24/01/2025

Chúa nhật Lễ Hiển Linh A 2020: Bước đi trong ánh sáng

Cuộc đời của mỗi người chúng ta là một con đường dài vô tận, mà đoạn đường ở trần thế lại gồm nhiều chỗ khúc khuỷu hay thẳng tắp khác nhau, khiến chúng ta nhiều khi không biết phải đi như thế nào, nhất là những đoạn đời đen tối với những thất bại, thử thách, đau thương.

 

Chúa nhật Lễ Hiển Linh A 2020

Bước đi trong ánh sáng

Lời mở

Cuộc đời của mỗi người chúng ta là một con đường dài vô tận, mà đoạn đường ở trần thế lại gồm nhiều chỗ khúc khuỷu hay thẳng tắp khác nhau, khiến chúng ta nhiều khi không biết phải đi như thế nào, nhất là những đoạn đời đen tối với những thất bại, thử thách, đau thương. Làm thế nào để vượt qua và tìm ra được ý nghĩa cho đời mình?

Các bài đọc Thánh Kinh trong lễ Hiển Linh như giới thiệu ta con đường đi trong bóng tối của ba đạo sĩ Đông Phương nhờ ánh sao soi sáng để tìm đến ánh sáng chan hoà của Thiên Chúa chiếu toả trên Giêrusalem như tiên tri Isaia đã mô tả (x. Is 60,1-6). Thánh Gioan tông đồ nhắc nhở ta rằng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Vì thế, trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu những người đang đi tìm ánh sáng như các đạo sĩ phương Đông là ai và làm thế nào để tìm được ánh sáng thật là Chúa Giêsu.

1. Những người đi tìm ánh sáng

Kể từ khi biết suy tư, cách đây khoảng 200.000 năm, con người đã nhận ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là những vật thể phát ra ánh sáng, dù họ chưa phân biệt được ánh sáng mặt trời với ánh trăng vì ánh trăng là anh sáng phản chiếu mặt trời.

Nhiều nhà trí thức thời cổ đã nghiên cứu chiêm tinh học. Đó là những khoa học khởi đầu khi họ nhìn lên bầu trời với bao vì sao sáng, rồi so sánh chúng với mặt trời, mặt trăng để nhận ra rằng chúng có thể liên hệ đến những sự kiện xảy ra trên thế giới và có thể tác động đến nhân cách con người. Cho đến hôm nay, ta thấy rất nhiều người ở Tây Phương vẫn tìm đọc những lá số tử vi theo ngày tháng sinh của họ để nhận ra mình bị các sao như Bạch Dương, Cự Giải, Thiên Bình, Ma Kết, Kim Ngưu, Sư Tử, Thiên Yết, Bảo Bình, Nhân Mã, Song Tử, Xử Nữ, Song Ngư tác động.

Nhiều nền văn hoá chú trọng đến các sự kiện thiên văn như chiêm tinh học của người Hindu, Trung Quốc, Maya. Không ít người Việt Nam và người Trung Quốc hiện nay vẫn tin vào những lá số tử vi, vẫn cho cá tính mình thuộc một trong năm yếu tố: Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, và định mệnh đời mình bị chi phối bởi sao này sao nọ, căn cứ vào giờ ngày tháng năm sinh theo Âm lịch qua các quẻ bói trong sách Kinh Dịch.

Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mt 2,1-12) chúng ta thấy rõ tính cách chiêm tinh qua câu hỏi của các đạo sĩ Đông Phương: “Vua Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Khi trình bày sự kiện ba nhà chiêm tinh phương Đông, Giáo Hội không mời gọi chúng ta tin tưởng vào khoa chiêm tinh học, vì xét theo khía cạnh tìm kiếm tri thức, chiêm tinh học chỉ là giai đoạn khởi đầu của khoa thiên văn. 500 năm gần đây người ta thấy những ngôi sao vật chất xa vời không có mối quan hệ gì đến nhân cách con người hay đến những sự kiện xảy ra trong thế giới, nên chiêm tinh học bị coi là phản khoa học. Chúng ta đừng tin những dự đoán của khoa chiêm tinh cũng như của khoa bói bài, coi chỉ tay, hay những bài giải lá số tử vi, giải ấn đền Trần của các ông thầy pháp, thầy bùa hay lời khuyên các nhà phong thuỷ, địa lý, như thể là những giải đáp cho định mệnh của đời mình. Tất cả đều là mê tín. Đó là ta chưa kể đến một số người trong bọn họ cộng tác với ma quỷ, nói ra vài điểm trong quá khứ của con người, cố ý tạo nên niềm tin mù quáng để lợi dụng ta.

2. Làm sao tìm ra được sự soi sáng của Chúa trong đường đời

Các đạo sĩ Đông Phương đã giới thiệu cho ta những phương cách để tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, tìm được ý Chúa, sự soi sáng của Chúa và tìm được chính Chúa như thế nào.

Hội Thánh Công giáo giới thiệu cho chúng ta 4 phương tiện mà Chúa thường dùng để bày tỏ ý muốn của Chúa trong đời ta.

Trước hết, đó là lương tâm của con người. Chúa nói trong lương tâm để nhắc nhở ta điều đúng, điều sai, điều tốt, điều xấu. Dù rằng có những người, do hoàn cảnh giáo dục tồi tệ hoặc sống gắn bó với người xấu đã làm cho lương tâm của họ bị sai lạc. Nhưng tiếng lương tâm vẫn luôn luôn là lời của Thiên Chúa nhắc nhở như các đạo sĩ đã nghe theo tiếng lương tâm thúc giục họ lên đường.

Thứ hai là những biến cố cuộc đời và sự kiện thế giới cũng có thể là những tiếng nói của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, giống như các đạo sĩ nhìn những biến chuyển của các ngôi sao, lắng nghe được tiếng lương tâm mình và nhận ra tiếng Chúa mời gọi họ đi trong đêm tối để tìm về Đấng là nguồn mọi hiện hữu và điều khiển cả thế giới như các quà tặng họ hiến dâng. Thí dụ như một người tha thiết muốn đi tu làm linh mục, nhưng không có học vấn, không có sức khoẻ, cha mẹ lại già yếu, bệnh tật mình phải chăm lo… thì những yếu tố đó đủ để thấy Chúa chưa gọi người đó làm linh mục cho Ngài.

Phương tiện thứ ba mà Chúa dùng để dạy bảo ta là Giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này gồm những lời dạy chính thức của Giáo Hội qua những văn kiện của các công đồng, những lời dạy bảo của các giáo hoàng, giám mục, linh mục. Nhưng mở rộng ra còn là những lời khuyên nhủ, kinh nghiệm của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người hiểu biết trong cuộc sống mà chúng ta phải vâng phục, tra cứu, hỏi han. Các đạo sĩ Đông Phương, khi thấy ánh sao dẫn đường biến mất, đã tìm hỏi những thượng tế và kinh sư Do Thái. Đó là tượng trưng cho giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội giúp ta khám phá ra ý muốn của Chúa trong đời mình.

Phương tiện thứ tư, chính xác nhất, rõ ràng nhất, là Thánh Kinh. Thánh Kinh là những lời Thiên Chúa mạc khải,  được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Các đạo sĩ chỉ tìm thấy câu trả lời chính xác nhất về nơi Đức Vua mới sinh, khi họ tra cứu sách tiên tri Mikha, đó là Bêlem, miền đất Giuđa. “Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài” (sách GLHTCG, số 102). Ngôi Lời ấy nay đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như các vị đạo sĩ và lắng nghe Người dạy ta qua cuộc đời của Người ghi lại trong Thánh Kinh, nhất là qua Bốn Phúc Âm, ta sẽ tìm được ý của Chúa trong đời mình.

Bốn phương tiện ấy như đang mời gọi ta tiếp bước theo chân các đạo sĩ, trong những đoạn đường đen tối, những đoạn đường tràn ngập đau khổ, thất bại, mà nhiều khi ta chỉ muốn nằm nghỉ, muốn ngồi yên, không đi nữa. Nếu đứng dậy và đi tiếp, ta sẽ nhìn thấy ngôi sao lại hiện ra để dẫn ta gặp được chính Đức Giêsu là nguồn ánh sáng thật của đời mình, là lý tưởng cho đời ta. Từ đó, ta mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ.

Lời kết

Gặp được Chúa Giêsu như các đạo sĩ, chúng ta sẽ không còn cần nhờ đến ánh sao, nhưng ta sẽ bước đi trong ánh sáng của chính Thiên Chúa. Chúng ta sẽ toả sáng như Người vì “chúng ta làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” như thánh Phaolô gợi ý trong bài đọc II (x. Ep 3, 2-6). Chúng ta toả chiếu ánh sáng của Người trong đời mình để chia sẻ tin mừng cứu độ cho tất cả những ai ta gặp gỡ như các đạo sĩ Đông Phương.

 

 

HKK