24/12/2024

Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân 11/02/2020

Mở đầu sứ điệp, ĐTC viết: “Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Matthêu cho chúng ta thấy tình liên đới của Chúa Giêsu với bệnh nhân. Với bệnh nhân, Chúa Giêsu luôn đón nhận và trao ban Lòng Thương xót của Ngài và mời gọi họ sống mối tương quan với Chúa để cảm nghiệm được sự dịu dàng của Ngài.”

 Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân 11/02/2020

 

 

ĐTC thăm các bệnh nhân (Vatican Media)

Thứ sáu 03/01/2020, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố Sứ điệp của ĐTC Phanxiccô nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân 11/02/2020. Chủ đề sứ điệp năm nay được trích từ câu Lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Mở đầu sứ điệp, ĐTC viết: “Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Matthêu cho chúng ta thấy tình liên đới của Chúa Giêsu với bệnh nhân. Với bệnh nhân, Chúa Giêsu luôn đón nhận và trao ban Lòng Thương xót của Ngài và mời gọi họ sống mối tương quan với Chúa để cảm nghiệm được sự dịu dàng của Ngài.”

ĐTC đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu có những tình cảm này?” Thưa là vì chính Chúa cũng đã có những giây phút yếu đuối, trải qua những đau khổ của phận người. Thực vậy, chỉ những ai đã có những trải nghiệm cá nhân sẽ hiểu được nỗi đau của người khác. Khi bị bệnh, con người không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn cả các chiều kích khác như mối tương quan, tình cảm và tâm linh. Vì thế, ngoài các liệu pháp chữa trị, bệnh nhân cần phải được hỗ trợ, quan tâm với tình yêu.

Với người bệnh, ĐTC nhấn mạnh, bệnh nhân là những người đặc biệt trong số những người mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng Thánh Matthêu, những người “đang vất vả và mang gánh nặng nề”, những người được Chúa đoái thương cách đặc biệt. Vì thế, trong giây phút đêm tối, cái nhìn âu yếm của Chúa làm cho người bệnh được hy vọng. Chúa mời gọi “hãy đến”, vì trong Chúa, những lo lắng và sầu khổ của “đêm tối” thể xác và tinh thần tìm được sức mạnh.

Với các nhân viên y tế, ĐTC nhắc nhở tất cả hành động của nhân viên y tế, từ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu, chữa bệnh cho đến phục hồi chức năng đều phải hướng đến người bệnh, danh từ “người” phải luôn đi trước tính từ “bệnh”. Vì thế, mọi hoạt động của nhân viên y tế phải nhắm đến phẩm giá và sự sống con người, không được có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại cho sự sống của người bệnh, ngay cả khi tình trạng của họ không thể cứu vãn. ĐTC nhấn mạnh: “Chúng ta nhớ rằng sự sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa. Sự sống phải được đón nhận, bảo vệ, tôn trọng và phục vụ từ khi sinh ra cho đến khi chết tự nhiên.”

Với các tổ chức y tế và các vị lãnh đạo các quốc gia, ĐTC viết: “Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em trên khắp thế giới không có cơ hội được điều trị vì điều kiện sống nghèo khổ. Tôi mời gọi các tổ chức y tế và các chính phủ ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong khi quan tâm đến khía cạnh kinh tế, không bỏ quên công bằng xã hội. Tôi hy vọng, cùng với các nguyên tắc của tình liên đới và bổ trợ, chúng ta sẽ hợp tác để mọi người được chăm sóc đầy đủ trong việc bảo vệ và phục hồi sức khoẻ.” (CSR_22_2020)

 
 

Ngọc Yến

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-01/su-diep-ngay-benh-nhan.html