24/12/2024

Mối nguy hại do virus “trốn” khỏi phòng thí nghiệm

Mục tiêu xuyên suốt của các thí nghiệm là để phát triển các công cụ nhằm theo dõi sự trỗi dậy của các chủng dịch bệnh. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc “trốn” khỏi phòng thí nghiệm của các mầm bệnh, vượt khỏi bất kỳ tiến bộ y học nào đang hiện hữu.

 Mối nguy hại do virus “trốn” khỏi phòng thí nghiệm

 

Mục tiêu xuyên suốt của các thí nghiệm là để phát triển các công cụ nhằm theo dõi sự trỗi dậy của các chủng dịch bệnh.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc “trốn” khỏi phòng thí nghiệm của các mầm bệnh, vượt khỏi bất kỳ tiến bộ y học nào đang hiện hữu. Đã từng xảy ra nhiều vụ “vượt ngục” của các mầm bệnh làm lan truyền dịch bệnh với mức độ chóng mặt vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhân viên y tế.

Nỗi sợ dịch cúm

Virus cúm ở người H1N1 xuất hiện và làm bùng phát đại dịch toàn cầu năm 1918. Đến năm 1957, virus này biến mất và nhường chỗ cho virus dịch H2N2. Nỗi ám ảnh về đại dịch chết người năm 1918 khiến cho Chính phủ Mỹ áp dụng chủng ngừa triệt để cho toàn bộ người dân với 48 triệu liều vắc-xin tiêm chủng. Virus cúm người xuất hiện trở lại vào năm 1977 ở Liên Xô và Trung Quốc. Năm 2010, các nhà nghiên cứu đã công bố sự thật: “Bằng chứng nổi tiếng nhất về một chủng virus phòng thí nghiệm đã tái trỗi dậy là virus cúm A/H1N1 mà lần đầu tiên đã được nhìn thấy ở Trung Quốc vào tháng 5 năm 1977 và sau đó là ở Nga”.

Đại dịch cúm năm 1977 đã lan nhanh khắp thế giới, nhưng bệnh chỉ giới hạn ở những người dưới 20 tuổi: Người già được miễn dịch do được phơi nhiễm trước năm 1957. Tỷ lệ tấn công của bệnh là rất cao (20-70%) tại các trường học và doanh trại quân đội, may sao các triệu chứng bệnh khá nhẹ và ít làm chết người. Bệnh tiếp tục tuần hoàn cho đến năm 2009. Hầu như không có nhận thức cộng đồng về dịch cúm H1N1 năm 1977 cũng như nguồn gốc xuất phát từ phòng thí nghiệm của nó, dù rằng có sự tương đồng rõ ràng về mối quan tâm hiện tại đến tiềm năng của virus H5N1 hay dịch cúm gia cầm H7N9. Hậu quả của một con virus cúm gia cầm chết người nếu “vượt ngục” thành công chắc chắn sẽ có tác động rất nghiêm trọng.

Kỹ thuật viên đang làm việc trong phòng thí nghiệm được thiết kế cho các loại virus và vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm ở Lyon (Pháp) vào năm 1999. Ảnh nguồn: Reuters

 

Kỹ thuật viên đang làm việc trong phòng thí nghiệm được thiết kế cho các loại virus và vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm ở Lyon (Pháp) vào năm 1999. Ảnh nguồn: Reuters

Bệnh đậu mùa “vượt ngục” ở Anh

Vụ “sổng chuồng” bệnh đậu mùa đầu tiên đã diễn ra vào tháng 3 năm 1972. Một phụ tá phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London. Nữ bệnh nhân này đã từng thu hoạch virus đậu mùa sống từ trứng vốn được sử dụng làm môi trường phát triển và nhiễm bệnh. Đến tháng 8/1978, một nhiếp ảnh gia y khoa tại Trường Y Birmingham đã mắc bệnh đậu mùa và qua đời. Bà này kịp lây bệnh cho người mẹ, may thay bà mẹ còn sống.

Nơi làm việc của nữ nhiếp ảnh gia lại nằm ngay trên đầu phòng thí nghiệm đậu mùa Trường Y Birmingham. Các nhà điều tra tái xét nghiệm đợt dịch đậu mùa năm 1966. Đợt lây nhiễm năm 1966 cũng với một nhiếp ảnh gia y khoa, người này cũng làm việc ở Trường Y Birmingham. Đợt bùng phát trước đó là do một chủng đậu mùa có độc lực thấp (variola minor) và khiến 72 người bị nhiễm bệnh. Nhật ký phòng thí nghiệm Birmingham cho thấy variola minor đã được thao tác ở phòng thí nghiệm đậu mùa cùng thời điểm đó và nhiễm bệnh cho nhiếp ảnh gia đang làm việc ở tầng trên.

Viêm não ngựa ở Venezuela

Bệnh viêm não ngựa ở Venezuela (VEE) là một bệnh virus do muỗi lan truyền. Bệnh liên tục bùng phát ở các khu vực có liên quan đến loài ngựa (ngựa, lừa, la) ở Tây bán cầu. Bệnh cũng diễn ra ở loài người. VEE ở người có thể gây ra sốt nặng và có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại khuyết tật thần kinh vĩnh viễn (động kinh, tê liệt, hoặc chậm phát triển trí tuệ) chiếm từ 4-14% trong các trường hợp lâm sàng. Các phân tích hiện đại cho thấy các đợt dịch bùng phát có nguồn gốc từ sự cô lập VEE vào năm 1938 dùng trong chế tạo thuốc chủng ngừa thú y bất hoạt. Rõ ràng là nhiều lô chủng ngừa thú y VEE đã không được bất hoạt hoàn toàn và tàn dư virus còn sót lại.

Năm 1995, một đợt bùng phát dịch VEE cho cả động vật và người đã tấn công Venezuela và Colombia. Có ít nhất 10.000 người dính VEE và 11 người chết ở Venezuela. Ước tính 75.000 trường hợp bệnh VEE ở Colombia với 3.000 biến chứng thần kinh và 300 ca tử vong. Phân tích bộ gene cho thấy virus 1995 giống hệt với virus được phân lập năm 1963. Nhóm khoa học chính làm việc với VEE đã công bố một công trình nghiên cứu hồi năm 2001 chỉ đích danh rằng đợt bùng phát dịch năm 1995 là một vụ “vượt ngục” phòng thí nghiệm. Chủng dịch bùng nổ được cô lập từ một kháng nguyên bất hoạt không hoàn toàn tại phòng thí nghiệm VEE toạ lạc ngay tâm của đợt dịch.

Dịch SARS

Sự bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 đã lan tới 29 quốc gia khiến cho hơn 8.000 người nhiễm bệnh và ít nhất 774 người đã chết. Bệnh diễn tiến rất nguy hiểm do chưa có chủng ngừa và virus có thể lây lan nhanh. Thêm nữa, khoảng 5% bệnh nhân mắc SARS là những “người siêu lây lan” với tốc độ cấp 8. Đã có 6 lần SARS “vượt ngục” từ các phòng thí nghiệm virus: 2 lần ở Singapore và Đài Loan, 4 lần riêng biệt ở cùng một phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập một ủy ban chuyên gia nhằm sửa đổi các hướng dẫn an toàn sinh học cho SARS. Nhưng trớ trêu thay, việc WHO kêu gọi tăng cường an toàn sinh học cho các phòng thí nghiệm SARS chỉ sau khi xảy ra vụ lây bệnh ở Đài Loan.

Văn Chương

((Theo slate, 12/2019))

Suckhoedoisong