24/11/2024

Từ bàn ăn gia đình đến Bàn Tiệc Thánh Thể: Căn tính của người Công giáo

ĐHY Seán O hèMalley, Tổng Giám mục Boston, Hoa Kỳ, đã công bố một Năm Thánh Thể cho toàn thể tổng giáo phận. Năm Thánh chính thức bắt đầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2020 và kết thúc vào lễ Mình Máu Chúa 2021.

 Từ bàn ăn gia đình đến Bàn Tiệc Thánh Thể: Căn tính của người Công giáo

 

 

 

ĐHY Seán O hèMalley, Tổng Giám mục Boston, Hoa Kỳ, đã công bố một Năm Thánh Thể cho toàn thể tổng giáo phận. Năm Thánh chính thức bắt đầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2020 và kết thúc vào lễ Mình Máu Chúa 2021. Nhân dịp này, ĐHY đã gửi thư mục vụ cho toàn thể dân Chúa. Nội dung nhấn mạnh tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể, cũng như niềm hy vọng của ĐHY trong Năm Thánh này. Dưới đây là nội dung thư:

Theo báo cáo trong một nghiên cứu gần đây của Pew, một tổ chức chuyên nghiên cứu về lĩnh vực xã hội có tên “Người Mỹ biết gì về tôn giáo”, chỉ có 31% người Công giáo tin rằng bánh và rượu được thánh hiến trong Thánh lễ thực sự trở thành mình và máu Chúa Giêsu, và chỉ một nửa số người Công giáo biết về Giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về Bí tích Thánh Thể, vào Thứ Năm Tuần Thánh 2020, Tổng Giáo phận Boston sẽ bắt đầu một Năm Thánh Thể. Tôi hy vọng và cầu nguyện, nhờ sáng kiến thiêng liêng này, chúng ta có thể mời gọi và khuyến khích anh chị em của chúng ta tìm thấy niềm an ủi của Chúa qua việc tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể và trong những lần cầu nguyện trước Thánh Thể.

Từ bàn ăn gia đình đến Tiệc Thánh Thể


Khi bố mẹ tôi kết hôn, Cha Jerry Reidy, chú tôi đã tặng họ một món quà cưới của Leonardo Da Vinci, bức tranh Bữa Tiệc Ly. Bức tranh đó được treo trong phòng ăn của chúng tôi, và một trong những ký ức đầu tiên của tôi là việc bố mẹ giải thích cho chúng tôi nội dung bức tranh, mô tả Thánh lễ, Bí tích Thánh Thể đầu tiên. Họ nói rõ rằng đó là lý do chúng ta đi lễ, để tham dự cùng một Bí tích Thánh Thể mà Chúa Kitô đã chia sẻ với những người theo sát Ngài trong Bữa Tiệc Ly trước khi Ngài chịu đau khổ và chết vì chúng ta.

Đối với cha mẹ tôi, bữa ăn tối là ưu tiên hàng đầu của gia đình chúng tôi; tham dự không phải là tùy ý. Quây quần quanh bàn ăn là điều chúng tôi phải thi hành, đây là nơi chúng tôi liên kết với nhau. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, cười với nhau, thậm chí sẽ tranh luận với nhau. Bữa ăn tối gia đình rất cần thiết cho việc hình thành nhân cách của chúng tôi và đó là nơi chúng tôi khám phá ra căn tính của mình.

Điều tương tự cũng có thể được nói về việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Là người Công giáo, chính trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta học được căn tính của chúng ta. Tại bàn của Chúa, vì yêu thương, Chúa Giêsu ban một món quà là chính mình Ngài cho chúng ta. Cũng như tại bàn ăn gia đình, chính trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta khám phá ra chúng ta là ai, tại sao chúng ta ở đây. Và chúng ta nhận ra sứ mệnh của chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu.

Lớn lên, tôi biết nhiều hình thức sùng kính Bí tích Thánh Thể, để Thánh Thể là trung tâm của cuộc sống người Công giáo: 40 Giờ chầu Thánh Thể, Rước kiệu Thánh Thể và Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã biết Bí tích Thánh Thể là điều phân biệt chúng ta với hầu hết các Giáo hội Kitô khác, Mình và Máu Chúa Kitô, bí tích thực sự hiện diện trong Giáo hội.

Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu


Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Kitô đã thiết lập chức tư tế để Ngài có thể hiện diện không chỉ ở Giêrusalem mà khắp mọi nơi trên thế giới và mọi thời đại. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta có mối tương quan trực tiếp với Chúa trong Thánh lễ và khi cầu nguyện trước Thánh Thể. Khi chúng ta đến viếng các nhà thờ vào những giờ khác ngoài giờ cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể thấy ngọn đèn đỏ của thánh đường và biết rằng Chúa Giêsu ở đó cho chúng ta. Ngài luôn chờ đợi trong âm thầm và yêu thương, sẵn sàng đón nhận và an ủi chúng ta.

Mỗi ngày, tôi suy niệm và cầu nguyện hai lần, tôi luôn làm việc này trước Thánh Thể. Giờ thánh của tôi là vào đêm khuya khi điện thoại ngừng đổ chuông. Đó là khoảng thời gian tôi được đổi mới vì cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và tình yêu của Ngài dành cho tôi, ý thức Ngài sẽ hướng dẫn và cho tôi sức mạnh cần thiết. Cầu nguyện trước sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, là một phần rất quan trọng của các hoạt động hàng ngày của tôi, giúp tôi trung thành với ơn gọi.

Trong Năm Thánh Thể, tất cả chúng ta đều có cơ hội để canh tân và củng cố đức tin và đến gần Chúa hơn. Nếu chúng ta tập trung vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, trong tình bạn của Ngài, thì mọi điều sẽ có ý nghĩa. Trong Thánh lễ, Chúa Giêsu ở đó, chờ đợi chúng ta, mời chúng ta đến bàn tiệc, nơi Ngài đang trao ban một món quà là chính mình Ngài cho chúng ta; để đến lượt mình, chúng ta có sức mạnh cũng trở thành một món quà cho người khác, là điều mà con người có thể thực hiện được. Đó là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, đó là điểm đến cuối cùng của tình yêu. Chúng ta càng hiểu điều đó, chúng ta sẽ càng muốn hiện diện với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thánh Thể sẽ biến đổi chúng ta nhiều hơn.

Thánh Thể, nguồn mạch sứ mạng

Môn đệ không đi một mình. Chúa Giêsu đã sai hai người, chứ không phải từng người một, và Chúa nói về tầm quan trọng của hai hoặc ba người nhân danh Ngài. Bí tích Thánh Thể là nơi chúng ta tập hợp thành gia đình của Chúa Kitô, nơi chúng ta có thể làm chứng cho đức tin của chúng ta cho người khác và trong khả năng, chúng ta làm cho tình yêu được lớn lên. Bí tích Thánh Thể cho chúng ta sức mạnh để thực hiện sứ mệnh biến đổi thế giới, hoạt động cho công lý, phục vụ người nghèo, mang lại ơn chữa lành và hòa giải. Nhưng chúng ta có thể làm những việc này trừ khi chúng ta có sức mạnh đến từ sự tiếp xúc mật thiết với tình yêu Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Môn đệ cũng cần có kế hoạch. Chúng ta cần tự hỏi mình có thể làm gì, cá nhân và với gia đình và bạn bè, để chuẩn bị cho Năm Thánh Thể. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này trong thời gian cầu nguyện trước Thánh Thể trong các nhà thờ của chúng ta. Chúng ta có thể đọc và suy niệm về chương thứ sáu của Tin mừng Gioan. Chúng ta có thể mời gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tham gia cùng chúng ta trong Thánh lễ và Chầu Thánh Thể. Chúng ta có thể suy niệm về tầm quan trọng của việc đón nhận Chúa trong Bí tích Thánh Thể, sự khác biệt tạo nên trong cuộc sống của chúng ta và chia sẻ sự thấu hiểu đó với những người gần gũi chúng ta.

Sự hiện hữu của con người không là tình cờ

Sự hiện hữu của chúng ta không phải là tình cờ. Cuộc sống của chúng ta là một món quà của tình yêu nhưng không của Chúa, và Bí tích Thánh Thể là biểu tượng sâu sắc nhất của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đến với chúng ta trong sự khiêm nhường, trong sự yếu đuối, để không ai phải sợ hãi hay không chắc chắn về việc được Ngài đón nhận. Chúa làm cho chính Chúa hiện diện với chúng ta, trao ban sức mạnh chúng ta cần để sống sứ vụ trong Giáo hội như là môn đệ của Chúa Kitô.

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta bước vào công trình sáng tạo của Ngài, để chúng ta có thể gần gũi, lắng nghe, biết và yêu mến Ngài. Các bí tích không chỉ chạm đến cuộc sống của chúng ta, mà còn uốn nắn chính bản thể của chúng ta và Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống bí tích của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi là người Công giáo. Đó là lý do tại sao tôi là một linh mục.

Tôi tự hỏi: “Mọi sự có giá trị không, nếu không có Bí tích Thánh Thể?” Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em với niềm tin chắc rằng Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên chúng ta, đến tận cùng của thời gian. Đó là lời hứa của Chúa Giêsu và Ngài giữ lời hứa đó trong hồng ân của Bí tích Thánh Thể.
 
 

Ngọc Yến

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-01/ban-an-gia-dinh-ban-tiec-thanh-the-can-tinh-cong-giao.html