Phát minh khiến nhiều người chết nhất
Với những tác hại khủng khiếp, thuốc lá được xếp vào một trong những phát minh khiến nhiều người chết nhất bên cạnh bom hạt nhân, chất nổ và súng.
Phát minh khiến nhiều người chết nhất
Với những tác hại khủng khiếp, thuốc lá được xếp vào một trong những phát minh khiến nhiều người chết nhất bên cạnh bom hạt nhân, chất nổ và súng.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất thế giới với 350 triệu người hút – Ảnh: Mic.com
Thuốc lá không chỉ là loại thuốc điếu (cigarette) chúng ta thường thấy, mà có nhiều loại: xì gà (cigar); loại để nhai (chewing tobacco) dành cho những người thời xưa phải làm việc trong môi trường ẩm ướt hoặc không thể đốt lửa như thủy thủ, thợ mỏ; loại bột hít qua đường mũi (snuff tobacco); loại ngậm trong miệng (snus tobacco) có thể ngậm rồi nuốt xác thuốc…
Năm 2016, trên toàn cầu dân nghiện đã đốt hết 5,5 ngàn tỉ điếu thuốc, tăng 12% so với năm 2000. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất thế giới (40%) với 350 triệu người nghiện hút.
Các bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường và ung thư do hút thuốc là nguyên nhân chính gây tử vong cho 7,1 triệu người hằng năm (80% trong số đó ở các nước đang phát triển và 890.000 người chết do chịu ảnh hưởng của khói thuốc, dù họ không hút) và gây thiệt hại kinh tế lên đến 2.000 tỉ USD trên toàn thế giới.
Số người nghiện hút ở các nước công nghiệp Tây phương đã giảm mạnh từ đầu thế kỷ 21, ngược lại số người nghiện ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2025, số người nghiện trên toàn thế giới sẽ tăng lên đến 1,64 tỉ người và chủ yếu vẫn là ở những nước đang phát triển.
Ngành sản xuất kinh doanh thuốc lá có giá trị thương mại lên đến 683 tỉ USD (năm 2016), đây cũng là ngành sản xuất có mức lợi nhuận thuộc hàng cao nhất. Bởi thế, dù chính phủ các nước đánh thuế rất nặng vào mặt hàng thuốc lá, các hãng sản xuất vẫn cứ ung dung tăng sản lượng và thu lợi nhuận ngày càng cao.
Năm 2016, năm đại gia thuốc lá lớn nhất thế giới (không kể Trung Quốc) gồm Philip Morris và Altria Group (Mỹ), British American Tobacco và Imperial Tobacco (Anh), Japan Tobacco International (Nhật) đạt doanh thu tổng cộng 150 tỉ USD với khoản lợi nhuận lên đến 35 tỉ USD. Điều trớ trêu là những công ty này thuộc về các nước giàu – nơi số người hút thuốc ngày càng giảm, nên phần lớn sản lượng thuốc hút của họ là để xuất khẩu sang các nước nghèo.
Ở Trung Quốc, chỉ duy nhất Công ty Thuốc lá quốc gia được độc quyền sản xuất mặt hàng này, hằng năm cung cấp cho thị trường nội địa 2.000 tỉ điếu thuốc, đạt doanh thu 91,7 tỉ USD và thu về khoản lợi nhuận béo bở 16 tỉ USD.
Theo số liệu từ chuyên san Tobacco Atlas của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), hằng năm Việt Nam có hơn 134.000 người chết vì các bệnh do hút thuốc gây ra. Có đến 14,7 triệu người Việt từ 15 tuổi trở lên và 50.000 trẻ em 10-14 tuổi nghiện hút thuốc. Ước tính hằng năm cả nước tổn thất khoảng 84,6 ngàn tỉ đồng chi phí vào điều trị, thuốc men, mất năng suất lao động và thu nhập vì bệnh tật do hút thuốc.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề lạm dụng và bóc lột lao động trẻ em trong các trang trại trồng thuốc lá ở Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malawi và Zimbabwe.
Ngoài việc bị bóc lột sức lao động vì mức lương rất thấp nhưng phải làm việc nhiều giờ liên tục và bị bạo hành, trẻ em làm việc tại các trang trại này thường bị bệnh do nhiễm độc nicotine. Khi thu hoạch lá còn ẩm, một lượng nicotine tương đương với hút 50 điếu thuốc sẽ bị hấp thu vào cơ thể trẻ qua đường da gây chóng mặt, buồn nôn, ói mửa. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em.
Việc canh tác cây thuốc lá cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường vì loại cây này dễ nhiễm các bệnh đốm mắt, đốm lá, nốt sưng do nấm, vi khuẩn và tuyến trùng. Do đó, trong quá trình canh tác phải cần đến 16 lần phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Hơn nữa, cây thuốc lá cần nhiều chất dinh dưỡng nên người trồng phải dùng một lượng phân bón rất lớn. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí tại nơi canh tác và khu vực lân cận, đồng thời gây nguy cơ nhiễm ung thư cao cho người trực tiếp canh tác.
Việc trồng trọt lâu dài cây thuốc lá cũng làm kiệt đất nông nghiệp do cây này sẽ rút hết các chất phôtpho, nitơ và kali có trong đất.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người ta đã phá rừng tràn lan để tăng diện tích trồng thuốc lá và lấy gỗ đốt để sấy lá thuốc ở các nước đang phát triển. Và cuối cùng, một vấn nạn khác cũng không kém phần nghiêm trọng là ô nhiễm do số tàn thuốc lá (có đầu lọc) thải bỏ sau khi hút hết điếu thuốc. Hằng năm có khoảng 4,5 ngàn tỉ tàn thuốc lá được vứt lại môi trường, trên đường đi và các khu vực công cộng.
Với những tác hại trước mắt cũng như về lâu dài cho người và môi trường, thuốc lá được xếp vào một trong những phát minh khiến nhiều người chết nhất trong thời hiện đại cùng với bom hạt nhân, chất nổ và súng.
TTO