Khởi động dự án ‘siêu san hô’ cứu các rạn san hô khắp thế giới
Các nhà khoa học tại Seychelles bắt đầu dự án hồi phục rạn san hô quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, gọi là “siêu san hô”, tại Ấn Độ Dương nhằm giúp ngăn chặn tác động của nhiệt độ nước biển tăng.
Khởi động dự án ‘siêu san hô’ cứu các rạn san hô khắp thế giới
Các nhà khoa học tại Seychelles bắt đầu dự án hồi phục rạn san hô quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, gọi là “siêu san hô”, tại Ấn Độ Dương nhằm giúp ngăn chặn tác động của nhiệt độ nước biển tăng.
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng cao, chính điều này gây tác động nhiều nhất đến các rạn san hô và giết hơn một nửa rạn san hô trên thế giới.
Do đó, như đài BBC ngày 27-12, nhóm các nhà khoa học tại Seychelles, quốc gia Đông Phi gồm 115 hòn đảo ở Ấn Độ Dương, đã trồng san hô trong một vườn ươm dưới nước và đưa chúng trở lại đáy biển với hi vọng chúng có thể chống lại quá trình tẩy trắng san hô (san hô chết đi và để lại “xương trắng” dưới đáy biển) trong tương lai.
San hô có màu sắc và năng lượng nhờ vào tảo sống bên trong chúng. Đây là một mối quan hệ hoàn hảo cho đến khi biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên và khiến tảo trở nên độc hại với san hô. Không còn cách nào khác, san hô buộc phải “đuổi” tảo đi và vì tảo là một trong những nguồn thức ăn chính của san hô nên san hô thường chết sau đó.
Nhóm đã lặn xuống đáy biển của Seychelles để “trồng” các cây san hô này vào các tảng đá dưới đó bằng cách sử dụng một loại ximăng chuyên dụng trong nước biển.
“Phương pháp trồng vườn san hô của chúng tôi xác định các khu vực khả thi nhất bằng cách đến thăm các rạn san hô ngay sau khi quá trình tẩy trắng xảy ra và xem khu vực nào sống sót sau quá trình này và đánh giá một số điều kiện về khả năng phục hồi” – Chloe Shute, thành viên của dự án Giải cứu rạn san hô, giải thích cách chọn các khu vực để khôi phục lại rạn san hô.
Nhóm khoa học đã nuôi san hô con trong một vườn ươm dưới biển trước khi trồng chúng xuống đáy biển. Đài BBC cho biết đây là một trong những vườn ươm san hô lớn nhất thế giới.
Kỹ thuật này đã được đưa đến các quốc gia như Colombia, Maldives, và sau đó sẽ là Kenya, Tanzania và Mauritius.
“Chúng tôi hiểu rõ toàn bộ kỹ thuật này. Do đó bước tiếp theo là cố gắng trồng san hô trên đất liền, chăm sóc cho đến khi có thể phục hồi nhanh trước tác động của biến đổi khí hậu và đưa trở lại biển” – tiến sĩ Nirmal Jivan Shah, nhà sáng lập dự án Giải cứu rạn san hô, chia sẻ.
Các nhà khoa học dự đoán rằng hầu hết các rạn san hô trên thế giới sẽ chết đi vào năm 2050. Do đó, theo BBC, những sáng kiến như dự án Giải cứu rạn san hô có thể là những hi vọng cuối cùng.