12/01/2025

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT A

 CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT – A

(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23)

Chủ đề: PHÚC ÂM HOÁ GIA ĐÌNH THEO MẪU GƯƠNG THÁNH GIA

Người làm vợ hãy phục tùng chồng, Người làm chồng hãy yêu thương vợ.

Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa (Cl 3,18-20)

Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình. Vì thế, hằng năm, vào Chúa nhật sau lễ Giáng Sinh, Hội thánh mừng kính lễ Thánh Gia Thất của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Thánh Gia trở thành một mẫu gương nổi bật cho các gia đình Kitô hữu noi theo. Các bài đọc hôm nay cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi thành viên trong gia đình phải có để kiến tạo một gia đình hạnh phúc; đồng thời cho thấy những phúc lành mà Thiên Chúa hứa ban cho một gia đình sống theo thánh ý Thiên Chúa.

  1. CÁC BÀI ĐỌC
  2. Bài đọc 1 (Hc 3,3-7.14-17a):

Bài đọc I trích sách Huấn ca dạy những người con phải biết thảo kính cha mẹ, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Gia đình nào có con cái hiếu thảo thì người cha được vẻ vang, người mẹ thêm uy quyền. Đối với người làm con, việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:

– Với Thiên Chúa: họ được bù đắp các thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, họ sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

– Với bản thân: họ sẽ sống trường thọ và danh thơm sẽ được truyền tụng, không bị người đời quên lãng.

– Với con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, đó là sẽ được vui mừng vì con cái họ, nghĩa là sẽ được con cái hiếu thảo với họ, như chính họ đã hiếu thảo với cha mẹ của mình.

Từ những hệ quả trên, Lời Chúa trong sách Huấn ca khuyên con cái hiếu thảo với cha mẹ mình. Việc hiếu thảo này được diễn tả qua những khía cạnh khác nhau: “thờ cha”, “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.

  1. Bài đọc 2 (Cl 3,12-21):

Bài đọc 2 trích từ thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta thấy nguyên lý của đời sống gia đình là dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô. Theo đó đời sống gia đình của những người đã được Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, tức là đời sống của một gia đình Kitô hữu, phải có những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào nhân đức nền tảng là “lòng bái ái” vì lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo mọi đức tính luân lý của Kitô giáo (xem Bài ca Đức mến 1Cr 13). Từ những nguyên lý đó, hệ quả kéo theo là: vợ chồng yêu thương, phục tùng lẫn nhau và đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Về phần con cái, họ cần vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.

Để thực hiện những điều trên, cuộc sống gia đình phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và đời sống cầu nguyện qua việc dâng lên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Qua đó, Lời Chúa sẽ dậy men trong gia đình. Nói cách khác, cần Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình.

  1. Bài Tin mừng (Mt 2,1315.19-23):

Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã làm người phàm, đã sống trong một gia đình có thân phụ là thánh Giuse và thân mẫu là Đức Maria. Bài Tin mừng hôm nay cho thấy vai trò của thánh Giuse trong Thánh Gia, đó là vâng theo thánh ý Thiên Chúa hầu bảo vệ, che chở Đức Maria và Đức Giêsu tránh khỏi những toan tính của các thế lực chống lại Thiên Chúa, để Đức Giêsu có thể thực thi chương trình cứu độ khi đến thời đến buổi.

Trước đó, thánh Giuse đã vâng theo lệnh Chúa qua lời của Sứ thần Chúa truyền cho ông trong giấc mơ để đón nhận Đức Maria làm vợ mình, đặt tên cho con trẻ là Giêsu, và lúc này là đưa Hài Nhi trốn sang Ai cập để bảo đảm an toàn tính mạng cho Hài Nhi và Đức Maria khỏi sự đe doạ từ thế lực chính trị của vua Hêrôđê. Như thế, Tin mừng cho thấy rằng ngay cả Thánh Gia cũng phải trải qua những thử thách và đau khổ trong đời sống thường nhật như bao gia đình khác.

Qua những thử thách và bách hại và cách hành động như trên, thánh Giuse đã cho thấy thế nào là một người có niềm tin đích thực: vâng theo thánh ý Thiên Chúa với bất cứ giá nào. Cuộc lánh nạn tới đất Ai cập là ác mộng và xem ra vô định, vì không biết tương lai sẽ xảy ra như thế nào, nhưng thánh Giuse vẫn vâng theo vì lòng tín thác vào Thiên Chúa. Sau đó, ngài lại vâng theo lệnh Chúa mà đưa Thánh Gia ra khỏi Ai cập để trở về sống cuộc sống bình dân thầm lặng ở Nadarét. Riêng Đức Maria và Đức Giêsu thì hoàn toàn vâng phục Thánh Giuse, không phản kháng một lời.

Những tư tưởng trên cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi thánh ý Thiên Chúa như đã đề cập trong bài đọc 1 và 2. Với tư cách là cột trụ của gia đình, thánh Giuse đã bảo vệ vợ mình và con cái theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa; còn Đức Maria và Chúa Giêsu lại sống theo sự dẫn dắt của thánh Giuse. Nhờ có tôn ti trật tự như thế, Thánh Gia là một gia đình trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm và trở thành một mô hình gương mẫu để mọi gia đình và nhất là gia đình Kitô hữu noi theo.

  1. GỢI Ý MỤC VỤ
  2. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ…” (Hc 3,3-6). Tư tưởng này rất phù hợp với đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” của người Việt Nam. Ngày nay đời sống gia đình đang trên đà xuống dốc: cha mẹ ly thân, ly dị; con cái hư thân bất hiếu; anh em chia rẽ bất hoà,… Là cha mẹ, chúng ta có ý thức được rằng đời sống và các hành vi của bản thân là bài học chính cho con cái hay không? Là con cái, chúng ta có ý thức được phận làm con của mình, cụ thể là sống hiếu thảo thì sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng cha mẹ, tích đức cho bản thân; và đến lượt, sẽ có một gia đình hạnh phúc trong tương lai, sẽ được con cái kính trọng như mình đã kính trọng với cha mẹ của mình hay không?
  3. Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền h và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, và trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14). Gia đình Kitô giáo phải được xây dựng trên những nhân đức nền tảng của đời sống mới trong Đức Kitô, nhất là lòng bác ái (đức ái/ tình yêu). Chúng ta có ý thức được rằng các đức tính trên, nhất là đức ái, sẽ giúp mỗi thành phần trong gia đình vượt qua được mọi khủng hoảng của đời sống gia đình như cha mẹ ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ…; đồng thời, giúp mỗi người sống chính danh: cha mẹ sống đúng vai trò của mình, chu toàn bổn phận chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ nhưng cũng tôn trọng con cái; con cái chu toàn bổn phận làm con, sống thảo hiếu với cha mẹ hay không? Chúng ta có ý thức rằng mỗi thành viên trong gia đình cần thực thi các đức tính, nhất là đức ái Kitô giáo, tân Phúc-âm-hoá chính đời sống gia đình của mình; nhờ đó cùng nhau gắn kết hầu chung tay xây dựng gia đình có lối sống Tin mừng hay không?
  4. Tại Việt Nam, gia đình vẫn là trường học đầu tiên, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa.” Những lời ấy trong Thư chung HĐGMVN 2019 (số 3) tiếp nối tư tưởng của Hội thánh hoàn vũ đã được các Đức Giáo Hoàng đề cập tới. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã nói: “Gia đình là nơi thuận tiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa, để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Vì thế các phụ huynh phải biết tỉnh thức và nhạy cảm chú ý tới các dịp thuận tiện giúp trình bày đức tin cho con cái với niềm vui, khả năng lắng nghe và đối thoại” (sáng thứ tư ngày 28/11/2012 tại Rôma). Chúng ta có ý thức được rằng nếu mỗi thành phần trong gia đình, nhất là bậc cha mẹ, biết thực hành những lời nhắc nhở trên đây thì gia đình sẽ trở nên một tổ ấm yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau, trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa và đẹp lòng Thiên Chúa hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình, và Thánh Gia Thất trở nên mẫu gương tuyệt vời cho các gia đình Công giáo. Cộng đoàn chúng ta hãy quyết tâm noi theo gương Thánh Gia và tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp:

  1. Việc canh tân Hội thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội thánh biết quan tâm nhiều hơn đến mục vụ gia đình, để các gia đình Công giáo thực sự trở nên một Hội thánh tại gia, là nơi bảo vệ và thông truyền đức tin Kitô giáo qua nhiều thế hệ.
  2. Thánh Gia đã phải trải qua những thử thách và đau khổ trong đời sống thường nhật. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc cha mẹ trong gia đình biết chiêm ngắm và noi theo gương mẫu của Đức Maria cùng thánh Giuse, luôn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, ý thức trách nhiệm giáo dục đức tin và nêu gương sáng cho con cái.
  3. “Anh chị em hãy có đức yêu thương, đó là dây liên kết điều toàn thiện”. Chúng ta cầu nguyện cho những người trẻ trong gia đình biết chu toàn bổn phận làm con cái,luôn yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ; đồng thời, biết nỗ lực hoàn thiện bản thân, luôn sống xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
  4. “Nguyện cho lời Đức Kitô ngự trong anh em cách dồi dào”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn siêng năng suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày, tích cực xây dựng gia đình mình trở thành một cộng đoàn chuyên chăm cầu nguyện, sống yêu thương phục vụ, và hăng say loan báo Tin mừng.

Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn gốc của mọi gia đình và là Cha tất cả chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, hầu ngày sau xứng đáng được chung hưởng vinh quang và sự sống đời đời trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Nguồn: Ban Phụng tự TGP. Tp. HCM