] X. Ga 3,17
[25] X. Ga 5,26
[26] X..Ga 3,18; 12,48
[27] X. 1Cr 3,12-15; Mt 12,32; Dt 6,4-6;10,26-31; Sách GLHTCG số 679
[28] X. Sự phán xét cuối cùng là một tranh tường do Michelangelo sáng tác, vẽ trên tường của nhà nguyện Sistina ở thành Vatican. Phải mất 4 năm để hoàn thành bức hoạ này, từ năm 1537 đến năm 1541.
[29] X.Mt 25,31-46
[30] 1Ga 4, 8.16
[31] Gc 2,13
[32] X. Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo 2014. tr 383-400
[33] X.. Lc 16,19-31
[34] X. Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 3, 5, 35-36, 44, 46 và Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 39, 45.
[35] X. 2 Cr 12,2
[36] X. Tm 6,11-16
[37] X. Rm 15,16
[38] X. 1Cr 7,31
[39] X. 1Cr 2,9; Kh 21,4-5
[40] X. Rm 8,19-21
[41] X. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua;. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ số 39.
Nguồn: HKK